Thị trường Mỹ rộng mở, doanh nghiệp xuất khẩu cần lên kế hoạch kĩ lưỡng
Mỹ là đối tác nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam
Số liệu của Bộ Công thương cho biết năm 2018 Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 47,5 tỉ USD tăng 11,43% so với mức 41,6 tỉ năm 2017.
Chỉ riêng tháng 8/2019 ước tính đạt 24,5 tỉ USD, tăng 6,6% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 8 tăng 4,5%.
Đặc biệt, 8 tháng năm 2019, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 38,6 tỉ USD, tăng 25,3% so với cùng kì năm trước.
7 tháng qua, nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng là thị trường xuất khẩu chiếm ưu thế đối với hầu hết nhóm hàng chủ lực của Việt Nam.
Điển hình như 2 nhóm hàng gồm điện thoại các loại và linh kiện xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt trị giá 4,88 tỉ USD, tăng 77,8% so với cùng kì 2018; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,86 tỉ USD, tăng mạnh 84,7%.
Ngoài ra, từ nhiều năm qua, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành hàng dệt may. Tính đến hết tháng 7, đây tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 8,49 tỉ USD, tăng 10,1% so với cùng kì năm trước và chiếm 46,1% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước.
Cùng với dệt may, giày dép xuất khẩu cũng có kim ngạch lớn nhất ở thị trường Mỹ với kết quả đạt 3,76 tỉ USD, tăng hơn 14%, chiếm 36,3% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Các sản phẩm nông sản tươi và chế biến của doanh nghiệp Việt đang xuất khẩu tại các thị trường như Mỹ, Nhật, Malaysia, Hàn Quốc... Ảnh: Như Huỳnh
Hết tháng 7 còn nhiều nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ đạt kim ngạch từ 1 tỉ USD trở lên hoặc xấp xỉ "tỉ USD".
Hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ có nhiều thuận lợi nhờ tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế. Mỹ có nhu cầu nhập khẩu lớn những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hoặc sản phẩm Việt Nam có thế mạnh dựa trên điều kiện kinh tế tự nhiên, lợi thế về nhân công trong nhiều lĩnh vực như dệt may, da giày, máy móc thiết bị điện tử...
Ở chiều ngược lại, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu lớn nhiều loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông, các sản phẩm nông nghiệp phục vụ đầu vào cho hoạt động sản xuất để đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao và sự mở rộng nhanh chóng của nền kinh tế.
Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng khi các nhà nhập khẩu Mỹ đẩy mạnh tìm kiếm hàng hóa thay thế hàng Trung Quốc và các cơ sở sản xuất mới sau khi dịch chuyển đầu tư.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải doanh nghiệp xuất khẩu Việt vẫn còn gặp nhiều khó khăn tại thị trường này do sự hiểu biết còn hạn chế về hệ thống pháp luật của Mỹ, xu hướng về tăng cường bảo hộ thông qua việc ban hành các qui định, tiêu chuẩn mới về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt đối với các sản phẩm nông - lâm - thủy sản...
Hơn nữa cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa có nhiều chuyển đổi, ít sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao…
Trao đổi với người viết, bà Phi Thị Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT Hệ thống phân phối The Green Way cho biết mặc dù đã có kinh nghiệm xuất khẩu nhiều loại nông sản sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật,...
Tuy nhiên "cái khó nhất khi gặp và đám phán với đối tác mua hàng quốc tế đó chính là tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, nó không chỉ là tiêu chuẩn của nhà máy mà còn là tiêu chuẩn của vùng trồng.
Ví dụ nếu muốn vào thị trường Mỹ phải có giấy chứng nhận của Cục quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), chứng nhận của Nhật hoặc Liên minh châu Âu (EU)".
Không chỉ khó khăn về tiêu chuẩn, vấn đề cạnh tranh về giá so với các thị trường tương đồng như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc...cũng là những thách thức của doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu
"Vấn đề đặt ra là làm sao để tiếp cận thị trường, người tiêu dùng các nước một cách phù hợp về khẩu vị, giá cả cũng như yêu cầu chứng nhận của các nước", bà Ngọc Anh chia sẻ.
Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra, nhiều doanh nghiệp từ Trung Quốc chuyển sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội ưu đãi thuế quan. Nhiều doanh nghiệp có xu hướng đội lốt hàng Việt, có biểu hiện lẩn tránh phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ làm ảnh đến hàng hoá của Việt Nam khi vào Mỹ.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), thừa nhận từ quí IV/2018 đến nay, ngành dệt may chịu nhiều tổn thất do ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Trong đó, xuất khẩu sợi vào Trung Quốc giảm mạnh do sức mua của các nhà sản xuất ở đây giảm.
Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại cũng đang tạo sức ép cho nguồn cung của ngành dệt may Việt Nam. Các doanh nghiệp dệt may đang phải trả chi phí cao hơn để mua vải từ Trung Quốc trong khi vẫn phải chịu áp lực giảm giá từ các đơn hàng xuất khẩu.
Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ
Các chuyên gia cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ vẫn còn rộng mở, cần có các giải pháp hợp lí để duy trì xuất khẩu bền vững vào thị trường này.
Bà Phi Thị Ngọc Anh cho hay, cách duy nhất để tận dụng cơ hội này cách thay đổi thói quen canh tác từ gốc và chuyển đổi xu hướng chế biến phù hợp với thị trường thế giới, đáp ứng tiêu chuẩn các nước.
Tuy nhiên, "doanh nghiệp cũng rất cần sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương để các nông trại, nông dân thay đổi cách canh tác, đảm bảo chất lượng hàng hóa.
Còn khi xuất khẩu, cần sự định hướng như chỉ dẫn địa lí, tiêu chuẩn chất lượng, quan trong nhất là hỗ trợ của Bộ Ngoại Giao, Bộ Công thương trong con đường đi ra nước ngoài, quảng bá thương hiệu Việt Nam, giúp phân phối hàng hóa Việt Nam, đưa ra thị trường quốc tế", đại diện The Green Way chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM, cho biết Mỹ hiện chiếm hơn 40% thị phần xuất khẩu của toàn ngành gỗ. Mẫu mã và sản phẩm Việt Nam ở mức trung bình nên rất phù hợp với thị trường Mỹ, trong khi thị trường châu Âu rất khó khăn cho các doanh nghiệp gỗ Việt.
"Doanh nghiệp ngành gỗ lại có cơ hội nhiều hơn nếu biết cách chọn sản phẩm phù hợp với thị trường Mỹ vì sản phẩm đồ gỗ Việt Nam có giá trung bình phù hợp với thị trường này hơn EU.
Doanh nghiệp nên mở rộng sản xuất các mặt hàng để thay thế cho hàng Trung Quốc như đồ tủ bếp, đồ văn phòng...", ông Phương chia sẻ.
Khi xung đột thương mại diễn ra, buộc các tập đoàn quốc tế lớn, trong đó có Mỹ phải xem xét lại chiến lược nguồn cung của mình. Vì vậy, nhiều quốc gia có năng lực cung ứng tốt có cơ hội tự nhiên để mở rộng đầu tư, sản xuất và xuất khẩu. Việt Nam cũng có thể tận dụng cơ hội này.
Mỹ là thị trường lớn của nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, da giày...
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết mục tiêu năm 2019 xuất khẩu dệt may đạt 39,5 - 40 tỉ USD, trong đó Mỹ là thị trường chính chiếm hơn 40% kim ngạch.
Theo đó, ngành dệt may đang tích cực nhập khẩu bông của Mỹ về sản xuất vải. Việc thúc đẩy tiêu thụ bông của Mỹ tại Việt Nam không chỉ giúp ổn định chất lượng sợi, nền tảng phát triển nền công nghiệp sản xuất sợi của Việt Nam mà còn thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào Mỹ.
Nâng cao tỉ lệ sử dụng bông Mỹ trong ngành dệt may Việt Nam đồng nghĩa với việc người tiêu dùng Mỹ sẽ được sử dụng các sản phẩm có chỉ số cotton cao và sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ có hàm lượng bông Mỹ nhiều hơn.
Do vậy, việc tăng cường hợp tác giữa các nhà sản xuất bông của Mỹ và các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho cả hai bên, ông Giang nhận định.
Hiện nay, tuy tỉ lệ nhập khẩu bông Mỹ của Việt Nam đã đạt trên 50% tổng sản lượng nhập khẩu bông vào Việt Nam nhưng Hiệp hội Dệt may Việt Nam vẫn mong muốn có thể nhập khẩu bông Mỹ nhiều hơn nữa.
Để làm được điều này. Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị Hiệp hội Bông Mỹ cần có kiến nghị với Chính phủ Mỹ có chính sách để các DN Mỹ đầu tư tổng kho bông tại Việt Nam.
Nếu làm được điều này sản lượng bông của Mỹ bán tại thị trường Việt Nam có thể tăng lên gấp 2 - 3 lần so với hiện nay, từ đó ngành nông nghiệp Mỹ phát triển mạnh hơn và các DN Việt Nam cũng sẽ có nguồn cung bông ổn định hơn với thời gian giao hàng nhanh hơn.
Bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch Amcham tại TP HCM, Giám đốc vận hành ITL Việt Nam, cho rằng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ gần đây tăng mạnh.
Tuy nhiên, Việt Nam cần phải để ý đến việc tăng trưởng xuất khẩu không để phụ thuộc quá nhiều vào việc được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Cần lưu ý về xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ thay vì xuất khẩu gián tiếp từ Trung Quốc sang Việt Nam rồi từ Việt Nam qua Mỹ.
Đồng thời các doanh nghiệp cần lên kế hoạch xuất khẩu hàng hóa một cách kĩ lưỡng, nghiên cứu cẩn thận thị trường cũng như các phương thức, thủ tục xuất khẩu.