|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thị trường ngoại hối hôm nay (20/8): Biến động chính trị dồn dập tại châu Âu

19:29 | 20/08/2019
Chia sẻ
Trên thị trường ngoại hối hôm nay, đồng USD không biến động nhiều trong phiên giao dịch sớm tại châu Âu, nhưng đã bắt đầu lấy đà trước đồng EUR vào đầu ngày khi mà biến động chính trị ở Italy, Anh có khả năng chi phối hoạt động kinh tế trong khu vực.

Diễn biến thị trường ngoại hối hôm nay

Hôm nay (20/8), vào lúc 18h03 giờ Việt Nam có 6/10 cặp tiền tệ cơ bản giảm điểm và 4 cặp còn lại tăng điểm.

Screenshot (556)

Tỷ giá 10 cặp tiền tệ cơ bản (Nguồn: Investing.com)

Trong khi đó, cặp EUR/GBP tăng cao nhất với mức tăng 0,53% và cặp GBP/JPY giảm nhiều nhất với mức giảm 0,73%.

Screenshot (557)

Mức biến động giá trong ngày của các cặp tiền tệ (Nguồn: Investing.com)

Screenshot (558)

Biến động chính trị Italy, Anh "chiếm sóng" thị trường ngoại hối châu Âu

Theo Investing.com, đồng USD không biến động nhiều trong phiên giao dịch sớm tại châu Âu hôm nay, nhưng đã bắt đầu lấy đà trước đồng EUR vào đầu ngày khi mà chính trị có khả năng chi phối hoạt động kinh tế trong khu vực.

Vào lúc 3h30 sáng (7h30 GMT), đồng USD đã ở mức 1,1079 USD và ngay trước ngày trọng đại của Quốc hội Italy, đồng tiền chung của khu vực châu Âu đang mấp mé mức thấp của tuần trước là 1,1066 USD.

Italy một ngày trước cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ hiện tại

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte sẽ phát biểu vào buổi chiều ngày 21/8 và dự kiến sẽ từ chức trước cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do Đảng Lega cánh hữu yêu cầu tổ chức.

Mặc dù cả Đảng Lega và đối tác - Phong trào 5 Sao, dường như đã từ bỏ chính phủ của họ, diễn biến gì sẽ xảy ra sau khi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thành công vẫn còn nằm trong vòng nghi vấn.

Tổ chức cuộc bầu cử nhanh chóng là một khả năng, nhưng Tổng thống Sergio Mattarella cũng có thể yêu cầu các đảng trong quốc hội thành lập chính phủ mới.

Về mặt lí thuyết, Phong trào 5 Sao và Đảng Dân chủ trung tả có khả năng chiếm đa số phiếu để thông qua ngân sách cho năm sau và xóa sổ tranh chấp ngân sách giữa Italy với Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, điều này đòi hỏi hai bên phải dẹp bỏ sự thù địch trong quá khứ.

Dữ liệu kinh tế dường như đang chống lại đồng EUR ở thời điểm hiện tại, sau khi Deutsche Bundesbank cảnh báo trong báo cáo tháng rằng họ dự đoán tăng trưởng quí II của Đức sẽ tiếp tục giảm, đồng nghĩa rằng cỗ máy kinh tế của khu vực đồng euro sẽ rơi vào suy thoái lần đầu tiên trong một thập kỉ qua.

Sáng kiến mới của Thủ tướng Anh về Brexit chẳng đi đến đâu

Tuy nhiên, đồng EUR lại mạnh lên so với đồng GBP sau khi sáng kiến mới nhất của Thủ tướng Boris Johnson về Brexit nhấn mạnh khoảng cách giữa Anh và EU trong cách quản lí biên giới Ireland trong tương lai.

Trong một bức thư ngỏ gửi Chủ tịch Hội đồng EU Donald Tusk, ông Johnson lần nữa nhắc lại mong muốn thoát khỏi các tiêu chuẩn qui định của EU về lâu dài, trong khi phía EU luôn đề cập đến đường biên giới Ireland và vấn đề hải quan trong thỏa thuận giữa hai bên.

Đồng GBP đã ở mức 1,0927 so với đồng EUR, giảm 0,2% so với cuối ngày 19/8 và dường như đang tiếp tục sụt giảm như thời gian trước đó. Điều này đánh dấu đợt tăng ngắn ngủi của đồng nội tệ Anh đã kết thúc, mà vốn được kích hoạt bởi hi vọng các nhà lập pháp sẽ đạt được thỏa thuận đa đảng để ngăn chặn Brexit không thỏa thuận.

Chỉ số USD dùng để đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ chính đã tăng chưa đầy 0,1%, ghi nhận ở mức 98,257 vào lúc 18h05 giờ Việt Nam.

Trong bối cảnh khác, cặp tỷ giá EUR/CHF vẫn tăng tốt vì kinh tế toàn cầu giảm tốc buộc nhà đầu tư tìm đến các tài sản có độ an toàn cao như đồng JPY và đồng CHF.

Các nhà phân tích lưu ý rằng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ đã tăng với tốc độ nhanh chóng trong 4 tuần qua. Họ xem đây là dấu hiệu cho thấy Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đã can thiệp để làm chững lại mức tăng của đồng CHF.

Ở mức 1,0854 so với đồng EUR, đồng nội tệ của Thụy Sĩ đã tăng gần 10% trong 16 tháng qua, phần lớn là diễn ra trong 4 tháng gần đây.

Yên Khê