|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thoái vốn ngân hàng mắc kẹt do cổ phiếu “vua” mất giá

10:34 | 05/08/2016
Chia sẻ
Áp lực thoái vốn ngoài ngành theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang đè nặng các ngân hàng.

Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương thoái vốn ngoài ngành, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã lên kế hoạch và đẩy mạnh việc thoái vốn, trong đó có lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, để thành công là không dễ.

thoai von ngan hang mac ket do co phieu vua mat gia
Vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng vẫn luôn tập trung sự chú ý của thị trường và cổ đông.

Điển hình có thể kể đến kết quả đăng ký mua cổ phần của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) do Tổng Công ty Viễn thông MobiFone bán đấu giá cổ phần qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vào trung tuần tháng 4/2016 đã bất thành.

Cụ thể, MobiFone bán đấu giá 33,4 triệu cổ phần SeABank với giá 9.600 đồng/cổ phần, nhưng không ai đăng ký mua; đấu 14,28 triệu cổ phần TPBank giá 8.900 đồng/cổ phần chỉ có 6 nhà đầu tư tham gia đăng ký mua 8,7 triệu cổ phần.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng từng thất bại với kế hoạch thoái vốn khỏi Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank) trước đó. Theo kế hoạch tới đây, VNPT sẽ thoái toàn bộ vốn tại Maritime Bank thông qua việc chào bán đấu giá hơn 71,5 triệu cổ phần tại ngân hàng này.

Trên thực tế, không chỉ áp lực thoái vốn ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước, mà áp lực thoái vốn theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN cũng đang đè nặng các ngân hàng. Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định, một ngân hàng thương mại chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức tín dụng khác là công ty con của ngân hàng đó; ngân hàng thương mại nắm giữ tại tổ chức tín dụng khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết và không được cử người tham gia HĐQT tổ chức tín dụng mà ngân hàng mua cổ phần, trừ trường hợp tổ chức tín dụng đó là công ty con của ngân hàng hoặc ngân hàng thương mại tham gia tái cơ cấu, xử lý tổ chức tín dụng yếu kém theo chỉ định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).

Tuy nhiên, sau hơn một năm có hiệu lực, các ngân hàng thương mại vẫn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện quy định trên. Trong khi đó, vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng vẫn luôn tập trung sự chú ý của thị trường và cổ đông.

Ngân hàng Ngoại Thương (Vietcombank) hiện nắm hơn 7,16% vốn tại Ngân hàng Quân Đội (MB); 8,19% cổ phần Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank); 5,07% vốn tại Ngân hàng Phương Đông (OCB) và 4,37% vốn tại Ngân hàng Sài Gòn Công thương (Saigonbank). Ngoài ra, Vietcombank hiện còn sở hữu 10,91% vốn tại Công ty Tài chính cổ phần Xi măng.

Hiện tại, không ít ngân hàng trong nước đang tìm kiếm cổ đông nước ngoài để bán cổ phần, với tỷ lệ kỳ vọng vượt mức cho phép 30% hiện nay, nhằm nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả các ngân hàng đều hấp dẫn nhà đầu tư. Mặt khác, khi quyết định đầu tư, các nhà đầu tư cũng sẽ xét ở nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó có vấn đề về sức khỏe ngân hàng, tiềm năng tăng trưởng, giá…

Để đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại Việt Nam lên trên mức trần 30% như hiện nay, thậm chí có thể bán 100% cho nhà đầu tư ngoại đối với những ngân hàng quy mô nhỏ, yếu kém đang cần nâng cao tiềm lực tài chính tái cấu trúc.

Nỗ lực trên được xem là cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng trên thực tế, chưa ngân hàng nào bán được 100% vốn cho nhà đầu tư.

Nhìn nhận tái cấu trúc là nhu cầu nội tại của hệ thống và cần được tiến hành thường xuyên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng mong muốn có sự tham gia tích cực của nhà đầu tư ngoại vào tái cơ cấu các ngân hàng trong nước.

Theo ông Hưng, ngành ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hội nhập với hệ thống tài chính khu vực và thế giới, nâng cao năng lực, áp dụng chuẩn mực quốc tế, đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Vân Linh