Thịt heo nhập khẩu 'lên ngôi' khi giá thịt heo trong nước vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
Chợ thịt heo online sôi động trong mùa dịch với mặt hàng nhập khẩu
Những ngày qua, nhu cầu đi chợ online ở các thành phố lớn tăng mạnh vì sự hạn chế đi lại trong thời gian giãn cách xã hội. Đây chính là thời điểm "vàng" để thịt heo nhập khẩu từ các nước như Canada, Ba Lan, Nga... tiếp cận với người tiêu dùng Việt khi sản phẩm này được bán tràn ngập trên mạng xã hội.
Có thể thấy những hình ảnh và thông tin quảng cáo "hấp dẫn" về thịt heo nhập khẩu như thế này đang được rao bán ở nhiều nơi.
Có thể nhận thấy các mức giá hầu như đều rẻ hơn các sản phẩm cùng loại trong nước được bán tại các siêu thị. Cụ thể, sườn heo Canada có giá 120.000 - 170.000 đồng/kg, sườn cốt lết Canada 140.000 - 170.000 đồng/kg; móng giò heo Ba Lan 140.000 đồng/kg, bắp giò heo Ba Lan cắt khoanh 100.000 đồng/kg; ba rọi rút sườn Tây Ban Nha 170.000 đồng/kg...
Trong khi đó, với thịt heo nội tại khu vực TP HCM, sườn non heo có giá 250.000 - 280.000 đồng/kg và thịt ba rọi rút sườn có giá 220.000 - 250.000 đồng/kg, thịt nạc mông 130.000 - 150.000 đồng/kg, giò trước 110.000 đồng/kg,…
Chị T., chủ một tài khoản chuyên cung cấp các đồ ăn vặt tại thị trường TP HCM cho biết, thời gian gần đây chị bán thêm một số loại thịt heo đồng lạnh nhập khẩu và nhận thấy tín hiệu khá tích cực.
"Thời gian này mọi người rất hạn chế đi ra đường, việc mua sắm online trở nên phổ biến hơn. Đáng nói là giá thịt heo tại các chợ vẫn khá đắt trong khi thu nhập của mọi người có phần eo hẹp vì dịch bệnh, nên nhiều chị em bắt đầu tìm mua thịt heo ngoại, giá rẻ và nhất là được ship (giao) đến tận nhà thì không chỉ tiện lợi mà còn tiết kiệm được khá nhiều cho chi tiêu", chị T. chia sẻ.
Rẻ hơn giá thịt tại các chợ, siêu thị, người mua còn tiết kiệm thêm không ít nếu mua với số lượng lớn. "Giá thịt heo nhập từ Nga bán sỉ khoảng 10 - 20kg/thùng có giá 98.000 đồng/kg thịt ba chỉ rút sườn, nạc vai 77.000 đồng/kg, nạc đùi giá 80.000 đồng/kg…", chị D. rao bán trên trang cá nhân và cho biết có khá nhiều người đã mua dù vì tiết kiệm thêm 30 - 40% so với thịt "nóng" bán lẻ trên thị trường.
Hiện vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về việc sử dụng thịt "nóng" và thịt đông lạnh, tuy nhiên trước thực tế giá thịt heo trong nước duy trì ở mức cao trong thời gian dài sau tác động của dịch tả heo châu Phi, lượng thịt heo nhập khẩu từ Mỹ, Canada, Brazil, Nga… đang gia tăng đáng kể theo đường chính ngách và dần "ghi điểm" với người tiêu dùng khi bắt đầu hiện diện trong mâm cơm của nhiều gia đình
Chị P. A (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết chị vừa mua một thùng thịt heo đông lạnh 10kg về chia dùng với một người hàng xóm.
"Gia đình chị không quá quan trọng thịt nóng hay thịt đông lạnh vì trước giờ công việc bận rộn, cả tuần chị cũng chỉ đi chợ được đôi lần rồi mua thịt cấp đông, đến bữa bỏ ra ăn dần. Nên việc mua cùng lúc 5-10kg như thế này giúp mình đỡ mất thời gian và đỡ thêm ít tiền".
Trong khi đó, chị Linh (ngụ quận Gò Vấp) sau khoảng một tuần dùng thử thịt heo ngoại cảm thấy rằng thịt đông lạnh không còn vị ngọt và dai tự nhiên như thịt heo "nóng" nên khi nấu nướng phải cho gia vị nhiều hơn, do đó, theo chị Linh, các loại thịt nhập khẩu này dù rẻ nhưng sẽ khó thay thế được thói quen dùng thịt tươi của các thành viên trong gia đình.
Bên cạnh "chợ online", người tiêu dùng cũng có thể dễ dàng tìm mua thịt heo nhập khẩu tại một số chuỗi bán lẻ, đơn cử như tại siêu thị Bách hóa Xanh, heo đông lạnh nhập khẩu được bày bán khá nhiều bên cạnh heo trong nước với giá cả cạnh tranh. Cụ thể, sườn non 149.000 đồng/kg giảm còn 119.000 đồng/kg, gân giò 79.000 đồng/kg…
Vì sao lại tăng nhập khẩu thịt heo?
Chủ tương nhập 100.000 tấn thịt heo thành phẩm trong quí I/2020 được đưa ra khi giá thịt heo trong nước vẫn đang ở mức cao.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, nguyên nhân giá thịt heo vẫn cao là do do chăn nuôi hiện tại chưa đủ sản lượng phục vụ nhu cầu thị trường. Thống kê trước khi có dịch tả heo châu Phi, mỗi quí thị trường cần tới 910.000 tấn nhưng vừa qua chỉ đạt 820.000 - 830.000 tấn.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ dịch tả heo châu Phi khiến chi phí phòng dịch bệnh, đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học chống dịch tăng. Mặt khác, heo được giết mổ và phân phối chủ yếu ở các cơ sở nhỏ lẻ khiến giá thịt heo bán lẻ chưa giảm.
Theo số liệu của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), tính đến ngày 27/3, Việt Nam đã nhập 39.191 tấn thịt heo, tăng 312% so cùng kỳ năm 2019. Các nguồn chính cung cấp thịt heo cho Việt Nam là: Canada 25,81%, Đức 20,59%, Ba Lan 13,77%, Brazil 9,68%, Mỹ 7,65%, Nga 2,62%.
Trong đó, riêng Tập đoàn Miratorg (Nga) đã làm thủ tục xuất khẩu hơn 3.465 tấn thịt heo thông qua 15 doanh nghiệp của Việt Nam. Các lô hàng đã về đến Việt Nam qua các cảng Cát Lái, Phước Long (TP HCM) và cảng Hải Phòng vào ngày 18/3 và đang cung cấp ra thị trường.
Một số ý kiến trên diễn đàn chăn nuôi heo cho thấy, giá heo hơi đang đà tăng khó giảm. Lí do nguồn heo trong trại chăn nuôi của dân giảm, sản lượng tái đàn chưa kịp để bù lượng tiêu thụ.
"Các doanh nghiệp lẫn người dân đều chịu những thiệt hại rất nặng nề do dịch tả heo, nhất là lúc này bắt đầu rơi vào đợt dàn heo nái mang thai bị dịch rất nhiều, cứ mất 1 con nái lúc đó tương đương mất hơn 10 heo thịt xuất bán lúc này.
Sự thiếu hụt này sẽ kéo dài chứ không phải là chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, cung cầu là qui luật thị trường, đặc biệt với sự thiếu hụt nguồn cung quá nhiều như lúc này thì rất khó để có thể điều chỉnh được", anh P. chia sẻ.
Trên, thực tế đã 10 ngày sau lời hứa giảm giá heo hơi về 70.000 đồng/kg của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn nhưng tại các địa phương trên cả nước, đến nay chưa có khu vực nào ghi nhận mức giá dưới 70.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá heo hơi tại miền Bắc ngày 10/4 tại nhiều địa phương tiếp tục tăng dao động từ 76.000 - 82.000 đồng/kg trong khi tại miền Trung, Tây Nguyên (khu vực ít có sự biến động nhất trên cả nước) từ 70.000 - 79.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá heo hơi cũng tăng mạnh khi vươn lên ngang bằng với miền Bắc ở mức 82.000 đồng/kg.