Thị trường điện thoại chững lại, FPT Shop xoay xở ra sao?
Gói cước bán kèm điện thoại Subsidy chưa thu hút nhiều người dùng
Theo thông tin mới đây, kể từ đầu tháng 4, Apple đã có động thái hỗ trợ nhà bán lẻ qua việc giảm giá cho các dòng sản phẩm đời trước như iPhone 7 và 8. Nhờ vậy Kết quả kinh doanh tháng 4 của FPT Retail có sự cải thiện rõ rệt, doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng trưởng lần lượt 31% và 44% so với tháng 4/2018.
Công ty kỳ vọng mảng điện thoại sẽ tiếp tục hồi phục trong phần còn lại của năm nhờ biên lợi nhuận gộp iPhone được cải thiện và hai hãng điện thoại có thị phần dẫn đầu tại Việt Nam là Samsung và Oppo cùng tung ra các sản phẩm chủ lực từ quý II trở đi. Kết thúc quý I, FPT Retail mở thêm 8 cửa hàng FPT Shop, tăng trưởng doanh thu cửa hàng hiện hữu đạt 1%.
Subsidy – chương trình bán điện thoại trả góp lãi suất 0% đi kèm với các gói cước gọi thoại + dữ liệu với giá ưu đãi của 2 nhà mạng Vietnamobile và Mobifone vốn gặp trở ngại khi người dùng không muốn đổi số điện thoại. Do đó, chính sách Nhà nước cho phép chủ thuê bao được chuyển mạng giữ số triển khai từ cuối năm 2018 được kỳ vọng sẽ tăng tính hấp dẫn của chương trình này.
Tuy nhiên, thực tế các nhà mạng vẫn gây nhiều khó khăn cho người dùng khi muốn chuyển mạng giữ số. Các gói cước bán kèm điện thoại của Subsidy tuy hấp dẫn nhưng vẫn chưa thể thu hút nhiều người dùng. Mặt khác, FPT Retail cho biết đang có nhiều điểm chưa thỏa thuận được với các nhà mạng hiện tại nên sẽ không kí thêm các gói cước mới cho Subsidy. Thay vào đó, công ty sẽ đẩy mạnh chương trình F.Friends hơn trong năm nay.
Với F.Friends, quy mô đã tăng từ 2.000 doanh nghiệp với 650.000 thành viên (giữa năm 2018) lên 2.500 doanh nghiệp với 1 triệu thành viên vào cuối năm. FPT Retail sẽ mở rộng tập khách hàng từ các xí nghiệp sản xuất sang công ty dịch vụ, nơi người lao động có mặt bằng thu nhập cao hơn và thường dùng sản phẩm cao cấp hơn. Song song với đó, công ty cũng đang phát triển phần mềm chấm điểm tín dụng của khách hàng nhằm kiểm soát rủi ro nợ xấu, dựa trên cơ sở dữ liệu của trung tâm thông tin tín dụng thuộc Ngân hàng Nhà nước (CIC) và lịch sử bán hàng của FPT Retail.
Đánh giá về hiệu quả của F.Friends (từ 2017) và Subsidy (từ 2018), CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng hai chương trình này đã góp phần không nhỏ giúp FPT Retail vẫn có thể duy trì tăng trưởng doanh thu cửa hàng hiên hữu (SSSG) từ 1%-3% trong 2 năm gần đây, xấp xỉ Thế giới Di Động (Mã: MWG).
Đây là con số không tồi, nhất là tính đến việc mảng công nghệ của FPT Retail bị ảnh hưởng mạnh hơn từ sự bão hòa của thị trường do có tỷ trọng sản phẩm phụ thuộc nhiều vào phân khúc điện thoại cao cấp. Dù vậy, đóng góp của hai chương trình này đang chững lại, hiện vẫn dừng ở mức 10% trên tổng doanh thu sau 1 năm qua. Con số này thấp hơn so với kỳ vọng của FPT Retail.
FPT Retail mới chỉ hưởng một khoản hoa hồng nhỏ từ việc hợp tác với Nguyễn Kim và Fado
Hợp tác với Nguyễn Kim và Fado là một phần trong nỗ lực tăng doanh thu cửa hàng hiện hữu của FPT Retail. Các sản phẩm điện máy của Nguyễn Kim sẽ được bày bán trên website của FPT Shop. Website của FRT cũng có một khu vực riêng dành cho hàng hóa mua online từ Amazon, trong hợp tác với Fado – một đơn vị vận chuyển/kinh doanh hàng xuyên biên giới.
Do mới chỉ trong quá trình thử nghiệm trên website, công ty chỉ hưởng một khoản hoa hồng không đáng kể. Nếu khả quan, phạm vi hợp tác sẽ được mở rộng ra các cửa hàng FPT Shop.
Mặc dù vậy, với mức độ cạnh tranh rất cao và ngày càng tăng lên trong ngành điện máy và mua hàng xuyên biên giới, VDSC cho rằng ngay cả khi FPT Retail có thể chuyển đổi lượng khách tăng thêm sang doanh thu công nghệ của chính mình, đóng góp từ các hợp tác trên vào kết quả kinh doanh là không quá triển vọng.
FPT Shop mới trong 2019 có thể chỉ là 50 cửa hàng
Với việc doanh số điện thoại toàn thị trường được dự báo sẽ sụt giảm, VDSC cho rằng tăng trưởng doanh thu của các cửa hàng hiện hữu của FPT Retail sẽ chỉ ở mức 0%-1%. Đóng góp tăng lên của 2 chương trình F.Friends và Subsidy (từ 10% lên 12%) và mặt hàng phụ kiện có thể giúp tổng doanh thu cả năm tăng 10%. Biên lợi nhuận của mảng công nghệ khó có thể hồi phục lại mức của năm ngoái, giảm 30 điểm cơ bản xuống còn 13,1% cho cả năm 2019.
Sau quý I thấp điểm, FPT Retail sẽ trở lại đẩy mạnh mở cửa hàng từ quý II trở đi và đạt 50 cửa hàng mới cho cả năm, thấp hơn kế hoạch 100 cửa hàng mà doanh nghiệp đề ra.
Thị trường iPhone tại Việt Nam vẫn cho tín hiệu kém lạc quan và FPT Retail cũng chưa có kế hoạch cụ thể cho việc tiếp tục mở rộng chuỗi này. F.Studio chỉ có một cửa hàng mới được mở trong cả năm 2018.
Nguồn VDSC
Về chuỗi nhà thuốc Long Châu, FPT Retail dự kiến mở mới 28 cửa hàng, đạt tổng số 50 cửa hàng vào cuối năm nay. TP HCM vẫn là trọng tâm trong khi thị trường tỉnh sẽ chỉ trong giai đoạn thử nghiệm.
Công ty sẽ cần thời gian để nghiên cứu danh mục hàng hóa và chính sách giá tối ưu trước khi mở rộng hoàn toàn ra các tỉnh. VDSC dự phóng Long Châu vẫn chưa thể đạt hòa vốn trong năm nay, với biên lợi nhuận ròng giảm 3% cho cả năm.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/