|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thiệt hại của Toyota sau bê bối gian lận

10:18 | 28/12/2023
Chia sẻ
Daihatsu - công ty thành viên thuộc Toyota, có thể sẽ lỗ 700 triệu USD do các nhà máy dừng hoạt động trước bê bối gian lận.

Theo một ước tính, Daihatsu Motor có thể thiệt hại hơn 100 tỷ yên (khoảng 700 triệu USD) do vụ bê bối kiểm tra an toàn được đưa ra ánh sáng vào tuần trước.

Công ty trực thuộc Toyota Motor phải đối mặt với việc đóng cửa nhà máy và bồi thường cho các nhà cung cấp.

Toàn bộ nhà máy tại Nhật Bản của Daihatsu đã phải tạm dừng hoạt động vô thời hạn, trong khi hầu hết các hoạt động vận chuyển ở Indonesia và Malaysia đã hoạt động trở lại bình thường.

Ngoài doanh số bán hàng bị mất, Daihatsu sẽ đàm phán riêng với các nhà cung cấp về việc bồi thường phần bị lỗ do ngừng sản xuất và đang xem xét khoản hỗ trợ cho các đại lý nhỏ không thể bán xe Daihatsu mới.

Khoản bồi thường này dự kiến sẽ rất tốn kém và sẽ đi kèm với các chi phí phát sinh từ việc điều tra và kiểm tra an toàn bổ sung. 

Ông Seiji Sugiura tại Viện nghiên cứu Tokai Tokyo cho biết: “Tùy thuộc vào quy mô bồi thường, thiệt hại của Daihatsu có thể lên tới 100 tỷ yên hoặc hơn”.

Daihatsu báo cáo lợi nhuận hoạt động hợp nhất là 141,8 tỷ yên và lãi ròng là 102,2 tỷ yên trong năm tài chính 2022. Nếu ảnh hưởng của vụ bê bối khiến Daihatsu bị lỗ thì đây sẽ là khoản lỗ đầu tiên sau 3 thập kỷ.

Bộ giao thông vận tải Nhật Bản khám xét trụ sở Daihatsu Motor ở Osaka vào ngày 21/12. (Ảnh: Kosaku Mimura/Nikkei).

Những vụ bê bối tương tự trong những năm gần đây đã gây thiệt hại nặng nề cho các nhà sản xuất ô tô khác của Nhật Bản. 

Hino Motors đã báo cáo khoản lỗ ròng 117,6 tỷ yên trong năm tài chính vừa qua sau khi bị phát hiện làm giả dữ liệu về lượng khí thải và hiệu quả sử dụng nhiên liệu.

Mitsubishi Motors ghi nhận khoản lỗ ròng 198,5 tỷ yên trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2017 trong bối cảnh có những tiết lộ về làm giả dữ liệu tiết kiệm nhiên liệu.

Thị trường Nhật Bản chiếm khoảng 60% trong số 1,42 triệu xe được sản xuất trong năm tài chính vừa qua của Daihatsu. Công ty cũng sản xuất xe ở Indonesia trong khi chi nhánh Perodua tại Malaysia sản xuất khoảng 300.000 xe.

Ngoài ra, Daihatsu cũng sản xuất xe để bán trong và ngoài nước Nhật cho các thương hiệu như Toyota, Subaru và Mazda Motor. 

Daihatsu đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược của Toyota đối với xe mini tại Nhật Bản và xe compact tại các thị trường mới nổi.

Thuộc sở hữu hoàn toàn của Toyota từ năm 2016, Daihatsu chiếm khoảng 3% tổng lợi nhuận hoạt động của công ty mẹ. 

Năm nay, dự kiến lợi nhuận hoạt động của Toyota sẽ tăng 65% so với năm ngoái lên 4.500 tỷ yên. Nhưng nếu Daihatsu bị lỗ hơn 100 tỷ yên, lợi nhuận của Toyota vẫn có thể bị ảnh hưởng.

Cổ phiếu của Toyota đã chạm mức thấp nhất trong hai tháng trở lại đây, trước bối cảnh nhiều rủi ro về tác động của vụ bê bối Daihatsu và những lo ngại về quản trị tập đoàn của công ty.

Hiện tại, có vẻ Daihatsu có vẻ sẽ chưa gặp phải bất kỳ vấn đề nào về dòng tiền. Tính đến cuối tháng 3, tài sản lưu động trừ đi các khoản nợ phải trả đạt hơn 500 tỷ yên. Toyota cũng có nguồn tài chính vững chắc.

Nhưng rắc rối của Daihatsu với các cơ quan quản lý chỉ mới bắt đầu.

Bộ giao thông vận tải Nhật Bản đang tiến hành cuộc điều tra riêng và chỉ đạo Daihatsu tạm dừng xuất khẩu ô tô cho đến khi có thể xác minh được độ an toàn trong các phương tiện của họ.

Quá trình này thường mất khoảng hai tháng rưỡi trong trường hợp quy mô nhỏ hơn nhiều so với vụ bê bối của Mitsubishi Motors vào 2016. 

Công ty có thể phải đối mặt với các hình phạt khác, bao gồm cả việc thu hồi chứng nhận cần thiết để sản xuất hàng loạt.

Trước đó, cơ quan chức năng phát hiện việc gian lận thử nghiệm liên quan đến 64 mẫu xe do Daihatsu sản xuất.

Trích dẫn kết quả điều tra nội bộ, Toyota cho biết đã phát hiện 174 trường hợp bất thường mới trong các cuộc kiểm tra an toàn và các quy trình khác trong 25 hạng mục kiểm tra, bên cạnh các vấn đề được báo cáo.

Chủ tịch Daihatsu Soichiro thừa nhận việc gian lận trong quá trình kiểm tra và quy trình an toàn tương đương với việc bỏ qua các chứng chỉ an toàn.

Đức Huy (theo Nikkei Asia)