|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường có tiếp tục FOMO sau sóng hồi đẩy giá cổ phiếu ồ ạt tăng bằng lần từ đáy?

11:16 | 08/12/2022
Chia sẻ
Lý giải về đà tăng của nhóm bất động sản, thống kê trong quá khứ chỉ ra đa số các mã đều bị rơi vào trạng thái quá bán nên lúc bật lại thì hồi phục rất nhanh.

Trong những ngày tháng cuối cùng của năm 2022, thị trường chứng khoán đã có sự tăng trưởng tích cực. Tính tại giá đóng cửa ngày 7/12, VN-Index hiện đã phục hồi gần 20% từ mức đáy thiết lập trong phiên ngày 16/11, theo đó hệ số định giá P/E dựa trên ước tính lợi nhuận năm 2022 của VN-Index cũng đã tăng lên mức 11,3 lần từ mức 9,7 lần ở thời điểm giữa tháng.  

Dòng tiền đổ vào thị trường, những mã giảm mạnh nhất trước đây lại là những mã tăng điểm nhiều nhất, tập trung vào các nhóm ngành như chứng khoán, bất động sản.

Tại nhóm địa ốc, nổi bật nhất là đà bứt phá của cổ phiếu L14 của Licogi 14, cổ phiếu từng có thị giá sau điều chỉnh cao nhất sàn chứng khoán với hơn 380.000 đồng/cp. Sau khi rơi 95% từ đỉnh, mã này có chuỗi tăng trần 14 phiên liên tục từ 20.100 đồng/cp (phiên 16/11) lên 61.200 đồng/cp như hiện tại, tức tăng 204,5% so với đáy ngắn hạn.

Thị giá cổ phiếu CEO của Tập đoàn CEO cũng gấp đôi thời điểm VN-Index thiết lập đáy ngắn hạn, chốt phiên 7/12 tại 19.700 đồng/cp. Tương tự, nhiều cổ phiếu địa ốc cũng giúp nhà đầu tư lãi gấp rưỡi chỉ trong hai tuần thị trường hồi phục như HQC, ITA, DIG, NLG, DXG, LDG, ...

 Diễn biến giá một số cổ phiếu bất động sản từ ngày 16/11 đến nay. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Lý giải về đà tăng của nhóm bất động sản trong thời gian gần đây, thống kê trong quá khứ chỉ ra đa số các mã đều bị rơi vào trạng thái quá bán nên lúc bật lại thì hồi phục rất nhanh. 

Trong báo cáo của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, Sector Rating của nhóm bất động sản ở mức 48 điểm cho nên nhóm phân tích đánh giá tiêu cực mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu ngành này. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn được khuyến nghị không nên mua vào nhóm cổ phiếu này ở giai đoạn hiện tại.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng lũy kế là 508 tỷ đồng, trong đó xu hướng mua ròng có dấu hiệu gia tăng kể từ đầu tháng 11/2022 - đây cũng là thời điểm nhóm bất động sản có đà lao dốc mạnh do ảnh hưởng từ các hoạt động giải chấp. Các cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh là NLG, VHM, VRE, KDH,… Đồng thời, tỷ lệ sở hữu khối ngoại cũng tăng mạnh lên mức 14% và đạt mức cao nhất trong năm 2022.

Theo quan sát của nhóm phân tích Yuanta Việt Nam, đồ thị giá của nhóm bất động sản điều chỉnh mạnh 4,2% trong phiên 6/12. Đồng thời, đồ thị giá của nhóm này vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và xu hướng ngắn hạn của nhóm địa ốc vẫn duy trì ở mức tăng.

Tuy nhiên, các nhà phân tích đánh giá giai đoạn hiện tại chưa phù hợp để mua vào nhóm cổ phiếu này khi các tiêu chí tăng trưởng đều tiêu cực với bối cảnh là thanh khoản thị trường bất động sản vẫn còn đang thấp.

 Nguồn: Chứng khoán Yuanta Việt Nam.

Bình luận về diễn biến thị trường trong giai đoạn tới đây trong Talkshow Phố Tài chính, ông Trần Thăng Long Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng sau giai đoạn này sẽ đến giai đoạn phân hóa hơn rất nhiều, nhà đầu tư sẽ bình tâm hơn và suy nghĩ lại về chiến lược đầu tư trong vòng thời gian 1 – 3 năm hay chỉ mua bán cổ phiếu trong thời gian ngắn hạn thôi.

Theo đó, ông Long cho rằng những nhóm ngành thu hút được sự quan tâm của dòng tiền tới đây là những cổ phiếu thiên về sản xuất nhiều hơn hay những ngành có kỳ vọng tương đối tốt vào năm sau và vẫn tăng trưởng khá ổn định, có mức định giá tốt như công nghệ thông tin, năng lượng, dầu khí, bán lẻ.

"Đó là những ngành có mức định giá hấp dẫn hoặc đang dần hấp dẫn và lựa chọn các doanh nghiệp có câu chuyện tăng trưởng riêng, có sự thay đổi mạnh mẽ về mặt mô hình kinh doanh, ít vay nợ hay có sự thay đổi về mặt chiến lược, có thị trường mới.

Những doanh nghiệp đó có thể nói như “lửa thử vàng” trong giai đoạn khó khăn vừa rồi, và sau giai đoạn đó họ cũng tự nhận thấy mình phải tái cấu trúc lại, thay đổi mô hình kinh doanh cũng như đặt ra những chính sách liên quan đến quản trị rủi ro một cách chặt chẽ mà vẫn nắm bắt được những nhu cầu của thị trường".

Thu Thảo