|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thiếu ngủ trầm trọng đến mức tự tử: Nỗi thống khổ của người lao động Nhật Bản

19:59 | 26/11/2019
Chia sẻ
Trưa 12/10, Nhật Bản chuẩn bị cho sự xuất hiện của Hagibis, cơn bão mạnh nhất tấn công đất nước trong nhiều thập kỉ. Giao thông công cộng bị tạm dừng, chuyến bay thương mại bị cấm, điện thoại di động réo lên các lệnh sơ tán vì nguy cơ lũ lụt, lở đất và cuồng phong ngày càng tăng, Financial Times đưa tin.

Khi nguy cơ gia tăng, mạng xã hội đã liệt kê những lời phàn nàn của những người lao động – những người đã bị sếp của họ ép buộc phải tỏ ra dũng cảm trước cơn giận dữ của mẹ thiên nhiên và vẫn đi làm như thường.

Nhiều trong số doanh nghiệp đã được xác định - cửa hàng cà phê, đại lí bất động sản, nhà hàng sushi - không phải là dịch vụ thiết yếu. 

Lao động Nhật Bản ngủ ít nhất số các nền kinh tế phát triển

Hai tuần trước đó, Chính phủ công bố một bạch thư (white paper) về cuộc khủng hoảng làm việc quá sức của Nhật Bản, trong đó cho thấy Nhật Bản tiến triển khá chậm chiến dịch loại bỏ một trong những vấn đề khét tiếng nhất tại nơi làm việc.

Các nhóm lao động cho biết cảm giác phẫn nộ do bão gây ra chứng thực nỗi khốn khổ sâu sắc hơn ở văn phòng làm việc của Nhật Bản - một mạng lưới những kì vọng (cả công khai và không công khai) để hỗ trợ văn hóa làm việc trong thời gian dài và thiếu ngủ trầm trọng. 

Theo OECD, người lao động Nhật Bản ngủ ít nhất số các nền kinh tế phát triển, chỉ đạt trung bình 438 phút mỗi ngày, so với 528 phút ở Mỹ.

http___com

Nguồn: FT.

Đạo đức và sự mong đợi đằng sau các email nói với nhân viên về việc mang theo túi ngủ và đồ ăn nhẹ trường hợp họ mắc kẹt ở cơn bão là một trong những vấn đề xung quanh tình trạng làm việc quá sức, từ các công ty cấm ngủ trưa trong phòng vệ sinh cho đến việc 19 người lao động qua đời ở tuổi đôi mươi vào năm 2018 vì karoshi, tức chết do làm việc quá sức (bao gồm cả bệnh tật liên quan đến stress từ công việc hoặc tự tử).

Một cuộc khảo sát của Bộ Y tế Nhật Bản năm 2017 cho thấy khoảng một nửa người Nhật ở độ tuổi 40 ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm; phân tích của Rand Corporation một năm trước đó đã kết luận rằng nền kinh tế Nhật Bản đã mất 138 tỉ USD/năm do năng suất lao động thấp hơn vì thiếu ngủ.

http___com

Nguồn: FT.

Jun Kohyama, Chuyên gia thần kinh học thuộc Hiệp hội Nghiên cứu Giấc ngủ Nhật Bản (JSSR), nhận định mặc cho nhận thức ngày càng tăng về những mối đe dọa từ việc thiếu ngủ, nhưng vấn đề đang trở nên tồi tệ hơn. 

Năm ngoái, cuộc khảo sát của OECD cho thấy người Nhật ngủ ít hơn trung bình 21 phút trong năm 2018 so với năm 2014.

"Người Nhật Bản có thể nhận thức về giấc ngủ nhiều hơn trước, nhưng mọi người có xu hướng ngưỡng mộ những người tận tụy với công việc và tiếp tục không ngủ đủ giấc. Tôi lo ngại rằng tình hình vẫn chưa thay đổi gì cả", ông ấy nói. 

Bình luận của ông được đưa ra một năm sau khi Thủ tướng Shinzo Abe thông qua luật cải cách phong cách làm việc để giải quyết tình trạng làm việc quá sức, và các vấn đề làm việc khác ở Nhật Bản.

Những thay đổi pháp lí tạo nền tảng cho một số sáng kiến thu hút sự chú ý của các công ty, chẳng hạn như công ty công nghệ YRGLM có trụ sở tại Osaka, cho phép nhân viên từ chối các cuộc gọi và email trong ngày nghỉ. 

Các cải cách cũng đã tạo thêm động lực cho chiến dịch #KuToo của Yumi Ishikawa chống lại các chính sách của công ty yêu cầu nhân viên nữ phải đi giày cao gót.

http___com

Một nạn nhân qua đời vì làm việc quá sức. Nguồn: FT.

Mặc dù cũng có những trường hợp ngoại lệ nhưng làm việc quá sức vẫn là tình trạng thường thấy. 

Việc thực thi các khía cạnh chính của đạo luật Shinzo Abe vẫn chưa bắt đầu, trong khi các nhóm lao động và luật sư việc làm tỏ ra nghi ngờ Nhật Bản đã gần kề một bước thay đổi cơ bản trong văn hóa làm việc.

Những nghi ngờ đó đã được lặp lại vào ngày 1/10 khi Chính phủ tung ra bạch thư về tình trạng làm việc quá sức và karoshi, trong đó yêu cầu các ngành công nghiệp như truyền thông và xây dựng áp dụng những biện pháp hiệu quả hơn để giảm tử vong.

Báo cáo cho thấy các văn phòng lao động trên khắp Nhật Bản ghi nhận 158 trường hợp tử vong năm 2018 là do làm việc quá sức – con số thấp nhất trong một thập kỉ nhưng chính phủ vẫn cảnh báo rằng không thể chấp nhận được.

Nhiều cái chết đến từ thời gian làm việc dài và khối lượng công việc quá nhiều. 

Khoảng 6,9% lực lượng lao động Nhật Bản đã phải làm việc hơn 60 giờ trong tuần cuối cùng mỗi tháng, thường là thời kì bận rộn nhất của các công ty, trong khi các vấn đề liên quan đến công việc tiếp tục tăng theo tỉ lệ tự tử của Nhật Bản, trích từ bạch thư của Chính phủ.

http___com

Nguồn: FT.

Ngưỡng karoshi

Quá nghiêm trọng đến nỗi Bộ Y tế Nhật Bản đã đưa ra khái niệm về "ngưỡng karoshi" - mức độ làm việc quá sức mà một người có nguy cơ mắc các căn bệnh chết người như đau tim hoặc xuất huyết não.

Ngưỡng này được định nghĩa là làm việc ngoài giờ hơn 80 giờ/tháng trong khoảng thời gian 2 đến 6 tháng. 

Vào tháng 7/2018, khi những cơn mưa xối xả tấn công các quận ở Hiroshima, Okayama và Ehime, khoảng 2.768 nhân viên chính quyền địa phương được coi là có nguy cơ tử vong vì làm việc quá sức do cố gắng thực hiện những nỗ lực sau thảm họa.

Công đoàn Xây dựng và Gỗ quốc tế đã yêu cầu những nhà tổ chức Thế vận hội Tokyo 2020 cho phép kiểm tra để đảm bảo việc xây dựng không đẩy hàng trăm người vượt ngưỡng karoshi.

Một trong những tác động chính từ nỗ lực tập trung vào karoshi và cải cách nơi làm việc của Chính phủ Mỹ là tạo ra nỗi ám ảnh quốc gia về tình trạng thiếu ngủ, các quy ước, thói quen và ảnh hưởng xấu xung quanh nó.

Chẳng hạn, nhà bán lẻ trực tuyến Amazon.co.jp liệt kê hơn 4.000 ấn phẩm tiếng Nhật về chủ đề giấc ngủ, trong đó có 82 vấn đề về thiếu ngủ và 121 về chất lượng giấc ngủ.

http___com

Ghế ngủ "chiến thuật". Nguồn: FT.

Làm thế nào để cải thiện chất lượng giấc ngủ?

Có hàng nghìn giải pháp thiết thực tức thời để giải quyết tình trạng thiếu ngủ tại Nhật Bản, đặc biệt là giải pháp giúp đám đông làm việc quá sức có giấc ngủ trưa chất lượng. 

Các sản phẩm từ gối bàn công nghệ cao đến lều màn thu nhỏ có thể được dựng dưới bàn làm việc cho những người cần ngủ.

Seiji Nishino, Giám đốc Thí nghiệm sinh học thần kinh và giấc ngủ tại Đại học Stanford ở Mỹ và là tác giả của một cuốn sách bán chạy nhất của Nhật Bản về giấc ngủ, cho rằng chất lượng giấc ngủ là một lĩnh vực quan trọng cần tập trung vào. 

"Rất khó để ngủ đủ, vì vậy lựa chọn tôi quan tâm là làm thế nào để cải thiện chất lượng giấc ngủ", ông nói, đồng thời nhấn mạnh rằng không có sự cải thiện chất lượng nào có thể thay thế hoàn toàn nhu cầu về thời gian ngủ.

"Giáo dục rất quan trọng. Thông tin ngoài kia không chính xác, nhưng mọi người vẫn tin vào những ý tưởng nhất định về giấc ngủ. 

Một ví dụ điển hình là có một sự khác biệt rất lớn giữa nhu cầu ngủ của các cá nhân, vì vậy chúng ta cần tách biệt nhu cầu chung ra khỏi cá nhân khi nói về yêu cầu giấc ngủ", ông nói thêm.

Nishino cho biết tiến bộ khoa học thực sự về chất lượng giấc ngủ hiện chỉ đến từ sự thừa nhận tầm quan trọng của dữ liệu. 

Dữ liệu lớn – được thu thập từ những chiếc đồng hồ thông minh và các thiết bị khác theo dõi cách ngủ của hàng triệu người – đã thay đổi đáng kể quan điểm cho rằng có thể bỏ qua chất lượng giấc ngủ.

Không thiếu các kĩ thuật hoặc chương trình để giúp mọi người ngủ, nhưng những thứ này thường không được phát triển bởi các nhà khoa học về giấc ngủ. 

Ở những nơi khác tại Nhật Bản, các công ty đang sử dụng chính sách về giấc ngủ ngắn ban ngày như một đại diện cho thông điệp rộng hơn rằng họ nghiêm túc trong việc cải thiện điều kiện nơi làm việc. 

Reina Hyakuya, phát ngôn viên của dịch vụ công nghệ thông tin NextBeat, mô tả qui tắc mới cho phép mỗi nhân viên ngủ trưa 30 phút bất cứ lúc nào trong ngày làm việc, rằng công ty đã giới thiệu 2 phòng ngủ "chiến lược" và 5 chiếc ghế ngủ trưa "chiến thuật".

Cô giải thích rằng công ty đã cài đặt một thiết bị có thể chặn âm thanh bên ngoài từ các phòng, trong đó gồm ghế sofa và nước hoa có mùi thơm dễ ngủ. Nhân viên bị cấm sử dụng máy tính hoặc điện thoại thông minh trong phòng. Hyakuya cho biết: "Phòng ngủ chiến lược được các bộ phận kĩ thuật sử dụng nhiều nhất".

Các công ty và tổ chức khác cũng khởi động các chương trình tương tự. 

Truyền thông Nhật Bản tập trung vào những kết quả kiểm tra đã cải thiện rõ rệt tại trường trung học Meizen ở quận Fukuoka. Tại đây, sau khi nghe các bài giảng của các chuyên gia về giấc ngủ, hiệu trưởng trường khuyến nghị học sinh ngủ trưa 15 phút sau bữa trưa.

Tuy nhiên, theo Kohama, việc cung cấp các phương tiện ngủ trưa hoặc chấp nhận ngủ trưa hàng loạt có thể không giải quyết được vấn đề cốt lõi. 

"Nếu bạn thèm ngủ trưa, điều đó có nghĩa là bạn không ngủ đủ giấc vào ban đêm. Việc các công ty thúc đẩy ngủ trưa vào ban ngày là một ý tưởng không tồi, nhưng đồng thời nhân viên nên được phép nghỉ làm sớm. Nó không có ý nghĩa gì nếu bạn chợp mắt nhưng ở lại làm việc đến tận đêm khuya", ông nói.