Thị trường chứng khoán (23/9): VN-Index giảm hơn 11 điểm, họ dầu khí, bảo hiểm ngược dòng khởi sắc
VN-Index giảm hơn 3 điểm ngay sau phiên khớp lệnh định kỳ mở cửa (ATO). Theo quan sát, cổ phiếu nhóm bảo hiểm tăng mạnh ngay đầu phiên do thông tin tăng lãi suất của Ngân hàng nhà nước.
Đóng cửa, VN-Index giảm 11,43 điểm (0,94%) xuống 1.203,28 điểm, HNX-Index giảm 1,2 điểm (0,45%) về 264,44 điểm, UPCoM-Index tăng 0,04 điểm (0,05%) lên 88,59 điểm.
VN-Index đóng cửa ở mốc 1.203,28 điểm, giảm hơn 11 điểm tương ứng 0,94%, thanh khoản lớn hơn phiên giao dịch hôm trước. Thông tin NHNN tăng lãi suất điều hành khiến cho thị trường ảm đạm trong cả phiên cuối tuần. Tuy nghiên vẫn có số nhóm ngành ngược dòng khởi sắc như bảo hiểm, xây dựng- đầu tư công, dầu khí,...
Gần về cuối phiên, áp lực bán mạnh dần lên và VN-Index đã có thời điểm tưởng chừng không giữ được mốc 1.200 nhưng đã có sự rút chân nhẹ kịp thời để giữ mốc này. Tuy nhiên rủi ro điều chỉnh tiếp vẫn còn đó khi lực cầu quanh 1.200 vẫn rất yếu và thị trường hiện tại có lẽ chưa có thông tin nào đủ sức ủng hộ cho một cú hồi mạnh mẽ.
Tính đến 13h45, VN-Index giảm 5,74 điểm (0,47%) về 1.208,96 điểm, VN30-Index giảm 8,39 điểm (0,68%) xuống 1.220,55 điểm.
Áp lực bán gia tăng vào buổi chiều và hôm nay lại là phiên giao dịch thứ Sáu. Theo quan sát, bộ ba VCB, VIC, VHM... tiếp tục là nhân tố chính gây nên sự giảm điểm cho chỉ số chung.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 5,66 điểm (0,47%) còn 1.209,04 điểm, HNX-Index tăng 1,23 điểm (0,46%) lên 266,87 điểm, UPCoM-Index tăng 0,03 điểm (0,03%) đạt 88,58 điểm.
Càng về cuối phiên, áp lực bán diễn ra mạnh hơn tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như ngân hàng, họ Vingroup và bán lẻ khiến VN-Index tụt khỏi mốc 1.210 điểm.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn ghi nhận giao dịch khởi sắc, đặc biệt trên sàn HNX và thị trường UPCoM. Theo đó, độ rộng của thị trường chung vẫn nghiêng về bên mua với 453 mã tăng giá, 417 mã giảm giá và 205 mã đứng giá tham chiếu.
Nhóm bảo hiểm giao dịch sôi động sau thông tin tăng lãi suất của Ngân hàng nhà nước. BMI và MIG nổi bật với sắc tím trần, VNR tăng 8,2% lên 28.900 đồng/cp, BVH (+6,2%), AIC (4,7%), PVI (+4,6), BIC (+4,3%),...
Thanh khoản thị trường tiếp tục cải thiện trong phiên sáng nay, với khối lượng giao dịch cả phiên đạt 304 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 6.327 tỷ đồng, trong đó giao dịch khớp lệnh trên HOSE đạt 4.888 tỷ đồng, tăng 8,96% so với phiên trước đó.
Tính đến VN-Index tăng 0,14 điểm (0,01%) lên 1.214,84 điểm, VN30-Index giảm 3,28 điểm (0,26%) còn 1.225,66 điểm.
VN-Index tiếp tục các nhịp biến động trồi sụt đến giữa phiên sáng. Thanh khoản tính đến hiện tại tiếp tục cao hơn phiên giao dịch hôm qua với gần 4.400 tỷ đồng. Nhóm dầu khí, bảo hiểm tiếp tục thu hút dòng tiền và giao dịch tích cực hơn so với phần còn lại của thị trường.
Tính đến 9h40, VN-Index giảm 1,06 điểm (0,09%) về 1.213,64 điểm, HNX-Index tăng 1,11 điểm (0,42%) lên 266,75 điểm, UPCoM-Index tăng 0,02 điểm (0,03%) đạt 88,57 điểm.
VN-Index giảm hơn 3 điểm ngay sau phiên khớp lệnh định kỳ mở cửa (ATO). Theo quan sát, cổ phiếu nhóm bảo hiểm tăng mạnh ngay đầu phiên sau thông tin tăng lãi suất của Ngân hàng nhà nước.
Cụ thể, Ngày 22/9/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành các quyết định điều chỉnh một số mức lãi suất điều hành, trong đó có trần lãi suất huy động. Các quyết định có hiệu lực từ ngày 23/9/2022.
Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu tăng thêm 1 điểm % lên mức lần lượt là 5%/năm và 3,5%/năm. Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng tăng từ 5%/năm lên 6%/năm.
Trở lại với diễn biến của nhóm bảo hiểm, VNR dẫn đầu đà tăng với tỷ lệ 6,4%, theo sau là MIG tăng 4,7% lên 22.250 đồng/cp, BVH (+4%), BMI (+3,8%), ABI (+2,4%), PVI (1,8%), BIC (1,4%),...
Tương tự, họ dầu khí cũng có diễn biến tương đối thuận lợi với sắc xanh lan tỏa trên BSR, PVB, OIL, PVC, TDG, PVD, PVS, GAS,...
Tại thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ ngày 22/9 giảm điểm phiên thứ 3 liên tiếp khi nhà đầu tư lo ngại chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Chỉ số S&P 500 giảm 0,84% và đóng cửa ở 3.758 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 107 điểm, tương đương 0,35%, và kết phiên ở gần 30.077 điểm.
Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm mạnh nhất khi mất 1,37%, đóng cửa ở gần 11.067 điểm.