|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng khoán (23/11): Thiếu vắng dòng dẫn dắt, VN-Index giảm hơn 6 điểm

14:52 | 23/11/2022
Chia sẻ
VN-Index dừng chân ở mốc 946 điểm giảm hơn 6 điểm so với phiên trước. Thị trường giao dịch ảm đạm từ sáng với xu hướng phân hóa chi phối.

 Diễn biến các chỉ số thị trường. Nguồn: Thu Hà tổng hợp. 

Đóng cửa, VN-Index giảm 6,12 điểm (0,64%) về 946 điểm, HNX-Index giảm 3,67 điểm (1,88%) xuống 191 điểm, UPCoM-Index giảm 0,75 điểm (1,1%) xuống 67,65 điểm

VN-Index dừng chân ở mốc 946 điểm giảm hơn 6 điểm so với phiên trước. Thị trường giao dịch ảm đạm từ sáng với xu hướng phân hóa chi phối. Đã là phiên thứ 3 kể từ sau đợt hồi phục gần nhất và thị trường chưa chứng kiến phiên sụt giảm mạnh nào. Tuy nhiên, sức ép đến từ lực bán khiến VN-Index không thể níu lại sắc xanh cho thị trường. 

Quan sát trong phiên lực cầu gom hàng giá thấp kéo VN-Index trở lại trên tham chiếu, nhưng khi chỉ số này vừa chớm xanh đã nhanh chóng bị đẩy ngược trở lại. 

Nhóm thép, xây dựng nới rộng đà giảm, trong khi bất động sản tiếp tục chìm trong sắc đỏ, chỉ có một số cổ phiếu đơn lẻ trong nhóm ngân hàng, bán lẻ khởi sắc, nhưng chừng đó là không đủ sức để giữ được VN-Index trên mốc 950 điểm khi đa số các mã lớn khác đều giảm. 

Toàn thị trường ghi nhận 605 mã giảm, trong đó có tới 85 mã nằm sàn, trong khi chỉ có 260 cổ phiếu tăng và 164 mã đứng giá tham chiếu. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 636,1 triệu đơn vị, giá trị 8.917 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch khớp lệnh trên HOSE giảm hơn một nửa so với phiên trước còn 6.938 tỷ đồng.

 Thống kê thanh khoản và diễn biến của VN-Index. Nguồn: Thu Hà tổng hợp. 

Tính đến 14h00, VN-Index giảm 2,65 điểm (0,28%) về 949,47 điểm, VN30-Index giảm 4,04 điểm (0,43%) xuống 941,5 điểm.

Dòng tiền vẫn tiếp tục giao dịch ảm đạm như phiên sáng nay. VN-Index khả năng đang tiếp tục sideway tích lũy tạo nền để chờ cơ hội vượt đường MA20. Cổ phiếu nhóm xây dựng, đầu tư công hôm nay gặp áp lực điều chỉnh với loạt mã đỏ lửa như HBC, FCN, G36, BCG, VCG, PC1, ACC, VGC,...

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 1,95 điểm (0,2%) lên 954,07 điểm, HNX-Index giảm 0,57 điểm (0,29%) về 194,09 điểm, UPCoM-Index giảm 0,24 điểm (0,35%) còn 68,17 điểm.

 Diễn biến các chỉ số thị trường kết phiên sáng ngày 23/11. (Nguồn: VNDirect).

Thị trường liên tục chao liệng trong phiên chiều nay. Theo ghi nhận có thời điểm VN-Index giảm gần 9 điểm tuy nhiên lực cầu gia tăng sau đó giúp thu hẹp đà giảm của chỉ số, thậm chí dừng phiên sáng trong sắc xanh.

Tại nhóm vốn hóa lớn, hai mã BID, CTG xanh trở lại trong phiên cùng gồng đỡ thị trường. Nỗ lực đang đỡ cũng được chứng kiến ở bộ ba cổ phiếu họ Vingroup là VIC, VHM, VRE, cùng với PKX, STB, ...

Cổ phiếu BID xanh trở lại cuối phiên sáng, trở thành một trong những động lực đưa VN-Index lấy lại sắc xanh. (Ảnh: Thu Thảo).

Xu hướng phân hóa chi phối thị trường chung với nhóm ngân hàng, bán lẻ, dầu khí, hóa chất ,... giao dịch tương đối khởi sắc, trong khi cổ phiếu các ngành chứng khoán, bất động sản, sản xuất thực phẩm, ... đang làm khó nỗ lực hồi phục của VN-Index.

Về thanh khoản, khối lượng giao dịch trên HOSE đạt 234,5 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị gần 3.640,5 tỷ đồng, giảm 63,4% so với phiên sáng hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 19 triệu đơn vị với giá trị 421 tỷ đồng.

 

Tính đến 11h00, VN-Index giảm 0,01 điểm xuống 952,11 điểm, VN30-Index giảm 1,24 điểm (0,13%) về 944,3 điểm.

Thị trường phiên nay giao dịch tương đối ảm đạm khi tính đến giữa phiên sáng không có dòng cổ phiếu nào đủ lực để dẫn dắt thị trường, thanh khoản cũng ở mức rất thấp với hơn 2.700 tỷ đồng giá trị khớp lệnh trên HOSE.

Tính đến 9h40, VN-Index tăng 4,16 điểm (0,44%) lên 956,28 điểm, HNX-Index tăng 0,71 điểm (0,36%) đạt 195,37 điểm, UPCoM-Index tăng 0,3 điểm (0,44%) lên 68,71 điểm.

VN-Index rung lắc nhẹ đầu phiên sáng với các nhịp tăng giảm đan xen. Theo quan sát, nhóm vốn hóa lớn với hai đại diện chính là VIC và GAS đang là trụ đỡ lớn nhất, đóng vai trò giữ nhịp thị trường.

Theo dự báo trước đó của công ty chứng khoán, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, dòng tiền sẽ có xu hướng dịch chuyển vào nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ.

Tại thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ ngày 22/11 đồng loạt đi lên khi nhà đầu tư phớt lờ việc Trung Quốc thắt chặt chính sách COVID và hướng sự chú ý tới các báo cáo kết quả kinh doanh cũng như triển vọng lãi suất sẽ chỉ tăng nhẹ trong năm 2023.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 398 điểm, tương đương 1,18%, và kết phiên ở 34.098 điểm. S&P 500 tăng 1,36% lên gần 4.004 điểm, đánh dấu lần vượt mốc 4.000 đầu tiên kể từ tháng 9. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite cũng tăng 1,36% lên 11.174 điểm.

Thu Thảo