Thất thu 3.000 tỷ ngân sách do giá dầu, giá khí giảm
|
Cả năm vượt thu ngân sách 70.000 tỷ đồng
Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thu ngân sách đến thời điểm này đạt 100,7% dự toán, riêng ngân sách địa phương vượt 15%, dự tính đến hết năm vượt khoảng 70.000 tỷ đồng.
Giải thích về nguyên nhân ảnh hưởng đến thu ngân sách, theo Bộ trưởng ngoài nguyên nhân tăng trưởng kinh tế không đạt thì có nhiều nguyên nhân khác. Trước hết, giá dầu giảm làm thất thu ngân sách trên 2.000 tỷ đồng, khí làm giảm thu 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khối ngân hàng thương mại giảm nộp ngân sách 20% do trích lập dự phòng. Thua lỗ tại các dự án lớn thuộc các doanh nghiệp nhà nước cũng là một yếu tố ảnh hưởng lớn đến ngân sách.
Dù vậy, Bộ Tài chính đánh giá, các chỉ tiêu bội chi, nợ công có khả năng giữ được như báo cáo với Quốc hội.
Về công tác thu thuế, Bộ trưởng Dũng cho biết, Bộ đã thực hiện nhiều biện pháp như phong tỏa tài khoản, công khai doanh nghiệp nợ thuế, tăng cường kiểm tra. Theo đó, với 82.000 doanh nghiệp kiến nghị tăng thu 14.500 tỷ đồng, đến nay Bộ đã thu được 9.200 tỷ đồng. Ngân sách nhà nước cũng tăng thu khoảng 2.000 tỷ đồng từ 607 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế và 6.600 tỷ đồng theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, đến hết tháng 11/2016, thu hồi 42.000 tỷ đồng nợ đọng thuế và số còn nợ đọng thấp hơn thời điểm năm 2015. Số nợ thuế hải quan chỉ còn 1%.
Tiết kiệm 600 triệu USD từ giảm thủ tục hành chính
Về công tác kiểm tra chuyên ngành, công tác 1 cửa quốc gia, Bộ Tài chính đã rà soát, bãi bỏ 92 thủ tục hành chính, triển khai khai thuế điện tử đến 100% chi cục thuế. Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức 36/283 thủ tục hành chính của 10/14 bộ. Bộ trưởng Dũng cho biết, mục tiêu đến năm 2020 cơ bản phải kết nối hết các thủ tục hành chính.
Như vậy, thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu giảm 35 giờ, nhập khẩu giảm 32 giờ, theo tính toán của World Bank, giảm thủ tục hành chính tiết kiệm khoảng 600 triệu USD.
Đặc biệt, khi thời gian thông quan thì thủ tục của hải quan chiếm 28%, kiểm tra chuyên ngành chiếm 72%, do đó khâu đột phá là kiểm tra chuyên ngành là vấn đề quan trọng. Bộ đề xuất sửa đổi, bổ sung 87 văn bản, trong hiện tại mới làm được 24 văn bản.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo mạnh mẽ cho công tác kiểm tra chuyên ngành.