|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thêm cửa xuất khẩu cho hàng Việt

15:00 | 03/06/2017
Chia sẻ
Năm 2017, Bộ Công thương sẽ kết nối doanh nghiệp Việt với các tập đoàn phân phối lớn của châu Âu và châu Á như Auchan, Casino, Central Group, Aeon... để hàng Việt có thêm “cửa” xuất khẩu vào các hệ thống phân phối nước ngoài.
them cua xuat khau cho hang viet

Hàng hóa do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hoàn toàn có cửa để xuất khẩu trực tiếp qua hệ thống phân phối hàng hóa tại các thị trường lớn như Casino của Pháp, Metro Cash & Carry và Sehrgros Đức, Makro (Cộng hòa Séc); Coop và Conad (Italia), Aeon và Lotte ở châu Á… Đây là khẳng định của lãnh đạo Bộ Công thương và các doanh nghiệp sau một thời gian xúc tiến đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài.

Theo ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương), những năm qua, Bộ Công thương đã phối hợp với các nhà phân phối châu Âu và châu Á tổ chức Chương trình Tuần hàng Việt Nam nhằm quảng bá hàng trong nước và kết nối trực tiếp doanh nghiệp Việt với các chuỗi phân phối. Cụ thể, từ năm 2011 đến nay, Bộ đã tổ chức được 10 sự kiện “Tuần hàng Việt Nam” tại châu Âu, châu Á, mang lại hiệu quả thiết thực cho cả hai bên.

Ông Hải cho biết, các chuyến đi trên đã nâng kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam vào hệ thống Aeon (Nhật Bản) từ 18,2 tỷ yên năm 2013 lên 23,4 tỷ yên trong năm 2014. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt vào hệ thống Lotte (Hàn Quốc) đạt 19,6 triệu USD năm 2014. Kim ngạch xuất khẩu hàng Việt của Casino tăng mạnh lên 27 triệu USD trong năm 2014 và 30 triệu USD trong năm 2015.

Theo ông Nishitoghe Yasuo, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Việt đã xuất khẩu nhiều sản phẩm qua kênh siêu thị Aeon, như cá tra, trái cây, hàng may mặc, thực phẩm, gia dụng... Năm 2016, hệ thống Aeon nhập khẩu khoảng 200 triệu USD hàng Việt, trong đó chủ yếu là sản phẩm may mặc, thực phẩm. Dự kiến, lượng hàng hóa mà Aeon nhập khẩu từ Việt Nam còn gia tăng trong những năm tiếp theo.

Trong khi đó, chuỗi hệ thống siêu thị Big C, sau khi được Tập đoàn Central Group (Thái Lan) mua lại, cũng gia tăng thêm các cơ hội để hàng Việt vào hệ thống Big C và xuất khẩu qua hệ thống phân phối này ở nhiều thị trường lớn. Theo ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch phụ trách đối ngoại và pháp lý thuộc Central Group, các doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu qua kênh phân phối và bán hàng qua hệ thống siêu thị Big C. Năm 2015, Tập đoàn đã lập một công ty ở Việt Nam để thu mua, xuất khẩu hàng Việt, với doanh số khoảng 25 triệu USD qua thị trường châu Âu.

Thời gian tới, việc xúc tiến hoạt động đưa hàng Việt xuất khẩu qua hệ thống phân phối nước ngoài sẽ tiếp tục được Bộ Công thương đẩy mạnh, đổi mới cách làm để gia tăng hiệu quả xúc tiến xuất khẩu. Cụ thể, trong năm 2017, Bộ Công thương sẽ tổ chức kết nối đoàn doanh nghiệp Việt với 7 tập đoàn phân phối lớn của châu Âu và châu Á như Auchan, Casino, Central Group, Aeon...

Mục tiêu hướng đến là tăng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài, trước mắt là các hệ thống phân phối đã hiện diện tại Việt Nam và tiếp đến là các hệ thống phân phối lớn khác. Đồng thời, tăng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài theo từng năm của những nhóm hàng xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giày, thủy sản, cà phê, chè, rau quả, đồ gỗ nội thất...

Ngoài ra, phấn đấu đến năm 2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp vào tất cả các hệ thống phân phối lớn tại khu vực châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Đông Bắc Á, tại các quốc gia ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam theo đúng tinh thần của Đề án “Thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp tham gia các mạng phân phối nước ngoài đến 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thế Hải