Thỏa thuận thương mại 1.000 tỉ USD bắt đầu có hiệu lực
Cuộc họp về TFA diễn ra tại Bali năm 2013. (Ảnh: Reuters) |
Theo CNN, Hiệp định Thuận lợi hóa Thương mại (TFA) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đặt mục tiêu cắt giảm thủ tục cửa khẩu, giúp dòng chảy hàng hóa trên thế giới liền mạch hơn. Hiệp định có sự tham gia của 164 nước là thành viên WTO, trong đó có Mỹ.
TFA sẽ tiết chế thủ tục giấy tờ và giảm bớt sự chậm trễ ở biên giới hay tình trạng tắc nghẽn khi hàng hóa quá cảnh. WTO cho hay họ sẽ giảm hơn 1,5 ngày trong lượng thời gian cần thiết để các nước nhập khẩu hàng hóa, và giảm gần hai ngày trong lượng thời gian cần thiết để các nước xuất khẩu hàng hóa.
“Đây là tin tuyệt vời. Hiệp định Thuận lợi hóa Thương mại là cải cách lớn nhất của thương mại thế giới trong thế kỷ này”, Tổng giám đốc WTO Roberto Azevedo nói.
Ông Azevedo cho hay thỏa thuận sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại toàn cầu thêm 2,7 điểm phần trăm đến năm 2030 và tăng hơn 0,5 điểm phần trăm mỗi năm vào tăng trưởng GDP thế giới. WTO cho biết trung bình, thỏa thuận hạ 14,3% chi phí thương mại của các nước tham gia, thúc đẩy thương mại hàng hóa thế giới thêm 1.000 tỉ USD.
Các nước kém phát triển nhất thế giới sẽ hưởng lợi nhiều nhất. TFA là vấn đề được Tổng thống Mỹ chú ý, người từng có nhiều lần phát biểu chống các thỏa thuận thương mại đa phương. Ông cho rằng các thỏa thuận này cung cấp quá nhiều lợi thế cho những đối tác thương mại của Mỹ, khiến người Mỹ thất nghiệp.
Tổng thống Mỹ chính thức rút nước nhà khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và cho hay ông muốn tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Dù vậy, ông Azevedo cho hay việc phê duyệt TFA cho thấy các thành viên WTO đang “cam kết gắn bó với hệ thống thương mại đa phương”.
TFA được đúc kết tại Bali (Indonesia) cách nay khoảng ba năm. Hôm 22.2, WTO cho hay họ đã có sự chấp thuận cần thiết từ 2/3 trong số 164 nước thành viên để đưa thỏa thuận đi vào hiệu lực. Mỹ phê duyệt TFA dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.