|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Thị trường BĐS TP HCM sụt giảm mạnh, không có dự án nào được công nhận CĐT, DN xây dựng giảm 30-50% hợp đồng xây lắp

16:56 | 26/10/2019
Chia sẻ
9 tháng đầu năm TP HCM mới chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư 1 dự án, chấp thuận đầu tư 12 dự án. Đáng chú ý không có dự án nào được công nhận chủ đầu tư. Các DN xây dựng cũng bị sụt giảm 30-50% số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp; các nhà cung cấp thiết bị, vật tư bị sụt giảm doanh thu bán hàng

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng về xu thế sụt giảm của thị trường bất động sản TP HCM, nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn để thị trường phục hồi ổn định.

Theo đó, HoREA cho biết, trong hai năm gần đây, thị trường bất động sản TP HCM bị sụt giảm mạnh nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở.

bds2

Thị trường bất động sản TP HCM bị sụt giảm mạnh nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở. Ảnh minh họa: Báo Đầu tư.

Cụ thể, Hiệp hội dẫn số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng về nhà ở tại TP HCM trong 3 năm qua, từ 2017 đến tháng 9/2019 cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2019, TP HCM có 17 dự án hoàn thành (trong đó có 3 dự án nhà ở xã hội), với tổng diện tích đất 111,43 ha, quy mô 12.453 căn nhà, giảm 64% so với cả năm trước. 

Trong đó, có 10.085 căn hộ chung cư, 2.368 nhà ở thấp tầng; tổng diện tích sàn xây dựng 1.306.320 m2.

Đáng chú ý, trong 9 tháng qua TP HCM mới chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư 1 dự án với tổng diện tích đất khoảng 5.122 m2; chấp thuận đầu tư 12 dự án với tổng diện tích đất khoảng 495.032 m2, số lượng nhà ở 12.360 căn, gồm 11.830 căn hộ chung cư và 530 nhà ở thấp tầng. Đặc biệt không có dự án nào được công nhận chủ đầu tư trong 9 tháng đầu năm

Số liệu 9 tháng năm 2019 cũng cho thấy trên địa bàn TP HCM không có loại hình dự án về căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, officetel.

HoREA cũng cho biết, trong 9 tháng qua, các doanh nghiệp xây dựng cũng bị sụt giảm khoảng 30-50% số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp; các nhà cung cấp thiết bị, vật tư bị sụt giảm doanh thu bán hàng; các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, vật liệu xây dựng gặp khó khăn trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Trong khi đó, người lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập; các ngân hàng thương mại có thể gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ; nguồn thu ngân sách nhà nước từ tiền sử dụng đất và thị trường bất động sản có thể còn bị sụt giảm hơn nữa.

HoREA đánh giá, khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là nhiều dự án nhà ở bị "ách tắc, đứng hình" dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung dự án, thiếu nguồn cung sản phẩm, nhất là thiếu loại căn hộ nhà ở thương mại có giá bán vừa túi tiền, nhà ở xã hội. 

Tình trạng thiếu hụt sản phẩm nhà ở, nhất là căn hộ nhà ở thương mại bình dân có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội, khiến giá nhà đất tăng. Điều này làm nhiều người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp khó mua nhà.

Tình trạng mất cân bằng cung - cầu do nguồn cung quá ít trong lúc nhu cầu quá cao làm cho giá nhà dễ bị đẩy lên cao, dễ xuất hiện tình trạng đầu cơ, đầu tư lướt sóng.

Tuy nhiên, Hiệp hội đánh giá, xét về bản chất, thị trường bất động sản TP HCM không xấu, do tổng cầu về nhà ở có khả năng thanh toán vẫn cao và sức mua, tính thanh khoản vẫn tốt. 

Thị trường bất động sản hiện nay đang lâm vào tình thế khó khăn có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường, dẫn đến quy mô thị trường bị sụt giảm trong 2 năm gần đây.

Do đó, HoREA khuyến cáo, nếu không có các biện pháp xử lý hiệu quả thì có thể còn tiếp tục bị sụt giảm trong thời gian tới, dẫn đến một số doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể có nguy cơ phá sản.

Khánh Hà