|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thế Giới Di Động, FPT Retail, Digiworld,... đã đón sóng thiếu chip như thế nào?

07:13 | 26/05/2021
Chia sẻ
Trước thực trạng thiếu chip trên thế giới, nhiều hãng phân phối và bán lẻ sản phẩm công nghệ tại Việt Nam đã chuẩn bị trữ hàng tồn kho từ đầu năm.

Đầu tháng 4, Nikkei Asia đưa tin hoạt động sản xuất iPad và MacBook của Apple đang bị đình trệ bởi tình trạng thiếu chip trên toàn cầu. 

Trong khi đó, Samsung - hãng sản xuất smartphone lớn nhất thế giới cũng lên tiếng xác nhận rằng sự cố thiếu cung chất bán dẫn có nguy cơ gây hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý II và cho biết nội bộ công ty đang làm việc ngày đêm để giải quyết khó khăn này.

Các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản và Đức đã thẳng thừng yêu cầu hai nhà sản xuất chip lớn là Đài Loan và Hàn Quốc ưu tiên các đơn hàng cho ngành công nghiệp ô tô vì đây là một lĩnh vực quan trọng đối với nền kinh tế thế giới. Điều này đã đẩy nguồn cung chip dành cho các sản phẩm máy tính và thiết bị điện tử tiêu dùng ngày càng hạn hẹp hơn.

Trước thực trạng đó, các nhà phân phối công nghệ cũng như các hãng bán lẻ tại Việt Nam đã có sự chuẩn bị ngay từ đầu năm, với lượng hàng tồn kho tăng mạnh khi kết thúc quý I/2021.

Các đại gia công nghệ Việt đón sóng thiếu chip như thế nào? - Ảnh 1.

Trữ hàng ngay từ đầu năm

Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021 được CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG) công bố, ghi nhận những thay đổi đáng chú ý trong cơ cấu tài sản. Tổng tài sản cuối kỳ đạt gần 50.000 tỷ đồng, tăng 3.855 tỷ so với thời điểm đầu năm, mức tăng chủ yếu do hàng tồn kho tăng.

Giá trị hàng tồn kho cuối kỳ đã tăng từ 19.422 tỷ đồng lên 23.253 tỷ đồng. Đáng kể nhất là sản phẩm điện thoại di động tồn kho hơn 5.639 tỷ đồng, tăng so với 3.509 tỷ đồng đầu năm; thiết bị điện tử tăng 1.350 tỷ đồng lên 8.385 tỷ đồng.

Tăng mạnh hàng tồn kho khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của MWG trong quý I/2021 âm 1.859 tỷ đồng, trong khi cùng thời điểm năm ngoái dương 3.829 tỷ đồng. Song công ty vẫn giữ hơn 14.827 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn.

Lãnh đạo MWG cho biết tình trạng thiếu chip bán dẫn trên thế giới là nguyên nhân MWG đã dự phòng tăng hàng tồn kho trong quý I năm nay so với năm ngoái.

"Đối với MWG thì điều này chưa có tác động gì trong ngắn hạn. Trong tương lai kéo dài bao lâu thì ít nhiều cũng có tác động đến tình hình kinh doanh của MWG. Trong quý I hàng tồn kho tăng và sắp tới cũng tăng thêm chút nữa vì chúng tôi thấy được vấn đề này và đang chuẩn bị hàng cho việc này", ông Hiểu Em chia sẻ.

Các đại gia công nghệ Việt đón sóng thiếu chip như thế nào? - Ảnh 2.

MWG đang trữ hàng tồn kho, điện thoại và điện máy. (Nguồn: MWG).

Một đơn vị khác là CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã: FRT) cũng ghi nhận lượng hàng tồn kho tăng cao khi kết thúc quý I/2021. Cụ thể, tại ngày 31/3/2021, tổng tài sản của FPT Retail đạt 7.572 tỷ đồng, tăng 41% so với con số đầu năm.

Trong đó, hàng hoá tồn kho trên 2.482 tỷ đồng, tăng hơn 655 tỷ đồng so với đầu năm. Theo thuyết minh tài chính, trong kỳ FPT Retail cũng đã tăng mua hàng của Samsung Việt Nam và Digiworld - đơn vị phân phối độc quyền các sản phẩm Xiaomi tại Việt Nam. Nhưng cũng đồng thời giảm mua hàng điện tử từ Apple Việt Nam.

Đáng chú ý nhất, cuối kỳ, FPT Retail đã tăng mạnh khoản tiền mặt và tương đương tiền từ 1.489 tỷ đồng đầu năm lên 2.653 tỷ đồng, tức gần gấp đôi.

Công ty cho biết nhận thấy tiềm năng mảng laptop, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 khi nhiều người phải làm việc từ xa, trong ba tháng đầu năm, FPT Retail đã mở mới 68 trung tâm laptop. Doanh số ghi nhận tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. 

Riêng về chuỗi FPT Shop, kết thúc quý I, công ty đang sở hữu 601 điểm bán, chỉ xếp sau đơn vị bán lẻ điện tử là MWG. Do đó, tăng lượng tồn kho để đảm bảo nguồn cung hàng hoá trong bối cảnh thiếu chip cũng là một xu hướng tất yếu của FPT Retail.

Các đại gia công nghệ Việt đón sóng thiếu chip như thế nào? - Ảnh 3.

FPT Retail tăng mua hàng của Samsung và Digiworld. (Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý I).

Hưởng lợi nhờ tình trạng thiếu chip

Không chỉ các đại gia bán lẻ mới sốt sắng trữ hàng, nhà phân phối như Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco, mã: PET) cũng ghi nhận lượng hàng tồn kho tăng 53% lên hơn 1.206 tỷ đồng vào cuối quý I/2021.

Trong quý I, doanh thu thuần của Petrosetco đã tăng 48% so với cùng kỳ năm trước lên 4.213 tỷ đồng. Trong đó, các sản phẩm của Apple đã đóng góp một lượng doanh thu không nhỏ cho doanh nghiệp trong quý.

Petrosetco bắt đầu phân phối các sản phẩm của Apple từ tháng 6/2020. Riêng trong tháng đầu năm 2021, doanh thu từ các sản phẩm của Apple ước mang về cho Petrosetco khoảng 1.000 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 25% tổng doanh thu.

Công ty cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển mảng phân phối điện thoại, IT, thiết bị y tế,… để mở rộng thị trường, tìm kiếm thêm sản phẩm mới.

Một ông trùm phân phối sản phẩm điện tử khác ở Việt Nam đó là CTCP Thế Giới Số (Digiworld, mã: DGW) trong ba tháng đầu năm cũng chứng kiến doanh thu và lợi nhuận ở mức kỷ lục, lần lượt đạt 5.007 tỷ đồng và 107 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 117% và 138%.

Mức tăng doanh thu và lợi nhuận kỷ lục của Digiworld tại quý I/2021 trong bối cảnh các nhà bán lẻ như MWG, FPT Retail đang tích cực tích trữ hàng, phòng tình trạng thiếu chip ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng sản phẩm. 

Do đó, cuối kỳ ghi nhận các khoản phải thu ngắn hạn của Digiworld hơn 1.634 tỷ đồng, tăng hơn 500 tỷ đồng so với đầu năm và phần lớn đến từ CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT, CTCP Thương mại Dịch vụ Phong Vũ,…

Các đại gia công nghệ Việt đón sóng thiếu chip như thế nào? - Ảnh 4.

Kết quả kinh doanh kỷ lục của Digiword trong quý I/2021. (Nguồn: DGW).

Nhận định về triển vọng kinh doanh trong quý II của Digiworld, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 4.711 tủ đồng và 103,8 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 82,4% và 116,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời biên lợi nhuận cải thiện từ 2,13% quý I lên 2,25%.

Theo BVSC, biên lãi ròng của Digiworld tăng trong quý II được thúc đẩy bởi môi trường bán hàng nhanh hơn giúp tiết giảm chi phí bán hàng và gia tăng dòng tiền hoạt động mạnh mẽ hơn, trong bối cảnh tình trạng thiếu chip toàn cầu đang ảnh hưởng đến nguồn cung khiến các nhà bán lẻ tích cực dự trữ hàng.

Chí Dũng