|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thị trường ngoại hối hôm nay 6/5: Đồng EUR gặp bất lợi sau phán quyết của tòa án tối cao Đức

20:42 | 06/05/2020
Chia sẻ
Trên thị trường ngoại hối hôm nay, nhà đầu tư dường như khá thận trọng trước thềm cuộc họp của BoE và báo cáo việc làm sơ bộ của Mỹ, nhờ đó sức mạnh của đồng USD được củng cố đáng kể. Trong khi phán quyết mới nhất của tòa án tối cao Đức về chương trình QE của ECB đẩy đồng EUR xuống đáy một tuần.

Diễn biến thị trường ngoại hối hôm nay

Hôm nay (6/5), vào lúc 19h06 giờ Việt Nam có 5/10 cặp tiền tệ cơ bản giảm điểm và 5 cặp còn lại tăng điểm.

Thị trường ngoại hối hôm nay 6/5: Đồng EUR gặp bất lợi sau phán quyết của tòa án tối cao Đức - Ảnh 1.

Tỷ giá 10 cặp tiền tệ cơ bản. (Nguồn: Investing.com)

Trong đó, cặp USD/CAD tăng cao nhất với mức tăng 0,26% và cặp GBP/JPY giảm mạnh nhất cũng với mức giảm 0,78%.

Thị trường ngoại hối hôm nay 6/5: Đồng EUR gặp bất lợi sau phán quyết của tòa án tối cao Đức - Ảnh 2.

Thị trường ngoại hối hôm nay 6/5: Đồng EUR gặp bất lợi sau phán quyết của tòa án tối cao Đức - Ảnh 3.

Trong phiên giao dịch sớm tại châu Âu hôm nay, đồng USD đã tăng điểm so với các đồng tiền tệ mạnh trong bối cảnh nhà đầu tư giữ quan điểm thận trọng và hạn chế giao dịch rủi ro trước phiên họp chính sách của một ngân hàng trung ương và báo cáo việc làm công bố cuối ngày.

Vào lúc 13h40 giờ Việt Nam, chỉ số USD Index dùng để đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ chính tăng 0,2% lên mức 99,925 điểm.

Ở thời điểm đó, cặp tỷ giá EUR/USD và cặp USD/JPY đều giảm 0,2% lần lượt xuống còn 1,0822 USD/EUR và 106,39 JPY/USD.

Phán quyết của tòa án tối cao Đức gây bất lợi cho đồng EUR

Theo tổng hợp của Investing.com, đồng EUR đã bị nhà đầu tư bán tháo, rơi xuống mức thấp nhất trong một tuần là 1,0817 USD/EUR sau phán quyết của tòa án tối cao Đức về chương trình thu mua trái phiếu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Cụ thể, tòa án tối cao Đức đã yêu cầu ECB trong ba tháng phải làm rõ các điểm chính trong gói hỗ trợ Chương trình Thu mua Trái phiếu khu vực công (PSPP) của ngân hàng trung ương này. PSPP thực chất là chương trình nới lỏng định lượng (QE) của Liên minh châu Âu (EU) nhằm đối phó với suy thoái kinh tế do đại dịch COVID0-19 gây ra.

Ngân hàng trung ương Đức - Deutsche Bundesbank, sẽ bị cấm tham gia chương trình trên trong thời hạn ba tháng trừ khi ECB có thể cho thấy khoản thu mua trái phiếu là chính đáng và hợp lí.

"Mặc dù phát quyết của tòa án tối cao Đức rõ ràng là một cú đánh đau với ECB và Tòa án Công lí châu Âu, thì bây giờ việc mua trái phiếu sẽ tiếp tục diễn ra mà không bị ảnh hưởng gì", nhóm nhà phân tích từ Danske Bank cho hay.

"Chúng tôi nghĩ mối quan tâm chính của thị trường nằm ở những hạn chế mà tòa án tối cao Đức áp đặt, khiến phản ứng tài khóa chung của khu vực Eurozone bị mất cân bằng", các nhà phân tích trên nhận định.

Phán quyết trên được đưa ra gần thời điểm công bố số liệu kinh tế của Đức. Trong tháng 3, do tác động của đại dịch COVID-19, số đơn đặt hàng công nghiệp của Đức đã giảm 15,6% - mức sụt giảm hàng tháng lớn nhất kể từ khi Đức thống nhất hai miền vào năm 1990.

Đồng GBP cũng giảm điểm trước thềm cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE). Kể từ khi cuộc khủng hoảng COVID-19 bắt đầu, BoE đã công bố một loạt biện pháp kích thích như hạ lãi suất xuống mức thấp kỉ lục và tăng chương trình nới lỏng định lượng lên đến 645 tỉ bảng Anh.

Trước thiệt hại kinh tế chồng chất mà dịch bệnh gây ra, BoE khó mà ngừng bơm thêm kích thích cho nền kinh tế Anh. Tuy nhiên, thị trường ngoại hối sẽ cảnh giác trước các dự báo kinh tế vĩ mô và bình luận xoay quanh khả năng tăng qui mô chương trình nới lỏng định lượng của BoE.

Cũng trong hôm nay, nhà đầu tư còn chú ý đến báo cáo việc làm khu vực tư nhân tháng 4 của ADP nhằm nắm bắt sức khỏe của nền kinh tế Mỹ trước khi bảng lương phi nông nghiệp được công bố vào ngày 8/5.

Khả Nhân