|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thế giới có nên đặt cược vào các loại thuốc sẵn có để chống virus Corona?

09:29 | 07/02/2020
Chia sẻ
Các bác sỹ và nhà nghiên cứu cảnh báo rằng quá trình nghiên cứu cần phải được thực hiện thêm và người dân không nên đặt hy vọng quá lớn vào những báo cáo chưa được kiểm chứng.
Thế giới có nên đặt cược vào các loại thuốc sẵn có để chống virus Corona? - Ảnh 1.

Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm virus corona tại nhà ga tàu hỏa ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 29/1/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 2/2, Bộ Y tế công cộng Thái Lan tuyên bố một bệnh nhân nhiễm virus Corona đã tiến triển tốt sau khi sử dụng hỗn hợp các thuốc chữa cúm oseltamivir và thuốc điều trị HIV lopinavir và ritonavir. 

Trước khi sử dụng những loại thuốc này, một bệnh nhân 71 tuổi người Trung Quốc đã không có dấu hiệu phục hồi nào sau 10 ngày được chuẩn đoán nhiễm loại virus trên.

Tuy nhiên, trong vòng 48 giờ sau khi sử dụng các loại thuốc nêu trên, bệnh nhân nữ này đã cải thiện tình trạng sức khỏe và được xét nghiệm âm tính với virus Corona.

Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc đang thí nghiệm 30 loại thuốc, bao gồm những loại thuốc sử dụng với nữ bệnh nhân trên và thuốc chống HIV Kaletra do hãng AbbVie của Mỹ sản xuất.

Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người đối với thuốc Kaletra, dẫn đến việc AbbVie tuyên bố rằng công ty này sẽ viện trợ số thuốc Kaletra trị giá khoảng 2 triệu USD cho Chính phủ Trung Quốc.

Trong khi đó, nhiều công ty đang khẩn trương tìm kiếm những phương pháp mới để đối phó với virus Corona. Ngày 3/2, công ty GlaxoSmithKline tuyên bố sẽ phối hợp với Liên minh Sáng kiến Sẵn sàng ứng phó với đại dịch (CEPI) phát triển một loại vắc-xin. Công ty có trụ sở tại Anh này vừa mới đưa ra 14 loại thuốc điều trị HIV.

Nhiều tin tức về những loại thuốc dự kiến được sử dụng đã được công bố trên các tạp chí y học trên mạng. Vào sáng 4/2, 8 bài viết được đưa ra, trong đó có một bài đề cập đến những loại thuốc do một công ty dược phẩm Nhật Bản sản xuất.

Ngày 28/1, các nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc và những người khác đã báo cáo về thuốc nelfinavir của hãng Japan Tobacco, trong khi ngày 30/1, các nhà nghiên cứu tại Đại học Quân y Trung Quốc và Đại học Tứ Xuyên đã báo cáo về các loại thuốc điều trị HIV do hãng Gilead Sciences sản xuất.

Tuy nhiên, tất cả những thí nghiệm trên là sự mô hình hóa trên máy tính, dẫn đến những nghi ngờ về hiệu quả của các loại thuốc này trên những bệnh nhân ngoài thực tế.

Những loại thuốc thử nghiệm trên được lựa chọn dựa trên phương thức phát triển của các loại virus. Virus corona, HIV và cúm là virus RNA, có phương thức nhân bản tương tự nhau.

Nhiều loại thuốc sẵn có ức chế sự phát triển của virus và theo đó được kỳ vọng sẽ có những công hiệu tương tự đối với virus Corona chủng mới.

Việc sử dụng một loại thuốc sẵn có có thể đẩy nhanh quá trình phát triển một phương pháp điều trị, bởi vì việc phát triển một loại thuốc mới thường mất nhiều thập kỷ để trải qua quá trình thử nghiệm lâu dài trên động vật và thử nghiệm lâm sàng trên người.

Bắt nguồn từ sự cấp bách của tình hình, Trung Quốc được cho là đã nới lỏng các quy định để rút ngắn thời gian phát triển phương pháp điều trị virus Corona. Thông thường, việc quản lý những loại thuốc có sẵn cho liệu trình điều trị các loại bệnh cũng như việc thông qua các loại thuốc đó cần phải có thử nghiệm độc lập.

Ở Nhật Bản, bảo hiểm y tế công cộng thường không bao gồm các loại thuốc đang trong quá trình phát triển, trừ khi loại thuốc đó trải qua quá trình thử nghiệm lâm sàng về công hiệu và độ an toàn.

Mặc dù Chính phủ vẫn chưa đưa ra chính sách loại trừ cho dịch bệnh hiện tại, nhưng họ có thể cho phép những bệnh nhân bị nhiễm virus sử dụng các loại thuốc chưa chính thức trong một quy trình thử nghiệm lâm sàng hoặc có thể bảo hộ cho việc sử dụng các loại thuốc này.

Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng không có loại thuốc nào trong số trên được khẳng định công hiệu. Theo Giáo sư Hitoshi Oshitani thuộc Đại học Dược Tohoku, “nhiều bệnh nhân chỉ có những triệu chứng nhẹ khi nhiễm virus Corona, hoặc có thể phục hồi hoàn toàn mà không cần điều trị.

Do đó, chúng ta không thể khẳng định chắc chắn liệu một loại thuốc đã có công dụng đối với một bệnh nhân sau khi sử dụng loại thuốc đó”.

Oshitani lưu ý đến những nỗ lực tìm ra các loại thuốc chống dịch SARS trong năm 2002-2003, theo đó, có rất nhiều tin tức, bài viết đưa tin về việc các loại thuốc điều trị những loại bệnh khác đã được chứng minh hiệu quả, nhưng cuối cùng không loại nào trong số đó thật sự hiệu quả.

Mặc dù có nhiều bài viết đưa tin về việc ai đó tìm thấy một loại thuốc hiệu quả trong thời gian tới, nhưng theo vị Giáo sư trên, “chúng ta cần phải hết sức cẩn trọng cho đến khi quá trình thử nghiệm lâm sàng hoàn tất”.

Hữu Kiên