|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thất bại với dự báo VN-Index 1.400 điểm, Pyn Elite Fund nâng mục tiêu lên 1.800 điểm và đánh giá TTCK Việt Nam còn rẻ

07:28 | 21/10/2019
Chia sẻ
Thất bại với nhận định VN-Index lên 1.400 điểm vào đầu tháng 3/2018, Pyn Elite Fund tiếp tục nâng mục tiêu VN-Index đạt 1.800 điểm vào năm 2022. Quĩ ngoại này kì vọng vào việc Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong ba năm tiếp theo.

Kịch bản lạc quan: Kì vọng VN-Index lên 1.800 điểm

Mới đây, Pyn Elite Fund công bố báo cáo đánh giá được cho là rất lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam. Mốc mục tiêu của VN-Index mà quĩ ngoại này hướng đến là 1.800 điểm vào năm 2022. Dự báo đầy lạc quan này đưa ra trong bối cảnh VN-Index vẫn đang 'chật vật' khi 5 lần không chinh phục thành công ngưỡng kháng cự mạnh 1.000 điểm.

VNI

Mốc mục tiêu 1.800 điểm của VN-Index được Pyn Elite Fund hướng đến vào năm 2022.

Phải nói rằng, đây không phải lần đầu tiên quĩ ngoại này đưa ra một kịch bản bất ngờ về VN-Index. Cuối tháng 3/2018, Pyn Elite Fund dự báo VN-Index sẽ đạt khoảng 1.400 điểm. Đây được xem là dự báo thất bại của Pyn Elite Fund khi chỉ số thị trường chỉ quay về mốc đỉnh 10 năm là 1.204,33 điểm vào đầu tháng 4 sau đó quay đầu giảm mạnh. Vậy, sau khi không mấy thành công với nhận định trên, điều gì làm Pyn Elite Fund đưa ra một kịch bản tương đối lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thận trọng hơn so với lần dự báo trước đó, theo Pyn Elite Fund, việc dự báo điểm rơi của mục tiêu VN-Index 1.800 điểm chính xác vào năm bao nhiêu khó khăn vì những yếu tố thị trường toàn cầu sẽ tác động đến việc đạt mục tiêu của chỉ số.

Tuy nhiên, quĩ ngoại này đặt kì vọng vào Việt Nam được MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi trong ba năm tới. Cụ thể, những đột phá trên thị trường đến từ luật chứng khoán mới, thay đổi luật đầu tư và doanh nghiệp hiện hành, cải tổ hệ thống giao dịch chứng khoán để cho phép giao dịch trong ngày (giao tịch T+0), thay đổi thực tế đối với giới hạn sở hữu nước ngoài (FOL) tại các công ty niêm yết.

Về yếu tố vĩ mô, theo nhận định của Pyn Elite Fund, sự tăng trưởng của dự trữ tiền tệ Việt Nam, làm giảm rủi ro quốc gia Việt Nam và là một yếu tố tiềm năng để nâng định giá thị trường chứng khoán Việt Nam.

Sức hút với ETF mới, P/E của TTCK Việt Nam dưới 10 lần 2 năm tới

Theo phân tích của Pyn Elite Fund, trong 2 - 3 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam bị chi phối bởi dòng vốn từ Hàn Quốc thông qua các quĩ ETF. Dòng vốn này tập trung vào các cổ phiếu trong nhóm VN30. Với việc dòng vốn tập trung dòng vốn vào nhóm VN30 dẫn đến sự khác biệt về định giá giữa nhóm cổ phiếu này với nhóm vốn hóa vừa và nhỏ.

VN30

Mức P/E được Pyn Elite Fund dự báo với nhóm VN30 và toàn thị trường. Nguồn: Pyn Elite Fund

Kịch bản giả định tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam đạt 15 - 20%, Pyn Elite Fund nhận định P/E của nhóm VN30 đạt 16,7 lần trong năm nay và giảm xuống còn 12,2 lần vào năm 2021. 

Tương tự với định giá toàn thị trường, quĩ ngoại này giả định P/E của VNX All Share giảm từ 13,1 lần xuống còn 9,4 lần trong hai năm tiếp theo. Theo triển vọng của quĩ này, thị trường chứng khoán Việt Nam đang được định giá tương đối rẻ.

Tại báo cáo đánh giá này, Pyn Elite Fund cũng đánh giá về triển vọng dòng vốn ETF đối với ba chỉ số mới được Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM công bố. Cụ thể, đầu tháng 9, HOSE ban hành quy tắc xây dựng và quản lý chỉ số VN-Diamond, VN-Finselect và VN - Finlead. 

VN-Diamond là bộ chỉ số bao gồm các cổ phiếu vốn hóa lớn còn ít "room" cho nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ số này bao gồm 10-20 cổ phiếu niêm yết tại HOSE, giới hạn tỷ trọng trong chỉ số sẽ là 15% đối với cổ phiếu đơn lẻ và 40% đối với nhóm cổ phiếu có cùng ngành.

Đánh giá về động thái này, theo Pyn Elite Fund việc dòng vốn ETF mua vào các cổ phiếu sắp hết room đóng vai trò quan trọng trong việc định giá các cổ phiếu không nằm trong nhóm VN30. Hiện, việc định giá các cổ phiếu hết room vẫn khác nhau trên thị trường do tác động của việc hạn chế tỉ lệ sở hữu nước ngoài.

Trở lại câu chuyện dòng vốn ETF, kể từ đầu năm đến nay, các quĩ ETF đồng loạt mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị 227 triệu USD (tương đương gần 5.300 tỉ đồng). Dữ liệu thống kê từ Bloomberg, tính đến ngày 20/10, VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) dẫn đầu về giá trị mua ròng, theo đó quĩ này bơm khoảng 107,43 triệu USD vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo sau đó, FTSE ETF cũng rót khoảng 10,82 triệu USD. 

Với chứng chỉ ETF nội, E1VFVN30 cũng rót khoảng 80 triệu USD vào thị trường. Với động thái tăng qui mô hàng loạt của các ETF trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 10 tháng đầu năm nay cho thấy việc vận hành chỉ số mới được HOSE công bố sẽ là triển vọng của dòng tiền mới trên thị trường.

Phan Quân