Thị trường chứng khoán (13/3): Dòng tiền ngoại tích cực nâng đỡ, VN-Index chỉ còn đỏ nhẹ cuối phiên
Đóng cửa, VN-Index giảm 0,2 điểm (0,02%) về 1.052,8 điểm, HNX-Index giảm 2,01 điểm (0,97%) xuống 205,85 điểm, UPCoM-Index giảm 0,4 điểm (0,52%) còn 76,38 điểm.
Thị trường kết thúc phiên giao dịch đầu tuần với mức giảm "như có như không". Tính đến cuối phiên, khối ngoại mua ròng hơn 800 tỷ đồng nhưng VN-Index nhìn chung vẫn trong trạng thái "xanh vỏ đỏ lòng". Chỉ số đóng cửa chỉ còn đỏ nhẹ chủ yếu nhờ vào một số cổ phiếu trụ như VHM, VPB, VRE, GAS, ...
Tổng giá trị giao dịch đạt 12.345 tỷ đồng, tương đương gần 704,6 triệu đơn vị cổ phiếu được mua - bán. Tính riêng trên HOSE thì thanh khoản khớp lệnh đạt trên 8.872 tỷ đồng, tăng gần 14% so với phiên cuối tuần trước.
Thị trường phiên nay diễn ra theo chiều hướng giằng co với những nhịp giảm và hồi phục đan xen nhau. Dòng tiền tập trung vào nhóm cổ phiếu bất động sản, bán lẻ, dầu khí, ... và phân hóa ở phần lớn các nhóm ngành còn lại.
Tính đến 14h00, VN-Index giảm 0,53 điểm (0,05%) về 1.052,47 điểm, VN30-Index tăng 2,29 điểm (0,22%) đạt 1.049,49 điểm.
Thanh khoản tiếp tục ghi nhận cải thiện trong phiên chiều và tập trung vào nhóm VN30 khi một số cổ phiếu trụ được khối ngoại mua ròng. Áp lực bán vẫn chiếm ưu thế trên HOSE với số mã đỏ gấp gần 3 lần số mã xanh.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 2,36 điểm (0,22%) lên 1.055,36 điểm, HNX-Index giảm 0,82 điểm (0,39%) về 207,04 điểm, UPCoM-Index giảm 0,11 điểm (0,14%) xuống 76,66 điểm.
Thị trường đảo chiều tăng giá cuối phiên sau phần lớn thời gian lình xình dưới mốc tham chiếu. Theo đó, các bluechips đảo chiều tăng giá thúc đẩy đà tăng điểm cho VN-Index như cổ phiếu VHM tăng 4,3% lên 44.700 đồng/cp, VPB (+4,1%), VRE (+4,8%), MSN (+2,3%), ...
Diễn biến trái chiều, hai ông lớn ngân hàng quốc doanh giao dịch không mấy tích cực khi BID và VCB giảm lần lượt 0,7% và 0,3%, đây cũng là hai lực cản chính của thị trường phiên sáng nay. Ngoài ra, cổ phiếu BCM, HPG, MBB đóng cửa trong sắc đỏ, gia tăng áp lực cho chỉ số chính.
Tại nhóm bất động sản, giao dịch tương đối phân hóa với HQC tăng hết biên độ, cùng với VRE, VHM, CII, SCR, DXG, LDG, QCG, HDC tăng hơn 1%. Trong khi đó, sắc đỏ bao phủ tại các mã như DXS, HDG, NLG, ACG, VPH, ITA, PDR, GVR, L14, ...
Độ rộng thị trường ghi nhận 449 mã giảm giá, 161 mã giá không thay đổi, 250 mã tăng giá. Thanh khoản toàn thị trường cải thiện so với phiên trước đó, đạt 6.063 tỷ đồng, tương đương khối lượng giao dịch gần 364 triệu đơn vị. Tính riêng trên HOSE, thanh khoản khớp lệnh tăng gần 30% so với phiên trước lên 4.570 tỷ đồng.
Tính đến 11h00, VN-Index tăng 0,15 điểm (0,01%) lên 1.053,15 điểm, VN30-Index tăng 3,39 điểm (0,32%) đạt 1.050,59 điểm.
Tính đến giữa phiên sáng, thị trường dần cân bằng trở lại, VN-Index đã tạm thời lấy lại sắc xanh nhờ nỗ lực hồi phục của nhóm cổ phiếu lớn. Sau gap giảm đầu sáng thì chỉ số chính tiếp tục vận động chậm trong biên hẹp quanh 1.050. Thanh khoản hiện tại đạt 2.900 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với phiên cuối tuần
Tính đến 9h35, VN-Index giảm 2,38 điểm (0,23%) về 1.050,62 điểm, HNX-Index giảm 0,73 điểm (0,35%) còn 207,13 điểm, UPCoM-Index giảm 0,21 điểm (0,28%) xuống 76,56 điểm.
VN-Index mở cửa tuần giao dịch mới giảm hơn 6 điểm với áp lực điều chỉnh xuất hiện ngay từ đầu phiên. Tâm lý giao dịch kém sắc có thể đến từ việc thị trường phản ứng với thông tin Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ, trở thành ngân hàng phá sản lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ.
Tuy nhiên, lực cầu sau đó dần giúp chỉ số chính cân bằng trở lại, VN30-Index có thời điểm đã trở lại vùng giá xanh nhờ giao dịch tích cực của một số bluechip như VPB, NVL, VRE, VHM, MSN, MWG SAB, VNM. Chiều ngược lại, BID, CTG, HPG, MBB là những lực cản chính của thị trường.
Tại thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ tiếp tục đi xuống trong phiên cuối tuần 10/3 khi ngân hàng Silicon Valley Bank phải đóng cửa vì thua lỗ khi giao dịch trái phiếu. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất kể từ 2008 và là vụ lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 345 điểm, tương đương 1,07%, và kết phiên ở gần 31.910 điểm. Đây là phiên giảm thứ 4 liên tiếp của chỉ số gồm 30 cổ phiếu blue chip này.
S&P 500 sụt 1,45% và đóng cửa ở gần 3.862 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm sâu nhất khi mất 1,76% và dừng ở 11.139 điểm.