Thêm giải pháp tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành rất cần thiết và kịp thời, góp phần ổn định giá xăng dầu trong nước. Đồng thời, hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất - kinh doanh, phù hợp với quan điểm và mục tiêu tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa - tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Xung quanh nghị quyết này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính.
Trong những tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng cao do nhu cầu tiêu thụ tăng trong bối cảnh phục hồi kinh tế và căng thẳng Nga - Ukraine. Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA), giá dầu WTI bình quân giao ngay tháng 3/2022 đạt 108,5 USD/thùng, tăng 18,4% so với tháng 2/2022 và tăng 74,1% so với tháng 3/2021; giá dầu Brent bình quân giao ngay ở mức 117,25 USD/thùng, tăng 20,71% so với tháng 2/2022 và tăng 79,3% so với tháng 3/2021.
Việc giá xăng, dầu tăng cao sẽ gây áp lực lớn đến chi phí sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như tiêu dùng của người dân, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan có liên quan nghiên cứu trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Tôi cho rằng, Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 được ban hành kịp thời, góp phần ổn định giá xăng dầu trước biến động của giá dầu thô trên thị trường thế giới. Từ đó, làm hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, ổn định lạm phát, hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất - kinh doanh, phù hợp với quan điểm và mục tiêu tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa - tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ước tính của Bộ Tài chính, việc giảm thuế bảo vệ môi trường theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 23.954 tỷ đồng, nhưng chính sách trên đã thể hiện sự chia sẻ khó khăn của Nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn nêu trên vẫn đảm bảo trong khung thuế được quy định tại Luật Thuế bảo vệ môi trường nên vẫn đảm bảo nguyên tắc phù hợp với mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế.
Phóng viên: Có một số ý kiến cho rằng, thuế nhập khẩu cũng là một công cụ chính sách phù hợp, có thể được sử dụng để linh hoạt điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước. Theo ông có cần điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với xăng không?
Tiến sĩ Nguyễn Như Quỳnh: Về thuế nhập khẩu ưu đãi, Nghị định số 57/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/5/2020 quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng là 20%; các mặt hàng dầu diezen, mazut, dầu hỏa và nhiên liệu bay là 7%.
Hiện nay, xăng, dầu nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu từ thị trường các nước ASEAN, Hàn Quốc với mức thuế nhập khẩu FTA là 8% đối với xăng và 0% đối với dầu. Thời gian gần đây, do dịch bệnh phức tạp ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng nên lượng xăng, dầu nhập khẩu theo thuế suất MFN có xu hướng tăng nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 6% tổng nhu cầu xăng dầu tiêu thụ của cả nước.
Dự báo thời gian tới, khi dịch bệnh được kiểm soát và các chuỗi cung ứng được phục hồi, tỷ trọng xăng dầu nhập khẩu theo thuế suất FTA sẽ tăng trở lại.
Phóng viên: Vậy, ông so sánh như thế nào về giá xăng dầu hiện nay của Việt Nam với các nước trong khu vực?
Tiến sĩ Nguyễn Như Quỳnh: Theo công bố của GlobalPetrolPrice.com, giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam ngày 04/4/2022 đứng ở vị trí thứ 79/170 nước, thấp hơn cả 3 quốc gia láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia và một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Philippines.
Do đó, việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 nêu trên theo tôi là phản ứng chính sách rất linh hoạt nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước trên cơ sở phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước. Đồng thời, thể hiện nỗ lực, quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ trong việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.