|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thị trường ngoại hối hôm nay (23/8): Lặng sóng trước thời điểm Chủ tịch Fed phát biểu

19:42 | 23/08/2019
Chia sẻ
Trên thị trường ngoại hối hôm nay, đồng USD có xu hướng lên giá so với các đồng tiền tệ khác trong phiên giao dịch sớm tại châu Âu, vì thị trường dường như khá im ắng trước thời điểm Chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra bài phát biểu quan trọng.

Diễn biến thị trường ngoại hối hôm nay

Hôm nay (23/8), vào lúc 17h27 giờ Việt Nam có 3/10 cặp tiền tệ cơ bản giảm điểm, 6 cặp tăng điểm và một cặp đứng giá.

Screenshot (5)

Tỷ giá 10 cặp tiền tệ cơ bản (Nguồn: Investing.com)

Trong khi đó, cặp USD/CHF tăng cao nhất với mức tăng 0,36% và cặp GBP/USD giảm nhiều nhất với mức giảm 0,29%.

Screenshot (6)

Mức biến động giá trong ngày của các cặp tiền tệ (Nguồn: Investing.com)

Screenshot (7)

Bài phát biểu của Chủ tịch Powell được mong chờ hơn bao giờ hết

Theo Reuters, đồng USD nhìn chung tăng cao trong phiên giao dịch sớm tại châu Âu hôm nay, khi mà thị trường dường như khá im ắng trước thời điểm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đưa ra bài phát biểu đang được nhà đầu tư cực kì trông đợi vào lúc 21h giờ Việt Nam.

Vào lúc 17h39 giờ Việt Nam, chỉ số USD Index dùng để đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh trước rổ tiền tệ chính đã tăng khoảng 0,2% so với mức 98,222 của cuối phiên giao dịch ngày 22/8.

Ở bối cảnh khác, đồng CNY đã giảm xuống mức đáy mới (11 năm) trong ngày thứ hai liên tiếp, trong khi đồng GBP vẫn giữ được mức tăng ngắn ngủi ghi nhận được vào ngày 22/8, nhờ tín hiệu tích cực từ cuộc gặp của Thủ tướng Anh Boris Johnson với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Chủ tịch Powell hiện đang chịu áp lực chính trị lớn từ Nhà Trắng về việc cắt giảm lãi suất mạnh tay hơn, khi mà Tổng thống Donald Trump thậm chí còn kêu gọi hạ lãi suất xuống 100 điểm cơ bản để kìm hãm sự chững lại của nền kinh tế Mỹ.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm tốc chủ yếu là do chính sách thương mại của Washington cũng như tác động mờ nhạt của chủ trương cắt giảm thuế.

Tình trạng giảm tốc nói trên, vốn đã hiện diện rõ nét ở Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu, nay mới tiếp cận ngành sản xuất Mỹ. Chỉ số PMI sản xuất của IHS Market đã giảm xuống dưới mốc 50 lần đầu tiên trong 10 năm nay vào tháng 8 này. Chỉ số PMI sản xuất dưới 50 điểm cho thấy hoạt động trong ngành đang dần thu hẹp lại.

Một số quan chức Fed vẫn kiên quyết không ủng hộ nới lỏng chính sách hơn nữa

Tuy nhiên, với việc nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ vẫn duy trì ở mức ổn định và thể hiện rõ nét trong một loạt báo cáo bán lẻ thời gian gần đây, quan chức Fed đã ngừng nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh tay.

Vào ngày 22/8, Chủ tịch Fed khu vực Kansas City Esther George, một trong hai quan chức không đồng ý hạ lãi suất vào tháng trước, đã lặp lại quan điểm tương tự đối với bất kì động thái nới lỏng chính sách nào khác.

Ngoài ra, ở cùng "thuyền" với bà Esther George còn có Chủ tịch Fed khu vực Philadelphia Patrick Harker, khi mà ông này cũng không ủng hộ việc cắt giảm lãi suất thêm trong năm nay.

"Trái với kì vọng của thị trường, chúng tôi nghĩ ông Powell nhiều khả năng sẽ không nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa", chiến lược gia John Velis của Ngân hàng New York cho hay.

Tuy nhiên, ông Velis tin rằng thị trường, vốn đang kì vọng bước đi tích cực hơn từ Fed, "đang nhìn nhận vấn đề chính xác hơn các quan chức 'diều hâu' không ủng hộ hạ lãi suất trong Ủy ban Thị trường Mở Liên bang".

Đồng thời, khi thiếu vắng một giải pháp cho rủi ro chính trị và bất ổn thương mại hiện tại, khả năng Fed đưa ra chính sách ôn hòa hơn trong quí IV/2019 cũng như trong năm 2020 sẽ sớm lộ diện.

Khả Nhân