|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Thị trường thế giới ngày 14/7] Giá dầu tiếp đà tăng, giá vàng giảm

07:55 | 14/07/2017
Chia sẻ
Giá vàng giảm trong phiên giao dịch ngày hôm qua vì USD tăng. Trong khi giá dầu duy trì đà tăng bất chấp nguồn cung dầu tăng nhờ nhu cầu từ Trung Quốc. 
thi truong the gioi ngay 147 gia dau tiep da tang gia vang giam
Bảng cập nhật tình hình thị trường thế giới (giá dầu, vàng, USD và chứng khoán Mỹ). Tổng hợp: Tố Tố.

Trên thị trường vàng, giá giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (13/7), vì đồng USD tăng so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thị trường tiền tệ bất chấp báo cáo kinh tế Mỹ cho kết quả yếu hơn dự báo.

Chỉ số USD, cho biết độ mạnh yếu của đồng USD thông qua diễn biến tỷ số giữa đồng bạc xanh và 6 đồng tiền chủ chốt khác, tăng 0,12% lên 95,66.

Báo cáo công bố ngày thứ Năm cho thấy lạm phát vẫn ở mức thấp khi chỉ số giá tiêu dùng đạt 2% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất tăng 0,1% trong tháng 6, so với kỳ vọng là sẽ đạt 0,2%.

Ngoài ra, theo số liệu từ Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đầu tiên giảm 3.000 xuống 247.000 trong tuần tính đến ngày 7/7, không đạt được như dự báo là sẽ giảm 5.000 đơn.

Báo cáo mới nhất được công bố trong ngày thứ hai diễn ra phiên điều trần của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen. Bà Yellen đã nói rằng chưa có dấu hiệu cho thấy tốc độ phát triển kinh tế hiện tại sẽ sớm chấm dứt.

Vào thứ Tứ (12/7), bà Yellen gợi ý rằng ngân hàng trung ương sẽ từ từ nâng lãi suất trong tương lai, giảm kỳ vọng của các nhà đầu tư về việc Fed sẽ áp dụng chính sách tăng lãi suất nhanh.

Bên cạnh đó, đồng bảng Anh tăng 0,29% so với USD lên 1,2921 USD sau khi nhà hoạch định chính sách Ian McCafferty của Ngân hàng Trung ương Anh thúc giục ngân hàng trung ương xem xét việc sớm giảm chương trình định lượng nới lỏng.

Trên thị trường dầu, giá dầu thô giao tương lai tăng, nhờ báo cáo mới công bố về nhu cầu toàn cầu đã cân bằng số liệu về sản xuất của các nước OPEC.

Giá dầu tiếp tục tăng trong ngày hôm qua, bất chấp báo cáo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy nguồn cung dầu tăng 720.000 thùng/ngày trong tháng 6, trong khi nguồn cung của các nước OPEC tăng 340.000 thùng/ngày.

Theo IEA, nguyên nhân là vì Arab Saudi đã tăng lượng sản xuất, cùng với Nigeria và Libya không cần tuân thủ cam kết cắt giảm đạt được của tổ chức OPEC.

Trong tháng 5, OPEC và các nước ngoài OPEC thống nhất kéo dài giảm sản xuất 1,8 triệu thùng/ngày thêm 9 tháng, đến tháng 3/2018, nhưng cho phép Nigeria và Libya vẫn được miễn giảm sản lượng.

Mặc dù vậy, số liệu này vẫn chưa thể làm mất động lực tăng của giá dầu, vì một báo cáo khác cho thấy nhu cầu về dầu ở Trung Quốc đang đi lên với nhập khẩu tăng 13,8%, đạt 8,55 triệu thùng/ngày trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, báo cáo tuần từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố hôm thứ Tư chỉ ra cả lượng dầu và xăng tồn kho đều giảm.

Dầu tồn kho Mỹ giảm 7,6 triệu thùng trong tuần tính đến hết ngày 7/7, so với dự báo là chỉ giảm 2,9 triệu thùng. Trong khi đó, xăng tồn kho bất ngờ giảm 1,65 triệu thùng, dự báo trước đó là sẽ tăng 1,15 triệu thùng.

Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua với các chỉ số tăng điểm, nhờ cổ phiếu dầu khí, tài chính và công nghệ tăng điểm.

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch chỉ số Dow Jones tăng 0,1% lên 21.553,09 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,19% lên 2.447,83 điểm, trong khi đó, chỉ số Nasdaq tăng 0,21% lên 6.274,44 điểm.

Tố Tố

Sóng bộ ba cổ phiếu ‘bank, chứng, thép’ liệu có trở lại?
Giai đoạn gần đây thị trường chứng kiến nhịp tăng giá luân phiên của cổ phiếu ngành ngân hàng và thép. Diễn biến này gợi nhớ câu chuyện bộ ba cổ phiếu ngân hàng, thép và chứng khoán thay nhau dẫn sóng giai đoạn 2021 - 2022. Liệu kịch bản này có lặp lại?