|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường Trung Quốc: “Lợi bất cập hại”

15:24 | 03/10/2016
Chia sẻ
Nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc ngày càng tăng. Thế nhưng, xuất khẩu sang thị trường này luôn tồn tại những mặt lợi lẫn bất cập đi kèm. Vấn đề đặt ra, doanh nghiệp phải tìm cách giảm thiểu những rủi ro để tận dụng được mọi lợi thế.

Triển vọng

Theo số liệu của VASEP, Trung Quốc từ nước đứng thứ 7 về nhập khẩu thủy sản của thế giới, đã vươn lên thành nước nhập khẩu thủy sản chỉ sau Nhật Bản và Mỹ (năm 2009). Nguyên nhân được cho là mức sống của người dân Trung Quốc đã dần cải thiện, nhu cầu tiêu thụ những thực phẩm đắt tiền tăng. Cộng thêm lợi thế về dân số đông đã biến Trung Quốc thành nơi tiêu thụ thủy sản nằm trong top 3 thế giới.

Do vậy, nhiều ý kiến đánh giá Trung Quốc sẽ là thị trường quan trọng của thủy sản Việt Nam trong những năm tới. Cụ thể, trong năm 2012, Trung Quốc là một trong những thị trường đứng thứ 5, chiếm 6,7% tỷ trọng giá trị xuất khẩu của Việt Nam nhưng năm 2013, thị trường này vươn lên vị trí thứ 4 về nhập khẩu thủy sản của Việt Nam.

Những năm qua, khi nói đến thủy sản hay con tôm, doanh nghiệp đều khẳng định, tôm Việt Nam chủ yếu xuất khẩu qua những thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản và EU; nhưng đến nay, câu chuyện đã khác khi Trung Quốc luôn được nhắc đến. Cụ thể, Trung Quốc là thị trường xếp vị trí thứ 4 về xuất khẩu tôm của Việt Nam sau ba thị trường nói trên và trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản xuất khẩu sang thị trường này, mặt hàng tôm chiếm hơn 65%..

Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, những tháng qua, khi các thị trường khác sụt giảm, Trung Quốc vẫn trong đà tăng trưởng. Cụ thể, quý 4/2015, giá trị xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đạt 102 triệu USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ, trong khi các thị trường khác đều tuột dốc. 6 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt 384,3 triệu USD, tăng gần 43% so cùng kỳ năm 2015. Vì thế, VASEP nhận định, đây vẫn là thị trường lớn của tôm Việt Nam trong năm 2016.

Giải quyết những tồn tại

Ngoài xuất khẩu chính ngạch, tôm Việt Nam cũng được bán sang Trung Quốc theo tiểu ngạch, nên ngoài sản phẩm chế biến giá trị gia tăng, thị trường này vẫn mua với số lượng lớn tôm không đòi hỏi cao về chất lượng (như tôm có bơm tạp chất). Cũng do khoảng cách địa lý gần nên thay vì nhập khẩu thông qua một số doanh nghiệp Việt Nam, đã có khá nhiều thương lái người Trung Quốc vào Việt Nam để mua trực tiếp để mang về nước thông qua đường tiểu ngạch.

Vì thế, những năm qua, dù các cơ quan ban ngành tìm mọi cách để triệt tận gốc vấn nạn tôm bơm tạp chất nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề. Bởi, đơn giản một điều rằng, một khi thị trường vẫn còn “cung”, thì vẫn sẽ có “cầu”.

Ngoài ra, chính việc mua thủy sản trực tiếp của các thương lái Trung Quốc cũng làm cho thị trường nguyên liệu thủy sản của nước ta bị méo mó. Do đó, sau nhiều năm im lặng, mới đây, VASEP chính thức lên tiếng và kiến nghị cơ quan quản lý xem xét và tiến tới thu thuế của các thương lái Trung Quốc đang mua thủy sản tại Việt Nam. Chưa biết ý tưởng này có được thực hiện đến đâu nhưng văn bản kiến nghị của VASEP như “giọt nước tràn ly”.

Ngoài ra, việc doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu theo chính ngạch sang thị trường Trung Quốc cũng đang gặp những khó khăn nhất định. Một số dẫn chứng về khó khăn thị trường được doanh nghiệp liệt kê như: đàm phán xong giá bán nhưng thực tế vẫn chưa đạt được kết quả cuối cùng. Bởi, đàm phán mua hàng trực tiếp với doanh nghiệp Việt Nam cũng chỉ một đại lý, nên giá thỏa thuận sau đó lại tiếp tục bị giảm xuống khi đến được doanh nghiệp Trung Quốc.

Vì thế, trong thực tế, đã có những trường hợp dở khóc dở cười bởi hàng đã đến nơi mà hai bên vẫn chưa chốt giá xong, đứng trước khả năng phải mang hàng trở lại nội địa buộc doanh nghiệp Việt Nam phải “nhắm mắt” bán.

Cùng đó, quốc gia này đang muốn quốc tế hóa đồng nhân dân tệ nên nhiều hợp đồng mua bán, họ chỉ đồng ý mua bằng đồng tiền của Trung Quốc thay vì đô la Mỹ như thông lệ quốc tế. Vì thế, giao dịch cách này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong nước khi xuất hàng sang đây, đặc biệt, khi có những biến động về tỷ giá hay các biến động liên quan.

Tuy nhiên, sau tất cả những rủi ro nói trên, doanh nghiệp xuất khẩu tôm vẫn có những cách khắc phục để tiếp tục mở rộng thị trường. Do đó hơn 10 năm qua, quốc gia láng giềng này vẫn là thị trường luôn tăng trưởng tốt về khối lượng lẫn giá trị xuất khẩu hàng năm và gần như là tăng trưởng liên tục trong nhiều năm đối với con tôm Việt Nam.

Theo VASEP, 6 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt 384,3 triệu USD, tăng gần 43% so với cùng kỳ năm 2015. Vì thế, theo nhận định của VASEP, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn và tiềm năng của tôm Việt Nam trong năm 2016.

Theo Út Phương

Thống đốc NHNN giải thích lý do không thể đồng thời mở rộng chính sách tiền tệ và tài khoá
Theo Thống đốc do tình hình kinh tế khó lường, không thể có chính sách tiền tệ và tài khóa đồng thời mở rộng, NHNN đã chọn phương án phù hợp để kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.