|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường phân bón ăn theo: Trong vòng vây của bầy nhện độc

07:53 | 01/11/2019
Chia sẻ
Chưa bao giờ tình trạng sản xuất phân bón ăn theo các thương hiệu lớn lại phức tạp và tinh vi như hiện nay khi chúng ngày đêm giăng lưới “bẫy” người nông dân và rút bớt thị phần của những doanh uy tín một cách rất… đúng luật.

Đại loạn nhãn mác

Nếu như tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc đăng ký sản xuất phân bón cũng như hạn chế các chủng loại bị quản lý hết sức chặt chẽ thì ở Việt Nam, đây lại là một tồn tại lịch sử. 

Từ 2013 – 2018 (trước khi Nghị định 108 ra đời và có hiệu lực) bị đánh giá là giai đoạn bùng nổ trong sản xuất phân bón của Việt Nam.

Thị trường phân bón ăn theo: Trong vòng vây của bầy nhện độc - Ảnh 1.

Lúa tốt nhờ dùng phân đúng cách.

Theo thống kê sơ bộ năm 2012 cả nước chỉ có khoảng 150 cơ sở sản xuất với hơn 1.420 chủng loại thì đến cuối năm 2017 cả nước có hơn 800 cơ sở với gần 20.000 chủng loại chưa kể nhập khẩu, công suất sản xuất gấp hơn 3 lần so với tổng nhu cầu.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do trong giai đoạn này ngành sản xuất phân bón, đặc biệt là sản xuất NPK luôn nằm trong top ngành có biên lợi nhuận rất cao. Tuy nhiên, nếu sản xuất đúng hàm lượng chuẩn ghi trên mẫu mã, bao bì thì lãi chỉ vào khoảng 1,5-2 % doanh số. 

Muốn lãi cao hơn trong khi giá bán hàng thấp thì buộc các doanh nghiệp mới nhập cuộc phải làm hàng chất lượng thấp để cạnh tranh với những hàng có thương hiệu.

Bởi thế họ thường gian lận bằng cách cho ra đời những tên thương mại nhái các nhãn mác nổi tiếng hoặc làm hàng kém chất lượng để lách luật vì hai hành vi phạm này nếu bị phát hiện chỉ bị xử lý hành chính.

Và các doanh nghiệp này hoàn toàn không thể tiếp cận được người nông dân nếu thiếu đi sự tiếp sức đắc lực của hệ thống các đại lý cấp 1, cấp 2, cấp 3. Ai nắm được hệ thống đại lý kẻ đó thắng, nguyên tắc đó luôn đúng với thuốc tây và thuốc bảo vệ thực vật.

Thực tế phức tạp

Tỉnh Thái Nguyên hiện có khoảng 900 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp như vậy, một số hoạt động nghiêm chỉnh, chỉ bán hàng chất lượng tốt nhưng cũng có không ít bán hàng ăn theo, chất lượng phập phù.

Đại lý của anh N.V.A ở khu vực giáp ranh thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ thuộc vào hạng cỡ lớn khi nắm trong tay gần 300 đại lý cấp 2, cấp 3 bên dưới ở các huyện, thị. 

Nắm được tâm lý của bà con thường bón phân theo tập quán lâu lâu lại đảo một loại mới để cảm thấy “bốc hơn”, dư lượng của loại phân cũ nhiều khi còn tồn đến cả vụ sau nên cũng khó phân biệt được cái nào tốt, cái nào kém nên anh đã hướng cho họ mua cả hai loại.

Một xe hàng đi giao thường 2/3 là các loại phân mới chất lượng hạn chế và 1 phần loại phân uy tín chất lượng tốt nhưng giá bán cao hơn. Để thu hút khách, cửa hàng anh đánh vào giá bán khi chỉ cần mua 1 bao là bán với giá buôn nên trong vòng bán kính 20 km nhiều nông dân, đại lý nhỏ đều tìm đến để mua.

Gần đó, chúng tôi tiếp cận đại lý T.V.B ở xã Linh Sơn. Đây là vùng ổi nổi tiếng với diện tích khoảng 70 ha, với giá bán hiện đang 20.000đ nhiều nhà vườn có lãi rất khá. 

Anh bảo: “Bán sản phẩm của các công ty lớn lợi nhuận rất thấp nhưng vẫn phải có vì nhu cầu của dân, khi mua họ hỏi đích danh. 

Như vùng này thường bón NPK 13.13.13 chuyên cho cây ăn quả của Lâm Thao vì quả rất ngon, giòn, ngọt nhưng có nhiều hộ tham rẻ vẫn bón NPK 12.5.10 hàm lượng không đủ, lấy đâu ra mà ngon được? Đó là chưa kể đến phân của các hãng khác chất lượng kém nữa…”.

Cửa hàng của chị N.T.X ở xã Hợp Tiến khá nhỏ với sản lượng khoảng 120 tấn/năm, trước đây chỉ một màu của phân bón Lâm Thao nhưng giờ đã đổi màu khi nhiều sản phẩm giá rẻ khác ra đời, dần chiếm lĩnh thị trường.

“Cả vùng từ Trại Cau về đây giờ họ dùng nhiều loại phân bón mới, công thức ghi trên bao bì của chúng bằng với các công ty lớn nhưng chất lượng không thể bằng. 

Tuy nhiên nhờ giá hạ hơn nên bán loại này lợi nhuận cao hẳn, có những cửa hàng đã không còn tí nào sản phẩm của những thương hiệu lớn còn tôi vẫn bán một chút ít của Lâm Thao”, chị X nói.

Thị trường phân bón ăn theo: Trong vòng vây của bầy nhện độc - Ảnh 2.

Bà con nông dân thường bón phân theo lời khuyên của đại lý.

Công ty phân bón BM gần đây đã ra một chính sách vô tiền, khoáng hậu mà không doanh nghiệp nào dám mạnh dạn như thế là khuyến mãi bán 10 tấn thanh toán luôn bằng tiền mặt sẽ được tặng 1 chỉ vàng. 

Chị X cũng được vài chỉ vàng tri ân như vậy, hàng của BM vẫn đang chất ăm ắp đầy trong kho.

Lợi nhuận gấp 4-5 lần hàng xịn

Anh Trần Hải Âu, Giám đốc Chi nhánh Vật tư Nông nghiệp huyện Phú Lương (Công ty CP Vật tư Nông nghiệp Thái Nguyên) cho hay, khoảng bốn năm trở lại đây có rất nhiều sản phẩm phân bón ăn theo mẫu mã, bao bì của các doanh nghiệp lớn, có uy tín bằng vô số những tiểu xảo.

“Phân bón TP năm 2017 mẫu mã không giống mấy nhưng năm 2018 cải tiến gần như giống y chang phân bón của Lâm Thao, chỉ khác mỗi logo nên bà con dễ nhầm nếu chất hai đống hàng gần nhau. 

Giá bán của chúng rẻ hơn nhiều nên tạo ra sự cạnh tranh rất lớn. Công ty chúng tôi ngoài phân phối cho phân bón Lâm Thao gần đây còn triển khai thêm hàng phân bón TN khá nổi tiếng khác với những loại chuyên biệt như Lúa 1, Lúa 2 nhưng chỉ được một thời gian cũng đã bị nhái”, anh Âu chia sẻ.

Có công ty phân bón mới ra đời năm 2017, cả năm gần như không thể bán nổi sản phẩm dù đã hạ giá, khuyến mãi đến thế nào nhưng khi thay đổi mẫu mã bao bì gần như giống hệt của Lâm Thao thì lại bán khá chạy, thoát khỏi nguy cơ phá sản.


Ngoài thủ đoạn nhái mẫu mã bao bì, giá hạ đến không tưởng chính là miếng mồi ngon và thơm để nhử các đại lý. Một chủ đại lý tâm sự: “Phân bón BM ra chính sách lấy 10 tấn khuyến mãi là 1 chỉ vàng, càng lũy tiến lại càng được vàng nhiều hơn. 

Với giá họ giao cho đại lý chỉ 3.600đ/kg lại còn khuyến mãi vàng như thế thứ còn lại trong bao khác gì là đất?

Chúng tôi bán hàng của các công ty lớn như Lâm Thao nhưng một số đại lý lớn cũng bán Lâm Thao với giá còn thấp hơn hẳn đi, để phá, để bóp chết đối thủ. 

Họ sẵn sàng chấp nhận hòa hoặc lỗ ở sản phẩm ấy để lái phần còn lại sang lấy hàng của các công ty nhái kia, ăn lãi phần này bù lại. 

Dần dần lâu ngày bà con cũng bị hướng theo. Trước đây, mỗi năm chúng tôi bán 6.500 tấn, riêng sản phẩm của Lâm Thao chiếm 80%, giờ giảm chỉ còn cỡ 60%.

Huyện có khoảng 200 đại lý cấp 2, cấp 3 đến từng xóm, những sản phẩm chất lượng nếu đưa cho, bảo cắt lại 200-300đ/kg là họ từ chối ngay mà thấp nhất phải cỡ 500đ/kg thậm chí có hàng lãi 1.000đ. 

Chúng tôi chấp nhận bán hàng của Lâm Thao chỉ đủ chi phí vận chuyển bốc vác, xăng dầu nhưng các đại lý bên dưới vẫn lượng phân đó nếu bán hàng kém chất lượng sẽ được lãi gấp 3-4 lần nên họ không mặn mà gì.

Thậm chí họ còn có tiểu xảo là nhập hàng chất lượng tốt nhưng mẫu mã do quăng quật, do để lâu trông thật xấu, bẩn thỉu, bên trong vón cục rồi vứt đấy, bảo các bác thích Lâm Thao thì lấy cái này. 

Tự nhiên khách hàng dần dần khắc bài trừ hàng của hãng đi. Thêm một lý do nữa là bà con mua tiền mặt hạn chế còn đâu đại lý cho nợ nên không có quyền để đòi hỏi loại này, loại kia mà đại lý hướng gì thì mua đấy”.

Thị trường phân bón ăn theo: Trong vòng vây của bầy nhện độc - Ảnh 4.

Đóng bao tại nhà máy Lâm Thao.

Trước thực trạng phân bón nhái, phân bón kém chất lượng, Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đang áp dụng các giải pháp để bảo vệ thương hiệu như: Thay đổi mẫu mã bao bì để người nông dân dễ dàng hơn trong việc nhận diện thương hiệu phân bón Lâm Thao (gần đây nhất là in logo 3 nhành lá cọ to hơn); trang bị biển cửa hàng cho đại lý các cấp; tổ chức hàng nghìn hội nghị hướng dẫn sử dụng xuống các thôn, xã nhằm trang bị kiến thức cho bà con nông dân về cách phân biệt mẫu mã, bao bì, tem, dấu, màu sắc… của hàng thật, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Tuy nhiên do đặc thù là sản phẩm không mua được trực tiếp mà phải qua đại lý nên ngoài kêu gọi lương tâm của các đại lý rất cần phải nghiên cứu cơ chế bán hàng linh động hơn để đại lý có thể chấp nhận trở lại hàng của Lâm Thao.


Dương Đình Tường