|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Thiếu gia ‘không có 1.000 tỷ’ kể chuyện xây nhà ở Mỹ

11:56 | 14/10/2017
Chia sẻ
Đỗ Quang Vinh, Tổng giám đốc T&T ở Mỹ, người được biết đến với danh xưng 'thiếu gia nghìn tỷ' đi xe máy, đã có những chia sẻ với Zing.vn về làm bất động sản ở Mỹ.
thieu gia khong co 1000 ty ke chuyen xay nha o my

Đỗ Quang Vinh năm nay 28 tuổi, là con trai của doanh nhân Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Chủ tịch Tập đoàn T&T. Hiện tại, Đỗ Quang Vinh là Tổng giám đốc T&T chi nhánh tại Mỹ. Tại xứ cờ hoa, doanh nghiệp này được cấp phép đầu tư kinh doanh bất động sản, xuất nhập khẩu hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ, nông, lâm, thủy sản.

Được cho là "người thừa kế" của doanh nhân Đỗ Quang Hiển nên trước đây, Vinh được truyền thông ưu ái gọi với danh xưng "thiếu gia nghìn tỷ". Tuy nhiên, trong câu chuyện với Zing.vn dịp 13/10 năm nay, Vinh khẳng định bản thân anh "không có 1.000 tỷ".

- Học ngành tài chính ngân hàng và quản trị nhưng anh lại đang phát triển công ty trong lĩnh vực bất động sản, mà đặc biệt hơn nữa lại không phải ở Việt Nam, vì sao lại có sự chuyển hướng này?

- Tôi luôn quan điểm việc chọn người. Công việc này đến với tôi như một cái duyên khi được phân công qua Mỹ để “setup” chi nhánh của T&T.

Tại đây, tôi được làm chủ một doanh nghiệp, được thử sức mình với những lĩnh vực mới vốn không phải sở trường là đầu tư bất động sản, xuất nhập khẩu, mở quỹ đầu tư.

Dù đam mê tài chính, ngân hàng, tôi vẫn muốn được học hỏi, trải nghiệm và chinh phục nhiều lĩnh vực hơn. Chính vì vậy, tôi nhận công việc này dù biết thử thách và khó khăn phía trước sẽ rất nhiều.

thieu gia khong co 1000 ty ke chuyen xay nha o my

- Sang Mỹ đã 2 năm. Vậy trong 2 năm ấy, ở Mỹ, anh đã xoay sở như thế nào?

- 2 năm trước đây, tôi qua Mỹ một mình, gần như với con số 0 vì hoàn toàn chưa quen ai cả. Đối với tôi mà nói thì thời gian đầu rất khó khăn khi phải một mình đi tìm hiểu thị trường, gặp gỡ, xây dựng các mối quan hệ.

Tuy nhiên, phương châm sống của bản thân là không bao giờ bỏ cuộc nếu đã quyết tâm làm việc gì nên mỗi lúc cảm thấy "mất phương hướng", tôi lại tự vực dậy tinh thần cho mình. May mắn là tôi cũng có thời gian sống và làm việc ở nước ngoài từ bé nên bắt nhịp với cuộc sống ở Mỹ cũng không quá khó khăn.

Đến bây giờ thì mừng nhất là T&T tại Mỹ đã dần được biết đến như một nhà đầu tư bất động sản và kinh doanh xuất nhập khẩu tại chính thị trường này.

- Anh nói ở Mỹ, công ty anh đầu tư bất động sản và kinh doanh xuất nhập khẩu. Vậy các sản phẩm đó phục vụ đối tượng khách hàng nào, ai đang quan tâm?

- Với bất động sản, chúng tôi tập trung vào sản phẩm nhà ở hướng đến khách hàng là người Mỹ và người nước ngoài có nhu cầu sở hữu nhà ở Mỹ. Bước đầu, các dự án ở California của chúng tôi đang nhận được quan tâm của Việt kiều Mỹ, nhà đầu tư Việt Nam.

Còn với xuất nhập khẩu, mục đích chính của chúng tôi là nhập các mặt hàng tiềm năng từ những doanh nghiệp Việt Nam vào Mỹ và xuất hàng từ Mỹ về Việt Nam.

Tôi nghĩ hàng Việt Nam rất tiềm năng, không phát triển ra thị trường quốc tế rất uổng phí. Vì vậy, chúng tôi đang khởi động với những mặt hàng như đồ nội thất, cá tra, nước uống collagen.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tìm hiểu thêm những mặt hàng chất lượng như rau củ quả sạch, an toàn, sản phẩm làm đẹp, thực phẩm chức năng được làm từ những nguyên liệu thiên nhiên để đưa về Việt Nam.

thieu gia khong co 1000 ty ke chuyen xay nha o my

- Xây nhà ở Mỹ là ý tưởng khá táo bạo. Cụ thể anh đang làm gì với các dự án bất động sản? Và theo anh, xây nhà ở Mỹ khác Việt Nam ra sao?

- Chúng tôi đang đầu tư và phát triển hai dự án ở Hollywood và quận Cam. Các dự án đang trong quá trình hoàn tất thủ tục giấy phép xây dựng, dự kiến khởi công vào đầu năm 2018.

Về quy trình phát triển dự án bất động sản ở Mỹ và Việt Nam, tôi thấy không có chênh lệch. Ở Mỹ có phần thuận lợi hơn là họ có một hệ thống quy hoạch rõ ràng và chi tiết, chủ đầu tư chỉ cần nắm được các yêu cầu này thì dự án sẽ được duyệt.

Khó khăn khi làm dự án tại Mỹ là sẽ bị kiểm tra, theo dõi rất sát sao. Khi hoàn thiện, từng chi tiết của dự án sẽ được kiểm tra xem có đúng với bản vẽ được thành phố phê duyệt hay không và nếu không đúng, chủ đầu tư sẽ bị phạt rất nặng.

thieu gia khong co 1000 ty ke chuyen xay nha o my

- Vì sao anh lại sang Mỹ làm bất động sản, liệu có liên quan gì đến câu chuyện người Việt mang tiền sang nước ngoài mua nhà mà theo số liệu thống kê gần đây lên đến 3-4 tỷ USD mỗi năm?

- Thật ra từ rất lâu rồi, các nhà đầu tư tại Việt Nam hay châu Á đã mua nhà ở nước ngoài. Nhưng gần đây, khi Mỹ cởi mở hơn với việc cho người nước ngoài đầu tư thì thị trường bất động sản ở Mỹ cũng trở nên "nóng" hơn.

Chúng tôi mở chi nhánh ở Mỹ với mục đích hỗ trợ người Việt Nam đầu tư vào Mỹ và hỗ trợ thêm cả cho những người Mỹ có nhu cầu đầu tư về Việt Nam.

- Và ý tưởng đó là của ai?

- Việc thành lập chi nhánh tại Mỹ thuộc đường hướng phát triển của tập đoàn, do bố tôi, ông Đỗ Quang Hiển, quyết định. Còn việc tôi sang Mỹ làm là do chính tôi đề xuất vì tôi muốn tự khẳng định bản thân và có đóng góp một phần trong sự thành công của tập đoàn.

- Nói đến ông Đỗ Quang Hiển, trong câu chuyện với Zing.vn cách đây 4 năm, anh từng chia sẻ khó khăn lớn nhất của mình là làm sao vượt qua được cái bóng quá lớn của bố cũng như áp lực làm gì để phát triển thành quả của thế hệ trước. Hiện tại thì sao?

- Tôi nghĩ việc duy trì ổn định những gì thế hệ đi trước đã gây dựng là khó nhưng không phải không làm được. Ngoài tư duy phát triển, những người trẻ như chúng tôi còn được sự hậu thuẫn rất lớn từ người thành công đi trước.

Tôi luôn cho rằng không có lý do gì để không thành công, trừ khi bạn không cố gắng hết sức thôi.

Nghĩ vậy, nên bản thân tôi cũng đang cố gắng từng ngày, không bao giờ ngừng học hỏi để hoàn thiện hơn trước khi "ra biển lớn".

Chia sẻ thêm là ngoài làm cho gia đình, tôi cũng đang ấp ủ những kế hoạch kinh doanh cho riêng mình, để tạo lập một thương hiệu cho bản thân, vượt qua "cái bóng" quá lớn của bố.

thieu gia khong co 1000 ty ke chuyen xay nha o my

- Đỗ Quang Vinh từng được gọi với danh xưng "thiếu gia nghìn tỷ". Sau khi anh sang Mỹ, người ta lại tò mò cuộc sống của một “thiếu gia nghìn tỷ” tại Mỹ như thế nào, có khác nhiều so với giai đoạn anh còn ở Việt Nam?

- Tôi chưa bao giờ coi mình là “thiếu gia” hay bản thân chưa bao giờ có “nghìn tỷ” cả (cười).

Tôi chỉ muốn mọi người biết đến mình là một doanh nhân trẻ, một ông chủ doanh nghiệp với sự nhiệt huyết, quyết tâm và khẳng định được bản thân bằng thành công trong công việc.

Ở Mỹ, tôi vẫn sống và làm việc như Việt Nam thôi. Chỉ khác hơn là môi trường sống ở Mỹ hiện đại và năng động hơn. Tôi tự lái xe đi làm, tự nấu ăn, tự dọn dẹp nhà cửa vì không thích bị phụ thuộc vào người khác.

thieu gia khong co 1000 ty ke chuyen xay nha o my

- Vậy một ngày của anh diễn ra ra sao? Thú vui của một doanh nhân trẻ có khác so với thú vui của một du học sinh trước đây?

- 9h sáng tôi sẽ đi làm và trở về nhà lúc 17h. Thời gian ở nhà thì tôi nghỉ ngơi, tranh thủ đọc thêm sách, báo vào buổi tối.

Tôi cũng dành thời gian làm việc thêm và đi gặp đối tác nhưng thường tôi sắp xếp công việc và giải quyết hết trong ngày để khi về nhà được thư giãn. Dù có làm thêm ở nhà thì cũng ít khi tôi bị áp lực.

Ngoài ra, thói quen ngủ đủ 6-8 tiếng mỗi ngày cũng được tập để tôi có thể đủ sức khỏe, sự minh mẫn trong công việc.

Về thú vui, thì ngoài giờ làm, tôi đi tập gym, tụ tập ăn uống với bạn bè để xả stress.

- Qua cách anh chia sẻ với truyền thông về gia đình trước đây, không rõ ràng nhưng người ta có thể cảm nhận sự ngại ngùng của anh nếu có ai nói “Đỗ Quang Vinh sống trong nhung lụa từ bé” hay “gia đình có điều kiện”. Vì sao vậy?

- Không phủ nhận là tôi may mắn hơn nhiều người, nhưng tôi không muốn ai đó gặp, chơi thân với mình chỉ vì mình có điều kiện hơn họ. Nếu ai đó đã biết đến gia đình tôi thì đều biết mọi thứ xuất phát từ con số 0. Dĩ nhiên tôi không được sống trong nhung lụa từ bé.

- Còn câu chuyện "kể cả làm CEO thì vẫn là làm thuê cho bố". Người ta tò mò mức lương mà ông Đỗ Quang Hiển trả cho con trai ra sao và anh có hài lòng?

- Tôi được trả lương theo quy định của tập đoàn. Tôi hài lòng với mức lương hiện tại khi mà công ty tại Mỹ còn mới và chưa có nhiều lợi nhuận.

thieu gia khong co 1000 ty ke chuyen xay nha o my

- Nói đến câu chuyện doanh nhân hai thế hệ thứ nhất (F1) và thứ hai (F2) người ta thường nhắc đến khoảng cách và sự dung hòa, đôi khi là khó khăn. Anh thấy sao?

- Tôi cũng là một người thuộc thế hệ thứ hai nên luôn ủng hộ việc những người trẻ được trao cơ hội để lập nghiệp, kế thừa và phát triển.

Chắc chắn việc dung hoà giữa hai thế hệ luôn là trở ngại không chỉ trong công việc cũng như trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu biết cách lấy kinh nghiệm của thế hệ F1 và kiến thức cập nhật, tư duy mới, sáng tạo cũng như sự nhiệt huyết của thế hệ F2 cùng xây dựng nên một đế chế mới thì đó sẽ là sự kết hợp hoàn hảo!

Để lấp được khoảng cách này, người trẻ nên sống chậm lại, khiêm nhường hơn để biết lắng nghe, học hỏi những kinh nghiệm va vấp của thế hệ trước, từ đó rút kinh nghiệm cho bản thân.

Còn thế hệ đi trước nên suy nghĩ mới, tạo cơ hội nhiều hơn cho lớp trẻ được thoải mái thể hiện năng lực và quan trọng nhất là phải có lòng tin vào sự thành công của thế hệ sau.

- Một số doanh nhân thế hệ F1 vẫn hiện diện trong điều hành vì lo ngại F2 liều lĩnh, ưa thử thách có thể làm thay đổi cấu trúc, văn hoá công ty. Ông Đỗ Quang Hiển đối với Đỗ Quang Vinh thì sao?

- Những gì mà thế hệ F1 gây dựng đều là tâm huyết cả đời nên việc doanh nhân F1 hiện diện trong sự điều hành của F2 tôi ủng hộ. Không chỉ như vậy, F1 sẽ không yên tâm rời nó trong sớm chốc vì doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến xã hội cũng như tương lai hàng vạn nhân viên, tương lai "đứa con" của chính mình.

Vì thế, tôi vẫn luôn lắng nghe cha mình chỉ dạy và đúc kết cho bản thân. Bên cạnh đó, tôi kết hợp với cách làm của riêng để tạo ra đường hướng tốt nhất cho công ty mà không đi ngược với văn hoá trước đây.

Bố tôi cũng thế, ông rất tâm lý khi chia sẻ với những suy nghĩ của những người trẻ như tôi, phân tích đúng sai và quan trọng nhất là luôn tin tưởng để con mình tự tin bước tiếp.

- Có người thuộc thế hệ F2 kể rằng khi họ điều hành, ra quyết định thì cấp dưới lại báo cáo với bố/mẹ họ và sau đó bố/mẹ họ yêu cầu họ phải làm theo ý vị cấp dưới kia. Anh thì sao, từng trải qua chưa?

- Tôi chưa gặp phải trường hợp này. Thông thường, tôi vẫn luôn chọn giải pháp tốt nhất giải quyết vấn đề nên hầu như chưa gặp phải sự phản đối. Cũng cần nói thêm là bố tôi rất tôn trọng, tin tưởng và cho con mình tự tin thể hiện khả năng. Ông không bao giờ bắt tôi phải làm theo ý của ông cả.

thieu gia khong co 1000 ty ke chuyen xay nha o my

- Trước đây, anh chia sẻ thần tượng của mình chính là bố, ông Đỗ Quang Hiển. Giờ thì sao?

- Hiện tại và sau này thì vẫn luôn như thế! Sống khá thực tế nên tôi luôn nhìn vào những tấm gương gần mình nhất để noi theo.

- Người xưa có câu “tam thập nhi lập”, nhưng thật ra chuyện “lập” của anh đã diễn ra từ trước 30 tuổi khá lâu rồi. Sau ngần đó năm, anh rút ra bài học gì, đặc biệt cho những doanh nhân trẻ như mình?

- Quả thật, quá trình lập nghiệp của tôi đã được chuẩn bị từ sau khi tốt nghiệp đại học. Cho đến hôm nay, tôi nghĩ mình đã học hỏi được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm của những người đi trước.

Tôi quan điểm mỗi người đều có điểm mạnh, điểm yếu khác nhau. Cái giỏi nhất của một người là biết cách tiếp cận, học hỏi những gì hay nhất của mỗi cá nhân trong một tập thể, không phân biệt người đó là sếp hay nhân viên.

Để thành công thì bên cạnh những kiến thức và kinh nghiệm làm việc, bạn cần phải hoàn thiện kỹ năng mềm. Chính những kỹ năng này sẽ giúp cho việc điều hành, giao tiếp được suôn sẻ hơn.

Tôi cho rằng quan trọng nhất là sự tự tin, có chính kiến riêng, không bảo thủ nhưng phải giữ vững lập trường để quyết đoán, đưa ra sự lựa chọn cuối cùng tốt nhất.

Vẫn đang trong những bước đầu lập nghiệp nên tôi còn phải cố gắng rất nhiều.

- Sau lập nghiệp, anh đã tính chuyện “lập thân”?

- Khi nào duyên tới thì tôi đón nhận và tính tiếp (cười).

thieu gia khong co 1000 ty ke chuyen xay nha o my

- Được biết các thế hệ doanh nhân trẻ như Đỗ Quang Vinh cũng thường giao lưu với nhau. Anh chơi với những ai và có đặc biệt ấn tượng với nhân vật nào?

- Vì tôi sống ở nước ngoài nên cơ hội giao lưu với các bạn doanh nhân trẻ khác là không nhiều. Tuy nhiên, tôi làm bạn và ấn tượng với 2 doanh nhân Lê Đăng Khoa và Nguyễn Trung Tín.

Họ không những chỉ kế thừa thành công những gì gia đình để lại mà còn phát triển được rất nhiều mảng kinh doanh khác nhau. Đó cũng là con đường mà tôi muốn đi trong tương lai.

thieu gia khong co 1000 ty ke chuyen xay nha o my

- Người ta bảo làm bất động sản ở Việt Nam thì dễ giàu. Bằng chứng là tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam hiện giờ đa số đều từ bất động sản. Anh nghĩ như thế nào về điều này và anh có ý niệm gì về việc một ngày tên của mình cũng xuất hiện trong danh sách đó?

- Cái gì dễ đến thì cũng sẽ dễ đi nếu không thận trọng vì nó đi kèm với rất nhiều rủi ro. Những nhà tỷ phú thành công trong lĩnh vực bất động sản đã phải vấp ngã rất nhiều lần và rút được rất nhiều bài học mới thành công như vậy.

Tôi chưa muốn mơ đến việc xuất hiện trong danh sách đó vì tuổi đời còn quá trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm. Mục tiêu trước mắt là phải thật thành công với công việc hiện tại đã.

- Cảm ơn anh!

Lan Anh - Quang Thắng (thực hiện)