|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng khoán (6/3): Lực bán đổ bộ cuối phiên, VN-Index chỉ còn tăng hơn 2 điểm

11:38 | 06/03/2023
Chia sẻ
Sau nỗ lực hưng phấn sáng nay, nhà đầu tư đã chuẩn bị tâm lý cho một phiên lấy lại ngưỡng 1.040 điểm thì lực bán mạnh tại các nhóm cổ phiếu khiến VN-Index lại lần nữa lỡ hẹn với mốc này.

Đóng cửa, VN-Index tăng 2,41 điểm (0,24%) lên 1.027,18 điểm, HNX-Index tăng 1,67 điểm (0,82%) đạt 206,56 điểm, UPCoM-Index tăng 0,2 điểm (0,27%) lên 76 điểm.

Sau nỗ lực hưng phấn sáng nay, nhà đầu tư đã chuẩn bị tâm lý cho một phiên lấy lại ngưỡng 1.040 điểm thì lực bán mạnh tại các nhóm cổ phiếu khiến VN-Index lại lần nữa lỡ hẹn với mốc này.

Chỉ số chính sàn HOSE đóng cửa ở mốc 1.027,18 điểm, tăng hơn 2 điểm với thanh khoản hơn 6.810 tỷ đồng. Trong phiên giao dịch buổi sáng, nhóm bất động sản là tâm điểm của thị trường khi đồng loạt tăng mạnh. Cùng với đó, hàng loạt cổ phiếu lớn như VHM, CTG, TCB, NVL, KDH ... đều tăng giá tốt và góp phần kéo VN-Index lên ngưỡng quan trọng.

Tuy nhiên sau 14h, lực bán dâng cao khiến nhiều nhóm ngành hạ nhiệt, điển hình như ngân hàng, xây dựng & vật liệu, trong khi nhiều cổ phiếu sản xuất thực phẩm, du lịch & giái trí, dầu khí, chứng khoán, ... đồng loạt chuyển đỏ. Riêng nhóm địa ốc vẫn duy trì sắc xanh, tím đến cuối phiên.

Tính đến 14h00, VN-Index tăng 11,21 điểm (1,09%) lên 1.035,98 điểm, VN30-Index tăng 12,11 điểm (1,19%) đạt 1.025,46 điểm.

VN-Index nhìn chung vẫn duy trì sắc xanh đến giữa phiên chiều. Ngoại trừ nhóm bất động sản vẫn giữ vững phong độ thì các cổ phiếu thuộc dòng khác như ngân hàng, thép, dầu khí, ... có dấu hiệu hạ nhiệt

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 14,56 điểm (1,42%) lên 1.039,33 điểm, HNX-Index tăng 2,13 điểm (1,04%) đạt 207,02 điểm, UPCoM-Index tăng 0,61 điểm (0,8%) lên 76,41 điểm.

 Diễn biến các chỉ số thị trường kết phiên sáng ngày 6/3. (Nguồn: VNDirect).

Sắc xanh bao phủ thị trường khi sàn HOSE có 292 mã tăng giá, áp đảo so với 67 mã giảm giá và 68 mã đứng giá tham chiếu. Tương tự, rổ VN30 có 27 mã tăng, trong khi có 2 mã giảm và 1 mã giữ giá không đổi.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, dẫn đầu là nhóm ngân hàng ảnh hưởng tích cực nhất lên VN-Index trong phiên sáng nay. Cụ thể, nhóm cổ phiếu trụ cột đóng góp lớn cho chỉ số chung với các mã VCB, BID, TCB đều tăng hơn 1%, đáng kể là CTG tăng 3,1%, các mã khác trong ngành cũng đều khởi sắc với mức tăng chủ yếu 1 - 2%.

Bên cạnh đó, xu hướng tăng giá đồng thuận ở hầu hết các nhóm ngành cũng củng cố thêm cho sắc xanh của chỉ số. 

Trong bối cảnh thị trường giao dịch khởi sắc hơn, thanh khoản được đẩy lên mức trung bình. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 261,2 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 4.021 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE đạt 3.183 tỷ đồng.

Cổ phiếu CTG của Vietinbank trở thành một trong những trụ đỡ chính của thị trường phiên sáng nay (6/3). (Ảnh: Thu Thảo).

Tính đến 11h00, VN-Index tăng 15,96 điểm (1,56%) lên 1.040,73 điểm, VN30-Index tăng 19,12 điểm (1,89%) đạt 1.032,47 điểm.

Thị trường nới rộng đà tăng về giữa phiên sáng, VN-Index đang kiểm tra lại vùng 1.040 điểm. Theo quan sát, điểm số tăng cùng với thanh khoản được cải thiện so với các phiên giao dịch cuối tuần trước.

Tính đến 9h30, VN-Index tăng 14,35 điểm (1,4%) lên 1.039,12 điểm, HNX-Index tăng 3,22 điểm (1,57%) đạt 208,11 điểm, UPCoM-Index tăng 0,42 điểm (0,55%) lên 76,22 điểm.

Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index tăng gần 8 điểm. Việc ban hành nghị định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp làm thị trường có hiệu ứng hưng phấn ngay đầu phiên, nhất là dòng bất động sản.

Cụ thể, Nghị định số 08 quy định doanh nghiệp có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác; đơn vị phát hành sẽ được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm. Đồng thời nghị định mới sẽ tạm ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, xếp hạng tín nhiệm tới hết năm 2023.

Trở lại với diễn biến thị trường, nhóm cổ phiếu địa ốc đồng loạt xanh tím, điển hình như HQC, LDG, SCR, PDR, DXG, HPX tăng hết biên độ, cùng với L14 tăng 9,4% lên 47.600 đồng/cp, CEO (+8,8%), DIG (+6,8%), ...

Tâm lý giao dịch tích cực cũng lan tỏa sang nhiều nhóm ngành khác trên thị trường như ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ, xây dựng & vật liệu, hóa chất, ...

Tại thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ đồng loạt đi lên khi lợi suất trái phiếu Kho bạc giảm xuống từ mức đỉnh gần đây. Nhà đầu tư đang đánh giá tác động lũy kế của các đợt nâng lãi suất của Fed, đồng thời phân tích phát biểu mới của các quan chức trong tuần này.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 387 điểm, tương đương 1,17%, và đóng cửa ở 33.391 điểm. S&P 500 tăng 1,61% lên gần 4.046 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,97% lên 11.689 điểm.

Thu Thảo

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).