Thị trường heo hơi thiết lập mặt bằng giá mới?
Giá heo hơi bắt đầu hạ nhiệt
Trao đổi với người viết Nguyễn Tất Thắng, Tổng thư kí Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết giá heo hơi giảm nhờ nguồn cung đang tăng dần khi tái đàn bắt đầu có hiệu quả.
Đến cuối tháng 6 và tháng 7/2020 theo báo cáo của các địa phương (bằng văn bản), tổng đàn lợn của cả nước đạt khoảng 24,9 triệu con, tương đương 80% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh DTLCP (trên 31 triệu con vào 31/12/2018).
Những lứa heo đầu năm thả nuôi bắt đầu đến giai đoạn xuất chuồng. Do đó, nguồn cung được bổ sung.
Bên cạnh đó, nguồn heo nhập khẩu chính ngạch từ Thái Lan cũng đã góp phần hạ nhiệt "cơn sốt" thịt heo trong thời gian qua.
Việc nguồn tăng cũng tác động đến tâm lí giới găm hàng.
"Nguồn cung heo tăng lên nhờ tái đàn hiệu quả và nhập khẩu từ Thái Lan khiến giới găm hàng trở nên dè dặt hơn và họ buộc phải bán ra để tránh rủi ro giá giảm thêm nữa.", ông Thắng nói.
Ngày 12/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển cho phép Cục Thú y thực hiện kiểm dịch nhập khẩu heo sống từ Thái Lan vào Việt Nam để giết mổ làm thực phẩm.
Từ ngày 12/6 đến ngày 1/8, đã có 36 lượt doanh nghiệp của Việt Nam đăng kí kiểm dịch nhập khẩu hơn 4,7 triệu con heo sống từ Thái Lan vào Việt Nam. Trong đó, đã có 15 doanh nghiệp nhập khẩu 75.334 con heo thịt vào Việt Nam để giết mổ làm thực phẩm.
Ngoài ra, Việt Nam đã chấp thuận cho 24 quốc gia được phép xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm vào Việt Nam, trong đó có 19 quốc gia được xuất khẩu thịt heo và sản phẩm thịt heo vào Việt Nam.
Hiện tại có hơn 800 doanh nghiệp của 19 quốc gia được phép xuất khẩu thịt heo và sản phẩm thịt heo vào Việt Nam.
Về số lượng thịt heo nhập khẩu, trong 7 tháng đầu năm 2020, có 130 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hơn 93.248 tấn thịt heo các loại chủ yếu từ các nước Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Mỹ, Tây Ban Nha và Nga, tăng 223% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, ông Thắng cho biết nguồn cung tăng chủ yếu đến từ các doanh nghiệp lớn còn đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tâm lí vẫn đang khá dè dặt vì sợ dịch có thể quay trở lại.
"Qua thăm dò các vùng ven, các hộ nhỏ lẻ nuôi lại không nhiều vì sợ tái lại dịch bệnh. Nên tỉ lệ tái đàn chưa bằng thời điểm trước dịch.
Tuy nhiên, đối với các hộ chăn nuôi lớn, thời gian tới họ sẽ tranh thủ tái đàn nhiều hơn, bù đắp khoảng trống mà hộ nhỏ lẻ để lại vì đang được giá", ông Thắng cho biết.
Theo báo cáo của 16 doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi lớn, đàn heo thịt ở tháng 6 đạt trên 4,16 triệu con, tăng so với 1/1 (trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi) là 66,35%, tăng so với 1/1/2020 là 31%.
Đến cuối tháng 7/2020 đàn heo thịt 4,87 triệu con tăng 17%. Kế hoạch của 16 doanh nghiệp đến hết Quý III đạt 5,17 triệu con và Quý IV đạt 5,36 triệu con (tăng 68% so với 1/1/2020).
Theo Tổng cục Thống kê, chăn nuôi heo đang dần khôi phục sau dịch tả heo châu Phi, nhưng công tác tái đàn còn chậm do giá heo giống vẫn ở mức cao, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không có đủ nguồn lực để đầu tư tái đàn sau thời gian dài bị thiệt hại vì dịch bệnh, việc tái đàn chủ yếu ở các cơ sở chăn nuôi lớn.
Theo Bộ NN&PTNT, cuối quí III và đầu quí IV mới có thể cân đối cung - cầu. Bộ NN&PTNT cho rằng đến lúc đó giá cơ bản sẽ ổn định. Theo cơ quan này cho rằng giá heo hơi dự kiến cuối quí III giảm khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Thiết lập mặt bằng giá mới
Ông Thắng nhận định hiện giá heo hơi đã thiết lập mặt bằng giá mới khi chi phí chăn nuôi hiện nay cao.
Bộ NN&PTNT cho biết nếu hạch toán chi tiết người chăn nuôi đi mua con giống thì giá thành khoảng 71.000 đồng/kg heo hơi, nếu nuôi khép kín từ khâu giống đến nuôi thịt thì giá thành khoảng 50.000 đồng/kg heo hơi.
"Thị trường có cũng đã chấp nhận mức giá heo hơi khoảng 80.000 đồng/kg. Giá heo hơi khó có thể xuống sâu hơn nữa khi chi phí chăn nuôi đắt", ông Thắng nói.
Ông Thắng nhận định rằng, với mức giá hiện tại, những doanh nghiệp lớn, chăn nuôi khép kín và chủ động được con giống đang có lợi thế lớn, họ tính toán đưa vào tái đàn nhiều là bước đi đúng.
Theo Báo cáo tái chính quí II của CTCP Dabaco Việt Nam, công ty ghi nhận quí kinh doanh tốt nhất lịch sử hoạt động với hơn 401 tỉ đồng lãi ròng, cao hơn cả quí I/2020 và gấp 53 lần quí II/2019. Kết quả trên của Dabaco được ghi nhận trong bối cảnh giá heo tăng cao.
CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh quí II với doanh thu thuần hơn 1.233 tỉ đồng, tăng 10% so với quí II/2019 nhờ mở rộng điểm bán và phát triển các chương trình bán hàng.
Trong đó, doanh thu thịt tươi sống tăng 7% lên gần 621 tỉ đồng, doanh thu thực phẩm chế biến gần 582 tỉ đồng, tăng 15%.
Trong 6 tháng đầu năm, CTCP Chăn nuôi Phú Sơn ghi nhận 102 tỉ đồng doanh thu và 53 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế. Với kết quả trên, công ty đã thực hiện 89% kế hoạch doanh thu và vượt 77% kế hoạch lợi nhuận.