|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thêm một doanh nghiệp có nguy cơ huỷ niêm yết giống HAGL sau loạt hồi tố số liệu BCTC

18:06 | 24/02/2022
Chia sẻ
Sau khi điều chỉnh hồi số liệu năm 2019 và 2020 đã khiến VC9 lỗ đậm, lỗ luỹ kế hết năm 2021 vượt vốn góp của chủ sở hữu và đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết trên HNX.

CTCP Xây dựng số 9 (Mã: VCE) vừa công bố tài liệu xin ý kiến cổ đông bằng văn bản. Đáng chú ý trong đó có tờ trình điều chỉnh số liệu báo cáo tài chính theo ý kiến kiểm toán.

Theo đó, HĐQT trình cổ đông thông qua việc điều chỉnh số liệu báo cáo tài chính năm 2019 và 2020. Trích bổ sung giá vốn hàng bán năm 2019 bị ghi nhận thiếu gần 59,5 tỷ đồng, trích dự phòng nợ quá hạn thanh toán và khó thu hồi năm 2019 255 triệu đồng.

Với năm 2020, VCE dự kiến trích bổ sung giá vốn hàng bán bị ghi nhận thiếu gần 86 tỷ đồng cùng với việc trích dự phòng nợ quá hạn thanh toán và khó thu hồi năm 2020 là hơn 101 triệu đồng.

Sau hồi tố, lợi nhuận sau thuế của VC9 năm 2019 sẽ chuyển từ dương 910 triệu đồng sang âm gần 59 tỷ, khoản lỗ năm 2020 là gần 21 tỷ sẽ tăng lên 107 tỷ đồng sau khi điều chỉnh giá vốn.

Thêm một doanh nghiệp có nguy cơ huỷ niêm yết giống HAGL sau loạt hồi tố số liệu BCTC - Ảnh 1.

Nguồn: Tài liệu Đại hội đồng cổ đông.

Trên báo cáo kiểm toán độc lập năm 2019 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, đơn vị kiểm toán nêu ý kiến: "Trong năm, công ty chưa ghi nhận đầy đủ giá vốn hàng bản tương ứng vói doanh thu đã ghi nhận của một số công trình xây dựng với số tiền 29,5 tỷ theo các quy định kế toán hiện hành ở Việt Nam".

Tiếp đó, báo cáo tài chính năm 2020 được kiếm toán bởi Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán Nam Việt (AASCN) cũng nêu ý kiến rằng: "Trong năm, công ty chưa ghi nhận đầy đủ giá vốn hàng bán tương ứng với doanh thu đã ghi nhận của một số công trình xây dựng với số tiền 111 tỷ theo các quy định kế toán hiện hành ở Việt Nam".

HĐQT của VC9 cho biết đã tiến hành rà soát lại và phối hợp với kiểm toán AASC để thống nhất số liệu. Kết quả là giá vốn hàng bán năm 2019 bị ghi nhận thiếu gần 59,5 tỷ đồng, giá vốn hàng bán năm 2020 bị ghi nhận thiếu gần 86 tỷ đồng.

VC9 cho biết, các nguyên nhân chính dẫn tới giá vốn hàng bán chưa ghi nhận đầy đủ trong năm 2019 và 2020 như sau:

- Đối với công trình đã ghi nhận hết doanh thu: Năm 2019 và 2020 công ty chưa kết chuyển đầy đủ giá vốn tương ứng với doanh thu đã ghi nhận, phần giá vốn chưa kết chuyển đang được công ty phản ánh trên khoản mục "Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang" thời điểm 31/12/2019 và 31/12/2020. Theo đó phần giá vốn ghi nhận thiếu cần phải được ghi nhận bổ sung đảm bảo nguyên tắc phù họp trong kế toán.

- Đối với công trình đang thi công dở dang tính đến ngày 31/12/2019 và 31/12/2020: Công ty đã ghi nhận giá vốn theo con số tạm tính theo tỷ lệ giá vốn trên doanh thu thấp hơn so với giá vốn ước tính tại phương án kinh doanh đã xây dựng và chi phí thực tế của công trình đã tập hợp tương ứng với doanh đã ghi nhận đến 31/12/2019 và 31/12/2020.

Đối với các khoản nợ phải thu khó đòi, VC9 cho biết hầu hết là khoản công nợ phát sinh từ trước năm 2016, công ty đã thực hiện các biện pháp để thu hồi nhưng chưa đạt.

Thêm một doanh nghiệp có nguy cơ huỷ niêm yết giống HAGL sau loạt hồi tố số liệu BCTC - Ảnh 2.

Vinaconex 9 tham gia Dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất. (Ảnh: VC9).

Theo báo cáo tài chính quý IV do VC9 tự lập ghi nhận công ty đã điều chỉnh số liệu hồi tố. Năm 2021, VC9 đạt 210 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 72% và gần 1,7 tỷ đồng lãi sau thuế trong khi năm 2020 lỗ 107 tỷ.

Sau điều chỉnh hồi tố, khoản lỗ luỹ kế của VC9 tại thời điểm cuối năm 2021 là 164 tỷ đồng, vượt vốn góp của chủ sở hữu là 120 tỷ. 

Theo quy định 639/QĐ-SGDHN về Quy chế niêm yết chứng khoán tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) hoặc Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán cũng quy định sẽ huỷ niêm yết bắt buộc với trường hợp "kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán trước thời điểm xem xét". 

Dù chưa công bố báo cáo kiểm toán năm 2021 nhưng nếu số liệu sau kiểm toán không có sự khác biệt so với báo cáo tự lập thì VC9 sẽ phải đối diện với nguy cơ huỷ niêm yết bắt buộc.

Trước VC9, cổ phiếu HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cũng phải đứng trước nguy cơ huỷ niêm yết sau khi điều chỉnh hồi tố số liệu báo cáo tài chính khiến lợi nhuận sau thuế của công ty trong các năm 2017, 2018 và 2019 âm.

Vụ việc của HAGL đã gây ra nhiều tranh cãi trên thị trường chứng khoán dưới góc độ quyền lợi của cổ đông và làm lộ ra kẽ hở của các quy định ở Luật Chứng khoán và quy chế niêm yết. 

Kết phiên 24/2, cổ phiếu VC9 dừng ở mốc 12.600 đồng/cp. Cổ phiếu VC9 vào diện kiểm soát từ 30/3/2021 do lợi nhuận sau thuế năm 2019 và 2020 âm và chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần. 

VC9 từng là doanh nghiệp hạng I trực thuộc Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã: VC9). Giữa tháng 11/2021, Vinaconex đã hoàn tất thoái gần 37% vốn tại VC9.

VC9 hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, xây dựng nhà ở, các công trình giao thông, thủy lợi, bưu điện, cấp thoát nước, nền móng, các công trình kỹ thuật hạ tầng đô thị, khu công nghiệp, các công trình đường dây và trạm biến thế điện.

Bên cạnh tờ trình hồi tố số liệu báo cáo tài chính, VC9 còn muốn đổi tên công ty thành CTCP Xây dựng số 9 - VC9, tên viết tắt đổi từ Vinaconex 9 JSC thành VC9.

Hoàng Kiều