|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam: Tiềm năng lớn, nhưng chưa mặn mà

15:22 | 22/10/2016
Chia sẻ
Nhiều năm qua, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam liên tục tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng nếu so 5,7 triệu hợp đồng bảo hiểm với con số hơn 90 triệu dân, thì bảo hiểm nhân thọ vẫn chiếm một thị phần quá ít ỏi. Nguyên nhân của tình trạng này phần nhiều do cung và cầu của thị trường bảo hiểm nhân thọ vẫn chưa gặp nhau, dù thời gian qua các doanh nghiệp bảo hiểm cố gắng khơi thông.

Dân chưa mặn mà

Chị Đỗ Thị Tuyến (43 tuổi, Hưng Yên) không may bị tai nạn giao thông, phải cưa bỏ một chân. Đang là lao động chính trong nhà, nay chị phải nằm một chỗ để điều trị vết thương và sau này nếu có khỏe lại chị cũng không thể lao động như trước khi đã mất đi một phần cơ thể. Một năm trước, chị được nhân viên một công ty bảo hiểm mời chào nhiều gói sản phẩm, từ bảo hiểm thân thể, đến bảo hiểm tai nạn, nhưng vì tâm lý e ngại nên chị từ chối mua. Nghĩ lại, chị trách mình đã không phòng trước những lúc rủi ro trong tương lai. Nếu lúc đó chị kiên quyết hơn, rất có thể, hai con chị, một cháu đang học đại học và một đang học lớp 12 sẽ bớt đi một phần gánh nặng và yên tâm học tập.

Trên cả nước sẽ có rất nhiều trường hợp như chị Tuyến, do chưa có hiểu biết, nên chưa có kế hoạch bảo vệ cho cá nhân và gia đình chống lại sự bất ổn định về tài chính gây ra bởi các bất hạnh như: Tử vong, thương tật, đau ốm hoặc người trụ cột trong gia đình qua đời để lại một gánh nặng nghĩa vụ chưa kịp hoàn thành.

Phần lớn người Việt chưa có thói quen mua bảo hiểm (ảnh minh họa).

Cũng vì ý thức tham gia bảo hiểm của người dân chưa cao, nên hằng năm khi các vụ tai nạn lao động xảy ra, người lao động chính của gia đình không may gặp nạn, thì không ít em nhỏ đã không có điều kiện được học tập và chăm sóc. Theo thống kê số 543/TB-LĐTBXH của Bộ Lao động thương binh và xã hội cho thấy, mỗi năm cả nước có hơn 600 người chết vì tai nạn lao động, nhất là trong những năm gần đây số vụ tai nạn lao động, và số người bị tai nạn lao động có chiều hướng gia tăng. Tai nạn lao động chủ yếu tập trung nhiều trong lĩnh vực xây dựng và khai khoáng, thợ gia công kim loại, thợ cơ khí, thợ vận hành máy móc, thiết bị. Ngoài ra, các bệnh nghề nghiệp ở Việt Nam cũng không ngừng tăng lên. Hiện có khoảng 30 nghìn người lao động mắc bệnh nghề nghiệp, nhất là các bệnh liên quan đến hô hấp và tiêu hóa.

Dù nằm trong nhóm những nước có số người bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cao, nhưng tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm ở nước ta lại thuộc mức thấp. Hiện nay ở những nước phát triển, tỉ lệ người dân tham gia các loại bảo hiểm, nhất là bảo hiểm nhân thọ chiếm khoảng 90%, còn ở nước ta số người tham gia loại hình bảo hiểm này chỉ khoảng 8% dân số. Theo ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng thư ký phụ trách, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam - nguyên nhân của việc dân không mặn mà tham gia bảo hiểm một phần là do người dân chưa có những hiểu biết đầy đủ và cần thiết về bảo hiểm nhân thọ. Thêm vào đó, khâu tuyên truyền về bảo hiểm nhân thọ tới mọi người dân vẫn chưa được rộng rãi, thường xuyên và liên tục, dẫn đến việc cung - cầu chưa gặp nhau, nhất là phân khúc dành cho những đối tượng ở nông thôn. “Ở các nước, người ta còn giáo dục cho người dân thấy được sự cần thiết tham gia bảo hiểm và phải tiết kiệm thu nhập của mình để mua bảo hiểm. Nhưng ở Việt Nam, quan niệm chỉ có những người thừa tiền mới mua bảo hiểm, thứ hai là theo thói quen. Đặc biệt, người Việt Nam vẫn còn tư tưởng dựa vào bao cấp của nhà nước. Ví dụ như bị ốm đau, thiên tai gây thiệt hại đều trông chờ ở nhà nước. Hay việc tăng học phí, viện phí theo kinh tế thị trường thì có nhiều ca thán mà chưa dùng đến một biện pháp bảo hiểm để lo cho sự biến động nói trên” - ông Dũng phân tích.

Vì những lý do này, mà dù đã phát triển được gần 20 năm nhưng thị trường bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam vẫn còn khá non trẻ, số lượng người tham gia còn rất khiêm tốn. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho các doanh nghiệp ngành bảo hiểm trong việc thu hút người dân cùng tham gia.

Năm 2016, dự báo nhiều khởi sắc

Theo Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm, trực thuộc bộ Tài chính, quý I/2016, thị trường bảo hiểm nhân thọ tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững với doanh thu khai thác mới đạt hơn 3.338 tỉ đồng, tăng 60,08% so với cùng kỳ. Đây là tốc độ tăng trưởng cao dù mới chỉ 3 tháng đầu năm, cho thấy nỗ lực của cơ quan quản lý và của chính doanh nghiệp bảo hiểm trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm mới - nhất là sản phẩm bảo hiểm hưu trí.

Cùng với việc đạt được tốc độ tăng trưởng cao năm 2015, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã đầu tư vào nền kinh tế từ dự phòng nghiệp vụ và vốn chủ sở hữu ước đạt 152.540 tỉ đồng, tăng 18% so với năm 2014 (129.000 tỉ đồng). Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có các doanh nghiệp Bảo hiểm nhân thọ đã mua trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 30 năm giá trị trên 6.000 tỉ đồng, thể hiện vai trò của ngành bảo hiểm là kênh huy động vốn trung và dài hạn của Chính phủ….

Năm 2016, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đón nhận nhiều cơ hội cũng như thử thách. Việc chuẩn bị triển khai các Hiệp định thương mại như TPP (Hiệp định thương mại Châu Á Thái Bình Dương) hay các FTA (Hiệp định thương mại tự do) và các khối cộng đồng kinh tế ASEAN… sẽ tạo ra nhiều nhu cầu để doanh nghiệp bảo hiểm khai thác.

Ngoài ra, trong thời gian tới, chế độ quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm sẽ được tăng cường với việc sửa đổi, bổ sung Nghị định thay thế các nghị định hướng dẫn thi hành luật kinh doanh bảo hiểm; xử lý hình sự các hành vi trục lợi bảo hiểm…, vì vậy cần đòi hỏi các doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ pháp luật, nâng cao năng lực quản trị và điều hành, qua đó cải thiện năng lực cạnh tranh tốt hơn. Hiện nay với Nghị định 73/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 1.7.2016 sẽ phần nào hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm của nước ta.

Đặc biệt, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 với các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; quy định về giảm thuế thu nhập cá nhân một số lĩnh vực; mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động..., sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, người lao động tăng thu nhập, theo đó tỉ lệ doanh nghiệp, người lao động tham gia bảo hiểm dự báo sẽ gia tăng nhanh chóng…

Trong những năm gần đây, Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là thị trường nhiều tiềm năng cho ngành bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, khi nhắc đến việc mua bảo hiểm, đa phần người dân vẫn còn có tâm lý e ngại, hoặc thấy không cần thiết, lý do là vì người dân vẫn chưa hiểu đúng về bảo hiểm nhân thọ cũng như tầm quan trọng của việc tham gia loại hình này.

Cũng theo ông Dũng nhận định, dù có khó khăn, nhưng nếu doanh nghiệp bảo hiểm khai thác thành công những phân khúc mới, thì thị trường bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam sẽ rất phát triển. Ông dự báo năm 2016, kinh doanh bảo hiểm nhân thọ sẽ đạt mức tăng trưởng trên 30% và sẽ ngày càng thể hiện là hoạt động đầu tư có nhân văn.

Theo Mai Châu