Thịt nhân tạo: Cuộc đua mới giữa các công ty Mỹ và Trung Quốc
Trước nhu cầu ngày càng tăng của người dân Trung Quốc đối với sản phẩm thịt nhân tạo (thịt có nguồn gốc thực vật), hàng chục công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này đã ra đời.
Điều này đến vào thời điểm Trung Quốc đang đẩy mạnh nhập khẩu thịt bò, thịt lợn và thịt gia cầm để bù đắp cho sự suy giảm của đàn lợn do dịch tả. Cuộc khủng hoảng thịt lợn tại Trung Quốc đã đẩy giá các loại thịt lên cao, tạo ra hậu quả sâu rộng cho nền kinh tế toàn cầu.
Planet Green, một nhà hàng chay ở Thâm Quyến, đang tìm cách thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.
Mặc dù có mức giá 88 Nhân dân tệ (12 USD), đắt hơn so với bánh mì kẹp thịt có mức giá 10-50 Nhân dân tệ tại các chuỗi thức ăn nhanh, Planet Green đã bán được hơn 10.000 chiếc bánh mỳ kẹp thịt nhân tạo kể từ khi chúng được thêm vào thực đơn trong tháng này.
Green Common, chuỗi nhà hàng chay Hồng Kông, cũng đang thêm thịt nhân tạo vào thực đơn của mình. Thịt thay thế có nguồn gốc từ đậu nành, đậu Hà Lan, nấm và gạo. Sau khi nấu chín, gần như không thể phân biệt được thịt nhân tạo với thịt lợn thật.
Right Treat, một công ty khởi nghiệp ở Hồng Kông chuyên về thịt nhân tạo, đã dành hơn hai năm để phát triển sản phẩm.
Công ty bắt đầu bán Omnipork, một sản phẩm thịt nhân tạo, cho các nhà hàng ở Hồng Kông vào năm 2018, và sản phẩm hiện đã có mặt tại 10.000 cửa hàng. Omnipork sẽ có mặt tại thị trường Trung Quốc trong vòng một tháng tới.
Hàng loạt các công ty thịt nhân tạo đã ra đời giữa cơn khát thịt lợn tại Trung Quốc. Ảnh: asia.nikkei.com
Anh David Yeung, người sáng lập Right Treat, cho biết: "Các công ty ở Mỹ như Beyond Meat đã tập trung nghiên cứu sử dụng thịt nhân tạo trong các sản phẩm tại thị trường phương Tây. Ví dụ như bánh burger, rất ngon". "Tại thị trường châu Á, chúng tôi đã sử dụng thịt nhân tạo trong bánh bao".
Công ty cho biết sẽ sớm mở rộng sang các thị trường châu Á khác như Thái Lan, Đài Loan và Nhật Bản, và cung cấp sản phẩm cho 15.000 doanh nghiệp vào cuối năm tới.
Thịt nhân tạo đã xuất hiện trong một loạt các sản phẩm thực phẩm ở Trung Quốc, bao gồm bánh mì kẹp thịt, bánh bao và mì. Ngoài ra, Zhenrou, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Bắc Kinh, đã ra mắt bánh trung thu có thịt từ thực vật.
Sự bùng nổ được thúc đẩy một phần do sức tiêu thụ thịt ở Trung Quốc ngày một tăng. Một người Trung Quốc trung bình hiện ăn 74 kg thịt lợn, thịt gà hoặc thịt bò mỗi năm, tăng 30% trong 15 năm.
Đất nước này đã trở thành một trong những nhà nhập khẩu thịt lớn nhất thế giới. Thêm vào đó, dịch tả lợn châu Phi bùng phát đã khiến đàn lợn của Trung Quốc suy giảm, hiện giá thịt lợn ở Trung Quốc đã cao gấp đôi so với năm 2018.
Thịt nhân tạo hiện có giá cao hơn khoảng 50% so với thịt thông thường. Nhưng các công ty đang cố gắng để giảm mức giá. Dự kiến, giá thịt nhân tạo của Right Treat sẽ giảm 12% vào giữa tháng 10.
Trong khi đó, các công ty ở phương Tây cũng đã bắt đầu để mắt tới thị trường Trung Quốc. Beyond Meat đã hợp tác với Green Common để tăng doanh số bán hàng tại Trung Quốc.
Nhu cầu ngày càng tăng đối với thịt nhân tạo được phản ánh lên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu của công ty thực phẩm Yuantai Shuangta đã tăng hơn ba lần kể từ đầu năm. Trong khi đó, cổ phiếu của nhà chế biến thịt lớn nhất của Trung Quốc, WH Group, cũng đã tăng hơn 20%.
Tại Mỹ, vốn hóa thị trường của Beyond Meat đã vượt mốc 10 tỷ USD sau 5 tháng niêm yết trên sàn Nasdaq. Người sáng lập Microsoft Bill Gates có cổ phần trong cả Beyond Meat và đối thủ Impossible Food. Được biết, tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành đã đầu tư vào Impossible Food.
Quy mô thị trường thịt nhân tạo toàn cầu dự kiến sẽ tăng 80% lên 21,2 tỷ USD vào năm 2025. Các công ty trong ngành đều tin rằng thịt nhân tạo sẽ là cuộc đua mới giữa các công ty Mỹ và Trung Quốc.