Thị trường tài chính thế giới chao đảo
Trên thị trường chứng khoán, chỉ số MSCI toàn thế giới, theo dõi chứng khoán tại 45 quốc gia, giảm mạnh 3,9%. Trong đó, ngân hàng là cổ phiếu giảm mạnh nhất sau tin tức cho biết Deutsche Bank - ngân hàng lớn nhất nước Đức - phải tăng thêm vốn để duy trì hoạt động.
Kết quả là, thị trường chứng khoán châu Âu giảm mạnh nhất với chỉ số FTSE Eurofirst 300 giảm 1,6% - mức giảm mạnh nhất từ ngày 6/7. Các chỉ số FTSE 100 của Anh, DAX của Đức và CAC 40 của Pháp đều giảm ít nhất 1,3%.
Tại Mỹ, ba chỉ số chứng khoán lớn, gồm Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq, lần lượt giảm 0,91%, 0,86% và 0,91%. Tin tức về Deutsche Bank cùng với buổi tranh luận giữa Trump - Clinton gây sức ép rất lớn lên tâm lý giao dịch của thị trường đối với các tài sản rủi ro.
Tương tự tại châu Á, chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương cũng giảm 0,8% với các thị trường lớn như Nhật Bản, Trung Quốc và Hong Kong đều giảm hơn 1%.
Trên thị trường tiền tệ, USD tiếp tục suy yếu so với các đồng tiền chủ chốt khác do tâm lý ngại rủi ro của giới đầu tư. Chỉ số đôla ICE theo đói giảm 0,2% trong phiên 26/9.
Trong đó, USD giảm 0,7% so với yen xuống 100,25 yen và euro tăng 0,3% so với USD lên 1,1252 USD.
Yen tăng giá so với cả USD và euro sau khi Thống đốc Hiruhiko Kuroda cho biết, ngân hàng trung ương sẽ sử dụng tất cả công cụ cần thiết để đẩy lạm phát trở về mục tiêu 2%, đồng thời, kỳ vọng rằng quy mô mua trái phiếu sẽ không có sự thay đổi lớn trong thời gian tới.
Ngược lại, USD bắt đầu suy yếu từ sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ triển vọng kinh tế Mỹ trong cuộc họp chính sách tuần trước. Fed thậm chí đánh tín hiệu có thể sẽ tăng lãi suất trong tháng 12 tới.
Hiện tại, thị trường thế giới đang chờ đợi buổi tranh luận đầu tiên giữa Trump - Clinton sẽ diễn ra vào khoảng 8h00 ngày 27/9 (giờ Việt Nam) trong vòng 90 phút.