Thỏa thuận OPEC và cuộc gọi lúc 2h
Vào đêm trước cuộc họp ngày 30/11 của Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu lửa (OPEC), triển vọng về một thỏa thuận cắt giảm sản lượng là không mấy sáng sủa. Các thành viên không biết họ sẽ phải cắt giảm bao nhiêu và những cuộc đàm phán với các quốc gia ngoài OPEC như Nga hay Brazil bị hủy bỏ.
Nhưng vào tờ mờ sáng ngày hôm đó, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arab – ông Khalid Al-Falih – đã có cuộc nói chuyện với Bộ trưởng Năng lượng Nga – ông Alexander Novak.
Ông Novak hứa hẹn việc Nga sẵn sàng cắt giảm sản lượng tương đương 50% kỳ vọng của OPEC với các thành viên nằm ngoài tổ chức này. Ở chiều hướng ngược lại, ông Falih phải cam kết OPEC đạt được thỏa thuận lần đầu tiên kể từ năm 2008.
Diễn biến giá dầu Brent trong phiên giao dịch 30/11 |
Vào lúc 17h ngày 30/11, OPEC tuyên bố đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng từ mức 33,7 triệu thùng/ngày xuống 32,5 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, các quan chức OPEC trịnh trọng tuyên bố Nga và các quốc gia sản xuất dầu mỏ khác sẽ cắt giảm 600.000 thùng/ngày. Kể từ đó tới nay, giá dầu tăng hơn 15% vượt mức 50 USD/thùng. Trong phiên giao dịch ngày 2/12, giá dầu Brent ghi nhận mức đỉnh năm 2016.
Chặng đường dài
Các quan chức OPEC nhận định con đường đạt được thỏa thuận lần này khá gian truân.
Hồi tháng 4, thỏa thuận đóng băng sản lượng giữa OPEC và Nga sụp đổ đúng vào ngày ký kết bởi sự bất hợp tác của Iran – quốc gia vừa được gỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Tình trạng dư cung dai dẳng khiến giá dầu luôn gặp khó mỗi khi tiến sát tới ngưỡng tâm lý 50 USD/thùng, tác động tiêu cực tới nền kinh tế của các quốc gia sản xuất dầu mỏ. Những nỗ lực về một thỏa thuận bình ổn dầu mỏ được nối lại vào tháng 9. Trong cuộc họp bên lề của nhóm G20 tại Hàng Châu (Trung Quốc), Tổng thống Nga – ông Vladimir Putin và Phó Thái tử Saudi Arab – ông Mohammed bin Salman – đồng ý rằng 2 quốc gia này cần chia sẻ gánh nặng cắt giảm sản lượng.
Hàng loạt các cuộc đàm phán
Những chuyến thăm ngoại giao với dầu mỏ là trọng tâm sẽ bắt đầu một vòng mới. Các quan chức thảo luận với nhau, lúc ngoài “sáng”, lúc trong “tối”.
Trong quá trình đàm phán lần này, bước đột phá tới từ cuộc họp không chính thức tại Algeria ngày 28/9. Tại đây, các bộ trưởng OPEC quyết định sẽ cắt giảm sản lượng nhưng sản lượng chi tiết của từng quốc gia chỉ được bàn tới vào cuộc họp cuối tháng 11. Trong gần 2 ngày thỏa thuận kỹ thuật trước cuộc họp, không một phương án nào được cho là khả thi.
Và khi hạn chót 30/11 tới, nhiều người tin rằng OPEC sẽ lần thứ 2 thất bại trong năm 2016.
Iran mới được các nước phương Tây gỡ bỏ các lệnh trừng phạt hồi đầu năm nay. Sau 3 năm, quốc gia Trung Đông này muốn thúc đẩy sản lượng để lấy lại thị phần đã mất.
I-rắc đang quay cuồng với sự sụt giảm của giá dầu và sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) nên cũng từ chối cắt giảm sản lượng.
Trong khi đó, Saudi Arab muốn có sự tham gia của mọi thành viên OPEC, bất kể tình trạng tại các quốc gia này ra sao.
Bỏ đi?
Ngày 25/11, ông Falih nhận định thị trường dầu mỏ có thể tự cân bằng mà không cần bất kỳ thỏa thuận nào. Bên cạnh đó, cuộc họp giữa Saudi Arab và các nước ngoài OPEC ngày 28/11 cũng bị hủy bỏ, khiến nhiều người bi quan về tương lai của thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran – ông Bijan Namdar Zanganeh – khẳng định rằng quốc gia đứng thứ 3 OPEC sẽ chỉ đóng băng sản lượng sau khi khắc phục hoàn toàn hậu quả các lệnh trừng phạt gây ra suốt 3 năm qua.
Những nỗ lực ngoại giao cuối cùng của Bộ trưởng Năng lượng Algeria – ông Nourredine Bourtarfa – thực hiện trong hai chuyến thăm tới Iran và Nga. Trong bữa sáng thân mật trước thềm cuộc họp chính thức ngay sau đó, một thỏa hiệp được hình thành: Iran được phép tăng sản lượng nhưng phải dừng lại khi đạt tới mức tiền cấm vận.
Sau bữa sáng là hội nghị bộ trưởng kéo dài hơn 5 tiếng. Khi ông Falih xuất hiện, mọi người trở nên xôn xao bởi đây là người đàn ông có thể một lần nữa đóng sập cánh cửa về một thỏa thuận cứu vãn thị trường. Tuy nhiên, sau cuộc điện đàm với ông Novak vào sáng sớm hôm đó, ông Falih đã có giải pháp cho những vấn đề của Saudi Arab nói riêng và của OPEC nói chung.
Trong lúc cuộc họp diễn ra, giá dầu tăng mạnh. Và đó được coi là lý do khiến I-rắc đồng ý tham gia thỏa thuận lần này. Bộ trưởng Dầu mỏ I-rắc – ông Jabar Ali Al-Luaibi – rời khỏi phòng họp và gọi điện cho Thủ tướng nước mình. Sau đó, ông quay trở lại và tuyên bố I-rắc đồng ý với thỏa thuận của OPEC, lần đầu tiên kể từ năm 1998.
Alo, Moscow nghe máy
Giờ là lúc ông Falih gọi một cuộc điện thoại thẳng tới văn phòng ông Novak. OPEC đã thực hiện phần việc của mình và giờ là Nga cần nhanh chóng đáp lại.
Khi thỏa thuận gần như hoàn thiện, một vấn đề nảy sinh: Sự phản đối của Indonesia. Đất nước vạn đảo vừa mới quay trở lại OPEC sau 7 năm gián đoạn.
Theo thỏa thuận, Indonesia sẽ cắt giảm sản lượng đi 34.000 thùng/ngày nhưng con số quốc gia này đưa ra chỉ là 5.000/thùng trên ngày. Mặc dù sự khác biệt này chỉ bằng 0,03% sản lượng toàn cầu nhưng lại là sự đòi hỏi lớn nhất trong số 14 thành viên của tổ chức. Một giải pháp cứng rắn được đưa ra: Indonesia lần thứ 2 bị đình chỉ chức vụ thành viên OPEC.
Đối với OPEC, thỏa thuận này không khác gì một bàn thắng phút 89.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/