Thị trường chứng quyền (4 - 8/11): Giao dịch kém sắc, xuất hiện mã ngược dòng tăng gần 41%
Nhiều mã chứng quyền mất gần hết giá trị
Trong top10 chứng quyền giảm giá mạnh nhất tuần qua có 6 mã do Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) phát hành, trong đó 4 mã giảm mạnh nhất cũng thuộc về công ty chứng khoán này.
Top10 chứng quyền giảm giá mạnh nhất tuần 4 - 8/11. Nguồn: ST tổng hợp.
Đứng đầu danh sách đội sổ, chứng quyền CVIC1901 mất tới 80% giá trị từ 200 đồng/cw xuống còn vỏn vẹn 40 đồng/cw, trong tuần trước mã này cũng giảm 37,5% dù cổ phiếu VIC giao dịch tích cực.
Tương tự, chứng quyền CMSN1901 ghi nhận tuần giảm giá thứ 2 liên tiếp với mức giảm 77,27%, từ 220 đồng/cw về còn 50 đồng/cw. Mức giảm trong tuần trước của mã này là 29,03%.
Trong khi đó, một chứng quyền khác "họ Vingroup" là CVRE1901cũng giảm 73,68%, tương ứng mức giảm 140 đồng/cw xuống còn 50 đồng/cw. Chứng quyền còn lại trong top4 giảm giá của KIS là CVNM1901 với tỉ lệ giảm 36,96% xuống 290 đồng/cw.
Một số chứng quyền khác cũng chứng kiến sự giảm giá ở mức hai con số gồm CMWG1906 (20%); CREE1901 (15,91%); CVNM1904 (13,16%) và CNVL1901 (12,17%). Ngoài ra, hai mã còn lại top10 giảm giá là CDPM1901 và CVJC1902 với mức giảm 9,77% và 7,92% xuống lần lượt 1.570 đồng/cw và 29.170 đồng/cw.
Xuất hiện mã ngược dòng tăng gần 41%
Trong bối cảnh thị trường chung diễn biến không mấy khởi sắc, nhiều mã chứng quyền vẫn ngược dòng tăng giá và kết tuần giao dịch trong sắc xanh, dù mức không phải quá lớn.
Top10 chứng quyền tăng mạnh nhất tuần 4 - 8/11. Nguồn: ST tổng hợp.
Đáng chú ý, chứng quyền CVNM1902 bất ngờ đảo chiều tăng 40,88% từ 1.810 đồng/cw lên 2.550 đồng/cw, qua đó trở thành mã tăng mạnh nhất trong tuần.Trong tuần trước, CVNM1902 là mã giảm sâu thứ 2 với mức giảm 39,06%, chỉ đứng sau mã CHPG1906.
Đứng thứ hai về mức độ tăng giá sau CVNM1902, chứng quyền CFPT1904 tiếp tục bứt phát trong tuần 4 - 8/11 khi tăng 14,16% từ 2.190 đồng/cw lên 2.500 đồng/cw. Hai chứng quyền FPT khác là CFPT1903 và CFPT1906 cũng ghi nhận mức tăng 6,34% và 4,74%, đóng cửa lần lượt tại 900 đồng/cw và 1.990 đồng/cw.
Với diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng, các chứng quyền nhóm này cũng ghi nhận giao dịch tích cực. Trong đó, chứng quyền CMBB1905 do Chứng khoán HSC phát hành dẫn đầu nhóm chứng quyền ngân hàng với mức tăng 8,82%, từ 1.700 đồng/cw lên 1.850 đồng/cw.
Với mức tăng kém CMBB1905 0,01%, chứng quyền CTCB901 của Chứng khoán MBS tăng giá từ 1.590 đồng/cw lên 1.730 đồng/cw, đây cũng là chứng quyền TCB duy nhất được phát hành tính đến thời điểm hiện tại.
Chứng quyền ngân hàng còn lại có mặt trong top10 tăng giá là mã CMBB1902, tăng 6,05% từ 3.800 đồng/cw lên 4.030 đồng/cw.
Ngoài ra, bộ đôi chứng quyền VHM gồm CVHM1901 và CVHM1902 cũng tiếp tục xu hướng tích cực với mức tăng lần lượt 8,22% và 6,45% lên 4.870 đồng/cw và 22.460 đồng/cw.
Với những diễn biến trái chiều trong tuần qua, chứng quyền CMWG1904 của Chứng khoán SSI hiện là mã có giá thị cao nhất với 37.740 đồng/cw. Ngược lại, chứng quyền CHPG1906 của Chứng khoán KIS hiện có thị giá thấp nhất với vỏn vẹn 30 đồng/cw.
Khối ngoại mua ròng 70 triệu đồng trong tuần qua
Tính theo khối lượng giao dịch, trong tuần giao dịch 4 - 8/11, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng, tuy nhiên xét về giá trị giao dịch khối ngoại đã quay trở lại mua ròng mặc dù mức độ không đáng kể.
Khối ngoại mua ròng hơn 70 triệu đồng trong tuần 4 - 8/11. Nguồn: ST tổng hợp.
Cụ thể, khối ngoại mua vào 4,8 triệu chứng quyền trong tuần qua, tương ứng giá trị mua 3,24 tỉ đồng, trong khi đó khối này bán ra 7,1 triệu đơn vị tương đương giá trị 3,17 tỉ đồng.
Cổ phiếu "chứng quyền" tiếp tục diễn biến phân hóa
Trên thị trường chứng khoán cơ sở, các cổ phiếu "chứng quyền" tiếp tục cho thấy sự phân hóa với 8 mã tăng giá và 8 mã giảm giá.
Ở chiều tăng giá, cổ phiếu TCB dẫn đầu với mức tăng 5,7% từ 23.750 đồng/cw lên 25.100 đồng/cw. Trong khi đó, cổ phiếu HPG cũng tiếp tục hồi phục 3,7% lên 22.700 đồng sau khi tạo đáy tại vùng giá quanh 21.200 đồng/cp.
Trong "họ Vingroup", cổ phiếu VHM duy trì xu hướng tích cực khi tăng 3,5% lên 98.500 đồng/cp, thậm chí có thời điểm mã này đã vượt qua mốc 100.000 đồng/cp. Ngược lại, hai mã VIC và VRE quay đầu điều chỉnh sau tuần bứt phá, với mức giảm giá lần lượt 1,6% và 1,1%.
Cổ phiếu "chứng quyền' tiếp tục phân hóa. Nguồn: ST tổng hợp.
Ở chiều giảm giá, cổ phiếu VNM rớt 2,4% giá trị từ 132.400 đồng/cp xuống còn 129.200 đồng/cw. Cổ phiếu VJC cũng quay đầu giảm 1,6% sau khi tạo đỉnh quanh 147.000 đồng/cp.
Một số mã khác chứng kiến mức giảm trên 1% gồm NVL (1,2%) và DPM (1,1%), còn lại hai cổ phiếu MWG và STB cùng giảm 0,5%.