Nguồn cung thịt, gạo, trứng tại các hệ thống siêu thị, chợ tăng gấp 4-5 lần
Thông tin từ Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết tại một số doanh nghiệp thương mại trên địa bàn TP Hà Nội, doanh thu 2 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng trên 10% so với cùng kì năm trước.
Trong đó, tháng 2 là thời điểm sau Tết nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu của người dân tăng, nhất là tại các điểm bán hàng của các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại.
Lượng khách hàng đến mua sắm tại các siêu thị tăng hơn so với cùng kì, hàng hóa mua sắm chủ yếu là lương thực, thực phẩm thiết yếu như thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, mì tôm, rau củ. Hiện các hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố đã tăng cường dự trữ hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp lượng hàng hóa dự trữ phòng chống dịch tăng 30-40%, các doanh nghiệp đã có phương án triển khai ngay từ đêm ngày 6/3 và sáng sớm ngày 7/3/2020.
Theo báo cáo nhanh của doanh nghiệp, lượng hàng dự trữ tăng gấp 4-5 lần ngày bình thường, các nhà cung cấp đã lên kế hoạch phân bổ hàng hóa chuyển từ các tỉnh về cho hệ thống phân phối tại Hà Nội…
Đơn cử như hệ thống siêu thị Coopmart tăng lượng dự trữ ngay tại các kho của Hà Nội, Bắc Ninh, lượng hàng tăng 30%, huy động tăng các cán bộ đi phục vụ 100%; hệ thống BigC lượng hàng tăng từ 30 - 40%, bố trí cán bộ liên tục phục vụ hàng trong siêu thị, vận chuyển hàng hóa từ các kho về hệ thống phân phối....
Hàng hóa từ các nơi đã được chuyển về kho dự trữ và các điểm bán của các doanh nghiệp, hàng hóa trên các quầy kệ được bổ sung liên tục, đáp ứng nhu cầu của người dân. Các siêu thị cũng đẩy mạnh kênh bán hàng thương mại điện tử để phục nhu cầu nhân dân khi phòng chống dịch.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, hiện nay các hệ thống bán lẻ đều vắng khách hơn trước do khách hàng ngại đến nơi đông người, thương mại truyền thống chuyển sang hình thức thương mại hiện đại và mua sắm trực tuyến như bán hàng online, giao hàng tận nơi cho khách hàng, doanh thu từ thương mại điện tử của một số doanh nghiệp tăng từ 20 -30%.
Trong khi đó, do giá cả thực phẩm sau Tết tại các siêu thị ổn định và thấp hơn tại các chợ, cùng với nhu cầu mua sắm giảm nên lượng hàng hóa kinh doanh tại các chợ giảm 50 - 70%, doanh thu giảm 50 - 80% so với thời điểm không có dịch.
Không chỉ Hà Nội, trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, người dân TP HCM cũng đã thay đổi thói quen từ mua sắm hàng ngày sang mua sắm tập trung, đặc biệt những ngày cuối tuần, trên địa bàn cũng có xuất hiện tình trạng thu gom, tích trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phòng chống dịch… gây khan hiếm cục bộ một số thời điểm, chủ yếu ngày cuối tuần.
Tuy nhiên để hạn chế tình trạng này, UBND TP HCM đã ban hành kế hoạch cung ứng hàng hóa bảo đảm cân đối cung cầu trên địa bàn với 3 kịch bản cụ thể giao cho Sở Công Thương và các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn triển khai.
Theo đó thành phố đã lên phương án ứng vốn vay dự trữ hàng hóa và có kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng từ 50-100% lượng hàng cung cho thị trường so với ngày thường, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống người dân.