|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường giá tiêu trong nước tiếp đà giảm ngày 11/4, nhưng vẫn neo trên mốc 90.000 đồng/kg

06:00 | 11/04/2024
Chia sẻ
Giá tiêu tại thị trường trong nước duy trì đà giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg. Trên hai sàn giao dịch, giá cao su tăng giảm không đồng nhất.

Cập nhật giá tiêu

Giá tiêu trong nước

Theo khảo sát, giá tiêu hôm nay tiếp đà giảm mạnh tại nhiều tỉnh thành. 

Trong đó, các tỉnh Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước đang thu mua hồ tiêu với giá 91.500 đồng/kg sau khi giảm 1.000 - 1.500 đồng/kg. 

Sau khi giảm 1.000 đồng/kg, thương lái tại Đồng Nai và Đắk Lắk đang giao dịch hồ tiêu với giá thấp nhất và cao nhất là 90.500 đồng/kg và 92.000 đồng/kg. 

Tỉnh Gia Lai giảm cao nhất 2.000 đồng/kg xuống còn 91.000 đồng/kg. 

Tỉnh/huyện (khu vực khảo sát)

Giá thu mua (Đơn vị: VNĐ/kg)

Thay đổi so với hôm qua (Đơn vị: VNĐ/kg)

Đắk Lắk

92.000

-1.000

Gia Lai

91.000

-2.000

Đắk Nông

91.500

-1.000

Bà Rịa - Vũng Tàu

91.500

-1.000

Bình Phước

91.500

-1.500

Đồng Nai

90.500

-1.000

 

Giá tiêu thế giới

Theo cập nhật từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) vào ngày 10/4 (theo giờ địa phương), giá tiêu đen Lampung (Indonesia), giá tiêu đen Brazil ASTA 570 và tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA duy trì ổn định so với ngày 9/4.

Tên loại

Bảng giá tiêu đen thế giới (ĐVT: USD/tấn)

Ngày 9/4

Ngày 10/4

% thay đổi

Tiêu đen Lampung (Indonesia)

4.463

4.463

0

Tiêu đen Brazil ASTA 570

4.450

4.450

0

Tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA

4.900

4.900

0

Cùng thời điểm khảo sát, giá tiêu trắng Muntok, trong khi giá tiêu trắng Malaysia ASTA không có điều chỉnh mới.

Tên loại

Bảng giá tiêu trắng thế giới (ĐVT: USD/tấn)

Ngày 9/4

Ngày 10/4

% thay đổi

Tiêu trắng Muntok

6.179

6.179

0

Tiêu trắng Malaysia ASTA

7.300

7.300

0

Ngày 8/3/2024, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Quốc tế ngành Hồ tiêu và gia vị Việt Nam (VIPO 2024) với sự tham dự của Ông Huỳnh Tấn Đạt – Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật, Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA cùng các khách mời là các chuyên gia trong nước và quốc tế ngành hồ tiêu và gia vị cùng các công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, sản xuất hồ tiêu và gia vị trong ngoài nước.

Ông Sudhanshu Pran Kaul – Phó chủ tịch Olam Food Ingredients đưa ra các quan điểm về thuận lợi, khó khăn và hạn chế của ngành hồ tiêu, gia vị Việt Nam trong thời gian tới, Sở Công thương Đắk Lắk đưa tin. 

Trong đó, phải kể đến các vấn đề như: các yêu cầu ngày càng chặt chẽ của thị trường nhập khẩu, người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, các công ty chủ đạo trong ngành hiện đã đang cam kết giảm mức phát thải từ đây cho đến năm 2050 về 0…, ngành hồ tiêu và gia vị có sự cạnh tranh từ các hàng hóa khác như sầu riêng, cà phê, chuối… 

Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của các phương pháp thực hành nông nghiệp tốt để cải tạo chất lượng đất, cung cấp hệ thống truy xuất nguồn gốc đến tận người nông dân, làm việc chặt chẽ với các chủ thể chính trong ngành để đảm bảo rằng chuỗi cung ứng không vi phạm các quy định về quyền con người, rủi ro sức khỏe, an toàn cũng như tăng cường sử dụng nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo trong quá trình chế biến tại các nhà máy…

Tuy nhiên, một số cơ hội của ngành hồ tiêu và gia vị có thể kể đến như: Việt Nam đang phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng, đầu tư hơn nữa vào các thành phần gia vị có giá trị về mặt chức năng bằng cách đầu tư vào hoạt động R&D – Nghiên cứu và phát triển, Innovation – Đổi mới công nghệ, xây dựng bộ tiêu chuẩn chung của Việt Nam liên quan đến an toàn thực phẩm, tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của người tiêu dùng…

Để phát triển hơn nữa ngành gia vị nói chung, Việt Nam cần khắc phục được các giới hạn như việc thiếu kiến thức và ý thức của người nông dân, khó khăn trong việc chuyển đổi mô hình canh tác truyền thống, ngành nông nghiệp cần đạt được quy mô lớn hơn trong thời gian tới, đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và máy móc…

Ảnh minh họa: Thanh Hạ. 

Cập nhật giá cao su

Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su giao kỳ hạn tháng 5/2024 giảm 0,65% xuống mức 337,9 yen/kg tại thời điểm khảo sát vào lúc 6h00 (giờ Việt Nam).

Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 5/2024 ở mức 14.805 nhân dân tệ/tấn, tăng 0,34%.

Trong 2 tháng đầu năm 2024, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu cao su lớn thứ 3 của Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 8,2 nghìn tấn, trị giá 12,77 triệu USD, tăng 61,7% về lượng và tăng 60,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023; Giá xuất khẩu bình quân sao su sang thị trường này đạt 1.577 USD/tấn, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2023. 

Trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc chủ yếu là cao su tự nhiên. Trong đó, chủng loại SVR 10 được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 39,01% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Hàn Quốc. Đứng thứ hai là chủng loại SVR CV60 chiếm 26,54% và SVR 20 chiếm 16,55% Lượng và trị giá xuất khẩu các chủng loại này sang Hàn Quốc đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023.

Về giá xuất khẩu: Giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su sang Hàn Quốc trong 2 tháng đầu năm 2024 phần lớn đều tăng so với cùng kỳ năm 2023, trong đó tăng mạnh nhất là Latex tăng 7,4%; SVR CV60 tăng 6,7%; SVR CV50 tăng 6,1%; SVR 10 tăng 5,9%; SVR 20 tăng 4,6%…

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, 2 tháng đầu năm 2024, Hàn Quốc nhập khẩu 64,81 nghìn tấn cao su (HS: 4001, 4002, 4003, 4005), trị giá 127,12 triệu USD, giảm 24% về lượng và giảm 22,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Việt Nam và Mỹ là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Hàn Quốc. Trong đó, Hàn Quốc tăng nhập khẩu cao su từ Việt Nam và Mỹ, còn nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia giảm so với cùng kỳ năm 2023. 

Thanh Hạ