|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Thị trường nhà đất trên các tuyến đường mới: Nóng vì 'cò' đẩy giá

10:17 | 19/02/2019
Chia sẻ
TP Hà Nội hiện đang triển khai đầu tư mở rộng nhiều tuyến đường chính, nối các vùng ngoại thành với khu vực trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh sống và làm việc.

Hiệu ứng hạ tầng mới đã làm gia tăng giá trị của các sản phẩm bất động sản (BĐS) tại khu vực hai bên tuyến đường mới mở và các khu lân cận. Đáng nói, sự gia tăng này có sự chi phối nhất định của giới “cò đất".

Hưởng lợi từ hạ tầng

Anh Nguyễn Văn Thắng, người dân trú tại ngõ 354 đường Trường Chinh (phường Khương Thượng, quận Đống Đa) cho biết, sau khi dự án đường Vành đai 2 tuyến Trường Chinh (từ ngã tư Tôn Thất Tùng đến Ngã Tư Sở) tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng, đất của gia đình anh đã được ra mặt tiền và gia đình mới chuyển nhượng mảnh đất rộng 130m2 với giá bán 100 triệu đồng/m2. “Ở thời điểm năm 2016, đã có một số khách đến trả giá 60 triệu đồng/m2 nhưng gia đình tôi không bán. Hiện tại, khi tuyến đường vẫn đang tiếp tục giai đoạn giải phóng mặt bằng nhưng tôi đã bán với giá cao hơn gấp 2,5 lần so với cách đây hơn 2 năm. Vì cần vốn để kinh doanh nên phải bán, nhưng sau khi tuyến đường hoàn thành dự kiến giá sẽ còn cao hơn nữa” – anh Thắng chia sẻ.

thi truong nha dat tren cac tuyen duong moi nong vi co day gia
Dự án đường Vành đai 2. Ảnh: Công Hùng.

Ghi nhận tại khu vực dự án quy hoạch mở rộng đường Vành đai 3 (tuyến Phạm Văn Đồng) giá đất cũng đã tăng cao hơn nhiều so với thời điểm cách đây hơn một năm. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm) Chu Việt Dũng, giá đất thực tế ở mặt tiền tuyến đường Phạm Văn Đồng thời điểm hiện tại ở mức từ 60 – 70 triệu đồng/m2, cao hơn nhiều so với thời điểm tuyến đường mới đưa vào triển khai xây dựng.

“Dọc hai bên tuyến đường Phạm Văn Đồng có rất nhiều cơ quan, tổ chức và dự án của các DN, cộng thêm yếu tố hạ tầng giao thông được TP đầu tư mở rộng thêm đã khiến cho giá trị đất đai ở khu vực này tăng cao so với thời điểm cách đây 2 – 3 năm. Người dân cũng được hưởng lợi rất nhiều từ dự án hạ tầng giao thông, giá đất tăng cao là một trong những lợi ích hiện hữu mà người dân đang được hưởng” – ông Chu Việt Dũng nói.

Trong khi đó, đất trên tuyến Quốc lộ 32 (đoạn từ cầu vượt Mai Dịch đến Đại học Công nghiệp Hà Nội) sau khi được quy hoạch mở rộng, một số địa điểm đã được chào bán với giá 200 triệu đồng/m2, cao hơn gấp nhiều lần so với nhiều tuyến đường khác.

Hiện, TP Hà Nội đang đồng loạt triển khai quy hoạch mở rộng nhiều tuyến đường chính trong khu vực nội thành, kết nối với khu vực ven đô, có thể kể đến như Dự án đường Vành đai 2 tuyến Trường Chinh, dự án đường Vành đai 3 tuyến Phạm Văn Đồng, dự án đường 32... Theo đánh giá của giới đầu tư, việc đầu tư thực hiện dự án này nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch; kết nối, khai thác hợp lý với kết cấu hạ tầng giao thông đã được đầu tư xây dựng; phục vụ nhu cầu lưu thông hàng hóa, sản xuất và nhu cầu đi lại của Nhân dân, giảm thiểu ùn tắc giao thông, góp phần đẩy nhanh tốc độ hình thành các khu đô thị trong khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Cẩn trọng với “cò đất”

Không phủ nhận giá trị của những sản phẩm BĐS bên các tuyến đường mới mở đã có sự gia tăng nhanh sau khi dự án đi vào triển khai. Tuy nhiên, do độ “hot” của thị trường ở các khu vực này đã kéo theo sự hoạt động tích cực của giới “cò đất”, khiến giá đất càng được đẩy lên cao hơn và làm "nóng" thị trường hơn so với thực tế.

Trao đổi với phóng viên, anh Minh Phi - một chủ đại lý môi giới đất đai tại khu vực phố Hoàng 13 (phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm) cho biết, đại lý của anh đang môi giới khoảng 5 – 6 mảnh đất mặt tiền đường Phạm Văn Đồng, giá bán có thể được dao động cao nhất khoảng từ 150 – 160 triệu đồng/m2. “Đấy là mức giá bán, khi giao dịch thành công thì người mua phải trả thêm 1% phí môi giới. Nếu muốn mua thì nên mua nhanh ở thời điểm hiện tại, sau khi dự án hoàn thành thì giá đất còn cao hơn nữa” – anh Phi nói.

Anh Phi cho biết thêm, ở thời điểm trước năm 2016, giá đất tại khu vực đường Phạm Văn Đồng ít có sự tăng trưởng về giá, nhưng đến hiện tại giá đã tăng từ 30 – 50% giá trị. Không chỉ đất lẻ trong khu dân cư tăng giá, mà giá đất tại các dự án nằm gần với tuyến đường mới mở rộng này cũng tăng thêm từ 3 – 5 triệu đồng/m2.

Nhận định về tình hình thị trường nói trên, các chuyên gia cho rằng, giá trị của các sản phẩm BĐS phụ thuộc rất nhiều vào các dự án hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Việc đầu tư mới hay mở rộng các tuyến đường giao thông sẽ có tác động tức thời đến những người sở hữu và làm gia tăng giá BĐS. "Việc gia tăng về giá trị của các sản phẩm BĐS trên các tuyến đường mới mở là có thật, nhưng thị trường BĐS từ trước đến nay đều có sự tham gia của môi giới.

Vì vậy, người dân có nhu cầu mua nhà, đất ở các khu vực mặt tiền những tuyến phố, ngoài việc xác minh về nguồn gốc đất đai, tính pháp lý... thì cũng cần phải tìm hiểu kỹ về giá trị thật của mảnh đất mình đang muốn mua, tránh trường hợp bị “cò đất” lợi dụng việc mở rộng đường để đẩy giá bán. Tốt nhất, người mua nên làm việc trực tiếp với chủ đất, không nên qua cửa môi giới” - Thạc sĩ Trần Tuấn Anh - chuyên gia về quy hoạch đô thị chia sẻ.

"Tại khu vực liền kề với những tuyến đường mới, giá trị của các sản phẩm BĐS bắt đầu tăng ngay từ thời điểm có quy hoạch. Khi dự án được đưa vào triển khai, những khu vực này càng trở thành tâm điểm chú ý của nhiều người có nhu cầu sở hữu một căn nhà mặt phố, với kỳ vọng được tận hưởng nhiều hơn các tiện ích, dịch vụ từ hạ tầng mới, đồng thời phục vụ mục đích kinh doanh – thương mại. Không chỉ gia tăng giá trị ở các sản phẩm hiện hữu, hạ tầng giao thông mới cũng là động lực để người dân ồ ạt tăng giá, cùng với đó giá tăng cũng một phần do sự hoạt động tích cực của giới “cò đất”." - Ông Vũ Đức Tuyên - Câu lạc bộ BĐS Hà Nội

Mai Vân