Thị trường viễn thông truyền thống bão hòa, MobiFone đặt mục tiêu lợi nhuận công ty mẹ giảm 20%
Theo kế hoạch sản xuất, kinh doanh và phát triển năm 2023 được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt, Công ty mẹ Tổng công ty Viễn thông MobiFone đặt mục tiêu doanh thu 28.754 tỷ đồng, tăng 1,5% so với kết quả ước tính năm ngoái. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế kỳ vọng đạt 2.170 tỷ, giảm 20%.
Tổng công ty đặt mục tiêu lãi sau thuế đạt 1.736 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu của công ty mẹ đạt 7,1%. Chỉ tiêu nộp ngân sách Nhà nước là 2.100 tỷ đồng. MobiFone kỳ vọng không có nợ phải trả quá hạn và có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn lớn hơn 1. Kế hoạch vốn đầu tư của công ty mẹ MobiFone không quá 6.300 tỷ đồng.
MobiFone cho biết các kế hoạch trên chưa tính đến các yếu tố khách quan phát sinh theo quy định hiện hành của nhà nước như chính sách đấu giá băng tần, chính sách nộp phí viễn thông công ích,...
Mới đây, ông Tô Mạnh Cường, Tổng giám đốc MobiFone công bố công ty mẹ ước đạt doanh thu 28.329 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 2.713 tỷ đồng. So với năm 2021, doanh thu công ty mẹ giảm 6%, lợi nhuận trước thuế giảm 43%, là mức thấp nhất trong những năm gần đây.
Năm 2022, MobiFone đặt kế hoạch doanh thu công ty mẹ là 31.336 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 4.310 tỷ đồng. Như vậy, tổng công ty thực hiện được 90% mục tiêu doanh thu và 63% mục tiêu lợi nhuận.
Tại hội nghị tổng kết công tác của MobiFone, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long nhận định dịch vụ viễn thông truyền thống (thoại/sms) đang bị bão hòa, doanh thu có xu hướng giảm, bài toán đặt ra với MobiFone nói riêng và các nhà mạng đang hoạt động trên thị trường là tìm kiếm và đẩy mạnh những nguồn thu khác để bù đắp.
Thực tế, thị trường viễn thông năm 2022 chỉ tăng trưởng 1,6%, những thị trường mới tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại. Những con số từ các doanh nghiệp đầu đàn cũng cho thấy sự suy giảm của dịch vụ viễn thông truyền thống, Thứ trưởng cho biết.
Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, năm 2023, MobiFone cần chú trọng duy trì dịch vụ cốt lõi là viễn thông di động. Bên cạnh đó, MobiFone thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, từ đó, có thêm cơ hội khai thác tiềm năng của khách hàng; đồng thời, đảm bảo an toàn của môi trường số quốc gia.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhận định tổng công ty cần tận dụng sự phổ cập của môi trường số và thanh toán số hiện nay tại Việt Nam để có thể tiết giảm chi phí vận hành như duy trì đơn vị đại lý bán lẻ, sản xuất thẻ cào vật lý thanh toán viễn thông, sản xuất sim vật lý...
“Bộ Thông tin và Truyền thông trong thời gian tới sẽ làm việc với các nhà mạng viễn thông để đưa ra định hướng chung trong vấn đề này”, Thứ trưởng Phạm Đức Long khẳng định.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng lưu ý MobiFone trong công tác phát triển hạ tầng số. Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá: “Hạ tầng là cơ sở để có thể phát triển các dịch vụ số. Đây là mục tiêu đầu tư lớn không chỉ riêng với MobiFone, do đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực truyền thông cần có sự phối hợp, liên kết, tạo nguồn lực lớn để thực hiện mục tiêu này”.
Dự kiến đến năm 2025, MobiFone sẽ phát triển hạ tầng số trong nhóm dẫn đầu, làm chủ công nghệ lõi, cải thiện nhanh trong việc phát triển khách hàng mới, giữ chân khách hàng hiện hữu và tạo nhiều nguồn thu mới, tăng trưởng mạnh mẽ doanh thu dịch vụ số.