|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thị trường hoài nghi khả năng bảo vệ nền kinh tế, thúc đẩy lạm phát của Fed

19:25 | 23/08/2019
Chia sẻ
Kể từ lần đầu giảm lãi suất năm 2008, vào tháng trước, Fed bày tỏ mong muốn củng cố nền kinh tế cùng thúc đẩy lạm phát tăng lên. Từ quan điểm của thị trường, không có mục tiêu nào trong hai điều trên khả quan.

Điều kiện thị trường đã trở nên khắc nghiệt hơn và dữ liệu kinh tế cho thấy lạm phát đang xuống thấp hơn.

1

Chủ tịch Fed Jerome Powell (phải), cùng Chủ tịch Fed khu vực New York John Williams (giữa) và Chủ tịch Fed khu vực Kansas City Esther George (trái) (Ảnh: Reuters)

Các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), chuyên gia kinh tế và quan chức khác đang tập hợp tại cuộc họp thường niên ở Jackson Hole, Wyoming trong tuần này.

Với bối cảnh hiện tại, liệu ngân hàng trung ương (NHTW) Mỹ có thể ngăn chặn cuộc suy thoái tiếp theo hay không sẽ khiến các nhân vật này đau đầu thảo luận.

Theo Reuters, phải mất vài tháng trước khi các đợt cắt giảm lãi suất thực sự thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, cam kết duy trì sự phát triển lâu dài của nền kinh tế Mỹ bằng lời nói của các nhà hoạch định chính sách có thể khiến chi phí cho vay thấp hơn một chút trong năm nay, một phần nhờ đợt hạ lãi suất mới đây.

Theo Hiệp hội Ngân hàng Thế chấp (MBA), sau khi chạm mức 5% vào cuối năm ngoái, lãi suất trung bình của khoản thế chấp 30 năm hiện chỉ duy trì quanh mốc 3,9%. Đồng thời, các ngân hàng Mỹ đã hạ thấp mức lãi suất cơ bản (prime rate) sau khi Fed nới lỏng chính sách hôm 31/7.

Vấn đề chưa sáng tỏ chính là liệu động thái cắt giảm lãi suất của Fed có thể làm dịu nỗi lo suy thoái kinh tế của thị trường, khi mà nó vừa "bùng phát" do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang gần đây, cũng như thuyết phục nhà đầu tư tin rằng mục tiêu lạm phát có thể hoàn thành được hay không.

Trong bài luận xuất bản hôm 21/8, Chủ tịch Fed khu vực Minneapolis Neel Kashkari đã kêu gọi NHTW Mỹ hành động nhiều hơn, cụ thể là cắt giảm lãi suất và cam kết không siết chặt chính sách cho đến khi kinh tế Mỹ đạt mục tiêu lạm phát 2% trong một khoảng thời gian nhất định.

Kể từ khi Fed hạ lãi suất hồi cuối tháng 7, thị trường bắt đầu chao đảo, khi cùng lúc chịu áp lực từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và dấu hiệu suy thoái toàn cầu. Điều đó đã làm xấu đi một loạt chỉ số trên thị trường, từ chứng khoán đến giá trái phiếu doanh nghiệp, từ đó gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Việc Chủ tịch Jerome Powell không sẵn sàng cam kết nới lỏng chính sách hơn nữa tại cuộc họp báo sau khi hạ lãi suất ngày 31/7 không phải là nguyên nhân chính khiến thị trường chao đảo, tuy nhiên nó cũng không giúp ích gì.

"Mối quan tâm lớn nhất của tôi là tính hiệu quả của các đợt hạ lãi suất", ông Jason Brady, CEO của Thornburg Investment Management. "Fed đang đứng trước bối cảnh kinh tế biến động, không có khả năng hỗ trợ họ đạt mức lạm phát mục tiêu là 2% hay tăng trưởng kinh tế".

Fed cũng kì vọng một đợt cắt giảm lãi suất sẽ giúp cơ quan này chạm đến mức lạm phát mục tiêu 2% mà hiện tại vẫn đang "nằm im ỉm" dưới phạm vi nói trên. Tại các cuộc họp chính sách gần đây, một số quan chức Fed băn khoăn rằng mọi người sắp nghĩ lạm phát đang giảm, mà theo lí thuyết thì có thể khiến giá cả bị đình trệ.

Lạm phát yếu có thể kìm hãm tăng trưởng mức lương và chi tiêu của người lao động cũng như buộc lãi suất giảm về 0. Điều đó sẽ đẩy quan chức Fed vào tình cảnh không có mấy công cụ thích hợp để thúc đẩy tăng trưởng cũng như khôi phục nền kinh tế trong giai đoạn suy thoái tiếp theo.

Có một số dấu hiệu trong dữ liệu kinh tế chính thức cho thấy lạm phát có thể đang tăng lên và một vài trong số những lần bỏ lỡ mục tiêu lạm phát gần đây là do các yếu tố tạm thời.

Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn chưa xem nỗ lực thúc đẩy lạm phát của Fed là điều đáng tin.

Các nhà đầu tư ngại rủi ro đã mua rất nhiều trái phiếu Kho bạc Mỹ kì hạn 30 năm trong những ngày gần đây, từ đó đẩy lợi suất xuống thấp kỉ lục 1,916%. Điều đó kích thích trái phiếu chính phủ Mỹ (vốn nhạy cảm với vấn đề lạm phát) tăng giá, trong khi loại trái phiếu này lại dễ mất giá trị nếu đồng USD tiếp tục mất sức mua.

Ông Adam Posen từng là nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Anh và hiện đang giữ chức Chủ tịch của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson.

Ông cho biết các nhà hoạch định chính sách của Fed đã thất bại trong việc thúc đẩy lạm phát tăng lên mức mục tiêu, cùng lúc lại quá mải mê khuyến khích nhà đầu tư và thị trường tự nâng kì vọng lạm phát lên trong một thế giới biến động, dễ dàng bị kìm hãm bởi nhiều yếu tố.

Khả Nhân