|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng khoán 6/6: Hồi phục mạnh cuối phiên giao dịch, VN-Index chỉ còn giảm hơn 3 điểm, nhóm dầu khí lấy lại sắc xanh

09:44 | 06/06/2019
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán phiên 6/6, không khí giao dịch ảm đạm xuất hiện ngay từ khi mở cửa với diễn biễn trái chiều của các chỉ số. Cổ phiếu dầu khí giảm mạnh tác động tiêu cực tới thị trường.

Kết phiên, VN-Index giảm 3,2 điểm (0,34%) xuống 948,21 điểm; HNX-Index giảm 0,49% còn 103,03 điểm; UPCoM-Index giảm 0,2% xuống 54,43 điểm.

Thị trường chứng khoán 6/6: Hồi phục mạnh cuối phiên giao dịch, VN-Index chỉ còn giảm hơn 3 điểm, nhóm dầu khí lấy lại sắc xanh - Ảnh 1.

Diễn biến thị trường chứng khoán 6/6. Nguồn: Vietstock Finance

Lực cầu gia tăng cuối phiên giúp thu hẹp đáng kể mức giảm của các chỉ số. Độ rộng thị trường bớt tiêu cực với 234 mã tăng, 307 mã giảm và 188 mã đứng giá ở tham chiếu. 

Thanh khoản thị trường được đẩy mạnh vào cuối phiên với giá trị giao dịch đạt 3579,5 tỉ đồng, tương ứng khối lượng 156,7 triệu đơn vị được khớp. Trong đó, giá trị giao dịch thỏa thuận trên toàn thị trường đạt 28,7 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 995,8 tỉ đồng, riêng trên HOSE giá trị thỏa thuận là 938,7 tỉ đồng. 

Cổ phiếu vốn hóa lớn hồi phục là động lực chính hỗ trợ thị trường, kết phiên nhóm VN30 có 9 mã tăng giá và 15 mã giảm giá. Cụ thể, CTG, VRE, GMD, MSN hồi phục mạnh nhất, HPG còn giảm 4,6%. 

Nhóm dầu khí chịu áp lực bán trong suốt phiên sáng đã lần lượt đảo chiều tăng trở lại trong phiên ATC. Cụ thể POW, PVD, PXS, PVC tăng hơn 1%, PXL thu hẹp đà giảm còn 5,9%. Trong diễn biễn khác, GAS vẫn giảm 2,2%, theo sau là PLX, BSR, OIL giảm gần 1%. 

Nhóm ngân hàng phân hóa mạnh, các mã CTG, VPB, TCB, EIB đảo chiều tăng trong khi VCB, BID, MBB, HDB vẫn đóng cửa dưới giá tham chiếu. Nhóm dệt may diễn biến tiêu cực, riêng MSH tăng 0,5%. 

Đáng chú ý, cổ phiếu SIP có khối lượng dư hơn 2,58 triệu đơn vị tại mức giá trần trong suốt phiên giao dịch nhưng không khớp được cổ phiếu nào

Tính đến 14h13, VN-Index giảm 11,97 điểm (1,26%) xuống 939,44 điểm; HNX-Index giảm 0,86% còn 102,64 điểm; UPCoM-Index giảm 0,39% xuống 54,33 điểm.

Thị trường diễn biến giằng co với biên độ rộng trong nửa đầu phiên giao dịch buổi chiều. Dòng tiền 'ngần ngại' tham gia khiến thanh khoản giảm sút đáng kể so với phiên sáng.

Nhóm dầu khí vẫn là nguyên nhân chính khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Trong đó, GAS trượt mốc 100.000 đồng/cp, giảm 2,2%. Các cổ phiếu BSR, OIL, PLX, PET, PVB, PVC giảm hơn 1%, đặc biệt PXL giảm 9,7% trong khi PVL đảo chiều giảm về mức giá sàn. Trong diễn biến trái chiều, PTL tăng 5,8% lên 4.190 đồng/cp.

Bên cạnh đó, cổ phiếu 'họ Vingroup' bắt đầu gây áp lực lên chỉ số. Cụ thể, VHM giảm 1,2% xuống 79.600 đồng/cp, VRE giảm 0,3% và VIC giảm 0,1%.

Đáng chú ý, HPG giảm 5% với khối lượng khớp lệnh 5,5 triệu cổ phiếu. Cổ phiếu SIP vẫn không có lệnh bán, hiện dư mua hơn 2,65 đơn vị tại mức giá trần trong khi MPC thu hẹp mức giảm còn 500 đồng/cp.

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 4,73 điểm (0,5%) xuống 946,68 điểm; HNX-Index giảm 0,72% còn 102,79 điểm; UPCoM-Index giảm 0,22% xuống 54,42 điểm.

Áp lực bán tăng mạnh vào cuối phiên sáng khiến các chỉ số giảm điểm. Nhóm VN30 phân hoá với 7 mã giữ được sắc xanh, 7 mã đứng giá tham chiếu và các mã còn lại chìm trong sắc đỏ, trong đó giảm mạnh nhất là GAS, VHM, HPG, VNM.

Tổng khối lượng giao dịch trên toàn thị trường đạt hơn 66,6 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 1434,2 tỉ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận trên HOSE đạt hơn 11,3 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 384,4 tỉ đồng.

Cổ phiếu dầu khí tiếp tục chịu áp lực 'xả', hiện có 7 mã giảm hơn 1%, đặc biệt PXL giảm 3,2%, PET giảm 2,6 % và BSR giảm 2,3%. Ngược lại, PVL tạm dừng giao dịch ở giá trần.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản diễn biến phân hóa, trong đó nổi bật là TV2 tăng 5,3% trong phiên đầu tiên chuyển sàn.

Đáng chú ý, cổ phiếu SIP vẫn chưa có đơn vị nào được khớp lệnh, hiện dư mua hơn 2,79 đơn vị tại mức giá trần trong khi MPC tạm dừng ở 33.600 đồng/cp, tương ứng giảm 2,6%.

Tính đến 10h40, VN-Index giảm 1,93 điểm (0,22%) xuống 949,33 điểm; HNX-Index giảm 0,27% còn 103,26 điểm; UPCoM-Index giảm 0,04% xuống 54,52 điểm.

Thị trường chưa có sự khởi sắc do không có dòng tiền gia nhập và thiếu vắng nhóm cổ phiếu dẫn dắt. Các chỉ số chìm trong sắc đỏ, duy nhất VN30 xanh nhẹ.

Cổ phiếu dầu khí tiếp tục bị bán mạnh. Cụ thể, PXL giảm mạnh nhất (-3,2%), theo sau là PVC (-2,9%), GAS (-1,5%), ngoài ra BSR, OIL và PVD cùng giảm 0,8%. Diễn biến trái chiều tại nhóm dầu khí, PTL tăng 1% và CNG 0,4%. Đáng chú ý, PVL đang khớp lệnh tại mức giá trần.

Một số cổ phiếu nổi bật khác là TV2, SRC, SIP, YEG. Trong đó, TV2 tăng 7% trong phiên chào sàn HOSE, YEG tăng 4,7% sau thông tin mua cổ phiếu quỹ trong khi SRC tiếp tục tăng trần.

Đáng chú ý, SIP dư mua hơn 2,9 triệu đơn vị tại mức giá trần trong khi không có cổ phiếu nào được bán ra. Ngược lại, MPC giảm tiếp 1,4% xuống còn 34.000 đồng/cp.

Tính đến 9h40, VN-Index giảm 0,8 điểm (0,08%) xuống 950,61 điểm; HNX-Index giảm 0,25% còn 103,28 điểm; UPCoM-Index giảm 0,13% xuống 54,47 điểm.

Không khí giao dịch ảm đạm xuất hiện ngay từ đầu phiên. Một số cổ phiếu vốn hoá lớn như GAS, PLX, HPG giảm mạnh gây áp lực lên thị trường trong khi BID, MSN, FPT góp phần kìm hãm đà giảm của chỉ số.

Cổ phiếu ngân hàng diễn biến tích cực với sắc xanh từ BID, CTG, MBB, TCB, riêng cổ phiếu VCB đang giao dịch ở giá tham chiếu.

Đáng chú ý, áp lực giảm điểm của thị trường đến từ các cổ phiếu nhóm dầu khí do tác động tiêu cực của giá dầu thô. Trong đó, GAS, PVS, PVD, PLX, PVC đều giảm hơn 1%, ngoại trừ PXS vẫn giữ được sắc xanh.

Giá dầu hôm nay quay đầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1 sau khi chính phủ Mỹ cho biết tồn kho dầu thô nước này bất ngờ tăng. Tại thời điểm 7h30 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI giảm 0,6% xuống 52,8 USD/thùng. Cùng lúc đó, giá dầu Brent giảm 0,5% xuống 63,6 USD/thùng.

Trong diễn biến khác, thị trường chứng khoán Mỹ ngày 5/6 có phiên tăng điểm thứ hai liên tiếp trong bối cảnh nhà đầu tư ngày càng tin tưởng vào khả năng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất trong năm nay để kích thích nền kinh tế đang nguội lạnh vì cuộc chiến thương mại.

Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 207,39 điểm lên 25.539,57 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,8% lên 2.826,15 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,6% lên 7.575,48 điểm.

Sơn Tùng