'Thị trường bảo hiểm nhân thọ tiếp tục cạnh tranh gay gắt, thứ hạng thị phần có thể sớm thay đổi'
Thị trường bảo hiểm tiếp tục cạnh tranh khốc liệt
Trong báo cáo về ngành bảo hiểm mới công bố, Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) đánh giá thị trường bảo hiểm trong năm vừa qua vẫn tiếp tục canh tranh gay gắt.
Theo đó, trong số 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu, chỉ có Bảo Việt và PVI có thị phần giảm trong 9 tháng đầu năm 2020.
Trong khi, tại 10 công ty bảo hiểm nhân thọ hàng đầu, có 6 công ty tăng thị phần bao gồm Manulife, AIA, Generali, MB Ageas, FWD và AVIVA và 4 công ty mất thị phần gồm Baoviet Life, Prudential, Dai-i-chi Life, Chubb Life, Hanwha Life.
Báo cáo cũng chỉ ra việc Manulife hoàn tất việc mua lại AVIVA Việt Nam vào cuối năm ngoái đã giúp thị phần bảo hiểm nhân thọ của công ty này tăng lên khoảng 18,5%, xếp sau Prudential với 18,8%.
SSI Research nhận định rằng nếu duy trì được đà tăng trưởng doanh thu khai thác mới như hiện nay, Manulife có thể chiếm vị trí thứ 2 thị trường bảo hiểm nhân thọ trong vòng 1 đến 2 quý tới.
Trong tháng 11 và tháng 12/2020, có hai hợp đồng bancassurance độc quyền lớn được ký kết giữa ACB và SunLife Việt Nam; VietinBank và Manulife. SSI Research kỳ vọng điều này sẽ tạo ra nhiều thay đổi hơn nữa vào năm 2021 trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bảo hiểm nhân thọ.
Một trong những thay đổi có thể diễn ra là thị phần của AIA giảm do kết thúc hợp đồng phân phối sản phẩm bảo hiểm với ACB. ACB đã đóng góp khoảng 10% tổng doanh thu phí bảo hiểm của AIA Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020. Trong khi đó, Manulife và SunLife có thể mở rộng doanh thu phí bảo hiểm mạnh hơn nữa.
Doanh thu phí bảo hiểm sẽ tăng trưởng tốt hơn trong năm 2021?
SSI Research dự báo tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc trong năm 2021 sẽ cao hơn 2020 tại cả mảng bảo hiểm nhân thọ (ước tính tăng 22%) và phi nhân thọ (ước tính tăng 10-12%).
Dự báo được đưa ra dựa trên quan điểm dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát và các hoạt động bán hàng có thể phục hồi về thời điểm trước dịch bệnh, nền kinh tế hồi phục. Cùng với đó, khối bảo hiểm nhân thọ còn được hưởng lợi nhờ các hợp đồng bancassurance độc quyền mới được ký kết.
Ngoài ra, việc mở rộng tài sản quản lý (AUM) sẽ là động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận của các công ty bảo hiểm vào năm 2021.
Tuy nhiên, nhóm phân tích không kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận sẽ tương đương tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm do các yếu tố hỗ trợ lợi nhuận trong năm 2020 như thị trường cổ phiếu sôi động và tỷ lệ bồi thường cải thiện có thể không lặp lại vào năm 2021.
Lãi suất bình quân năm 2021 ước tính thấp hơn mức trung bình năm 2020 từ 0,75 đến 0,85 điểm %. Do đó, tăng trưởng thu nhập tài chính sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào việc mở rộng AUM.
Mặt khác, SSI Research đánh giá môi trường lãi suất thấp kéo dài sẽ làm cho lợi nhuận đầu tư gặp khó khăn và làm giảm lợi nhuận của các công ty bảo hiểm khi phần lớn danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm là tiền gửi ngân hàng và trái phiếu chính phủ.
Đồng thời, nếu lợi suất trái phiếu chính phủ giảm hơn nữa, gánh nặng sẽ đặt lên dự phòng kỹ thuật bảo hiểm nhân thọ, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận kế toán.
Ngoài ra, SSI Research tin rằng xu hướng chi phí tái bảo hiểm tăng sẽ tiếp tục trong trung hạn khi các công ty tái bảo hiểm quốc tế tăng giá tái bảo hiểm. Hậu quả quan trọng của việc này là các công ty bảo hiểm có thể không thể duy trì các hợp đồng tái cố định và buộc phải chuyển sang các hợp đồng tái tạm thời, ảnh hưởng đến năng lực của bảo hiểm phi nhân thọ.