|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thị trường lao động Mỹ khởi sắc khi kinh tế hồi phục

03:12 | 16/08/2021
Chia sẻ
Thị trường việc làm Mỹ ghi nhận những dấu hiệu mới nhất cho thấy tốc độ sa thải lao động tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chậm lại, giữa bối cảnh các nhà tuyển dụng cố gắng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng vọt khi nền kinh tế khởi sắc.
Thị trường lao động Mỹ khởi sắc khi kinh tế hồi phục - Ảnh 1.

(Ảnh: The Telegraph).

Giới chuyên gia cho rằng việc tái mở cửa nền kinh tế cùng với tiến trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 là những yếu tố giúp số việc làm tăng mạnh và nhu cầu trợ cấp thất nhiệp giảm dần kể từ tháng Năm.

Tại Mỹ, số người tìm kiếm trợ cấp thất nghiệp đã ghi nhận tuần giảm thứ ba liên tiếp. Theo báo cáo được công bố hôm 12/8 của Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại nước này (đã điều chỉnh theo mùa) giảm xuống còn 375.000 đơn trong tuần vừa qua, so với con số 387.000 đơn của tuần trước đó. 

Như vậy, số người đăng ký xin trợ cấp thất nghiệp giảm đều đặn kể từ khi chạm mức đỉnh 900.000 đơn vào đầu tháng 1/2021, thời điểm nền kinh tế lớn nhất thế giới đang mở cửa trở lại sau đại dịch.

Số liệu về trợ cấp thất nghiệp vốn được coi là thước đo trong thời gian thực về “sức khỏe” của thị trường việc làm. Tuy nhiên, độ tin cậy của thước đo này đã giảm trong thời gian đại dịch. Ở nhiều bang, số liệu đã bị “thổi phồng” do tình trạng gian lận hoặc người dân cố tình nộp nhiều đơn cùng một lúc để đạt lợi ích. Điều này cũng phần nào giải thích lý do số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hiện vẫn tương đối cao.

Trước khi đại dịch làm tê liệt kinh tế Mỹ vào tháng 3/2020, số đơn xin thất nghiệp của nước này chỉ ở mức khoảng 220.000 đơn một tuần. 

Cụ thể, nhiều tiểu bang tại Mỹ đã yêu cầu người lao động tự doanh và lao động theo hợp đồng phải tìm kiếm trợ cấp thất nghiệp theo các chương trình truyền thống trước khi họ có thể nộp đơn thông qua một chương trình được thiết kế vào năm ngoái để cung cấp trợ cấp thất nghiệp lần đầu tiên. Chương trình này và khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung lên đến 300 USD/tuần sẽ hết hạn trên quy mô toàn quốc vào tuần đầu tiên của tháng Chín tới.

Nước Mỹ hiện có tổng cộng khoảng 12 triệu người đang nhận trợ cấp thất nghiệp, giảm mạnh so với con số gần 13 triệu người của tuần trước. Sự sụt giảm này phản ánh thực tế là ngày càng có nhiều người có việc làm và không còn nhận được trợ cấp. 

Một yếu tố khác là do nhiều tiểu bang đã hủy bỏ chương trình trợ cấp việc làm của liên bang đối với lao động tự doanh, trong khi các chương trình riêng biệt dành cho lao động thất nghiệp dài hạn cũng đã được áp dụng.

Gần 8,7 triệu lao động hiện vẫn tiếp tục nhận viện trợ thông qua những chương trình này và họ sẽ mất quyền lợi khi các chương trình hết hạn trên toàn quốc vào ngày 6/9.

Mặc dù có những quan ngại rằng sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta có thể khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa và số lao động mất việc làm sẽ gia tăng, song cho đến nay, có rất ít dấu hiệu cho thấy biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 tác động tiêu cực đến việc tuyển dụng tại Mỹ. Trong tháng 7/2021, các nhà tuyển dụng đã bổ sung thêm 943.000 việc làm, theo số liệu chính phủ, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 5,9% xuống 5,4%.

Thu nhập trung bình theo giờ đã tăng mạnh 4% trong tháng 7/2021 so với một năm trước đó. Điều này cho thấy các nhà tuyển dụng đã triển khai việc tăng lương. Tuy nhiên, báo cáo này dựa trên một cuộc khảo sát được thực hiện vào giữa tháng 7/2021.

Trước đó, Chính phủ Mỹ thông báo các nhà tuyển dụng của nước này đã tuyển dụng hơn 10 triệu việc làm trong tháng 6/2021, mức cao nhất kể từ tháng 12/2000. Điều này có nghĩa là số người được tuyển dụng cao hơn số người mất việc làm trong tháng đó.

Mặc dù vậy, đây là những số liệu được ghi nhận vào thời điểm trước khi nước Mỹ ghi nhận sự gia tăng số ca lây nhiễm COVID-19 do biến thể Delta.

Theo các nhà kinh tế học tại JPMorgan Chase, chi tiêu bằng thẻ tín dụng để mua vé máy bay đã giảm 20% so với mức đỉnh vào giữa tháng Bảy. Điều này phản ánh việc người tiêu dùng có thể đã cắt giảm chi tiêu du lịch để đối phó với sự gia tăng số ca lây nhiễm COVID-19. Cùng với đó, lượng thực khách đến các nhà hàng tại Mỹ cũng đã giảm khoảng 10% trong tuần qua, sau khi quay trở lại mức trước đại dịch trong tháng 6 và tháng 7/2021.

Phương Nga (Theo AFP)