Thao túng trên thị trường chứng khoán: Tăng mức phạt cũng chưa đủ sức răn đe
Biểu về tình hình giao dịch chứng khoán từ ngày 3 đến ngày 9-4. Nguồn: VCBS
Nhiều vụ việc thao túng thị trường
Theo đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến 2025” được Chính phủ ban hành vào tháng 2-2019, mục tiêu đặt ra cho thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam là được nâng hạng lên nhóm các thị trường mới nổi trước năm 2025. Cùng thời gian này, chất lượng quản trị công ty trong các công ty niêm yết phải đạt mức bình quân của các nước Asean-6.Nhiều vụ việc thao túng thị trường
Mặc dù mục tiêu nâng hạng được đặt ra trước năm 2025, nhưng TTCK Việt Nam vẫn đang trong quá trình cải thiện cả về chất và lượng để có thể được xem xét nâng hạng trong thời gian sớm nhất. Ngoài việc đẩy mạnh việc lên sàn của các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại nhằm tăng số lượng và chất lượng hàng hóa, một trong các điểm cần được cải thiện là tăng tính minh bạch của thị trường. Trong số này, xử lý các hành vi vi phạm mang tính thao túng cổ phiếu là một trong những điểm nóng cần thực hiện quyết liệt, qua đó tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Kể từ đầu năm 2019 đến nay, Cơ quan Thanh tra giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã xử phạt 55 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán. Gần đây nhất, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố Hà Nội) đã khởi tố vụ án hình sự thao túng thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu của Công ty cổ phần Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (mã cổ phiếu: KSA), xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Ngoài vụ việc liên quan đến cổ phiếu KSA, trong lịch sử thị trường chứng khoán cũng đã có ba vụ thao túng giá chứng khoán bị khởi tố hình sự. Vụ việc điển hình nhất có thể kể đến là cổ phiếu MTM của Công ty cổ phần Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung, với cáo buộc lập khống hồ sơ đăng ký giao dịch; tạo cung cầu giả tạo để bán cổ phiếu, lừa đảo chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.
Tăng mức xử phạt đã đủ sức răn đe?
Từ câu chuyện của KSA, MTM có thể thấy hiện nay vẫn còn không ít kẽ hở trên TTCK để các đối tượng lợi dụng trục lợi. Nút thắt này dự kiến được giải quyết tại Luật Chứng khoán sửa đổi trình Quốc hội vào tháng 5 tới đây.
Cụ thể, dự thảo đã đưa ra một số đề xuất tăng mức xử phạt và thêm quyền trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm cho UBCKNN. Cụ thể, dự thảo bổ sung một số quy định về thẩm quyền của UBCKNN khi tiến hành thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm... Đối với mức phạt, dự thảo quy định mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính là 3 tỉ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỉ đồng đối với cá nhân. Mức phạt tiền tối đa trong trường hợp tái phạm gấp 2 lần mức phạt vi phạm lần đầu.
Tuy nhiên, đặc thù của các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán là giá trị của các giao dịch khi bị phát hiện thường cao hơn rất nhiều so với các lĩnh vực kinh tế khác. Do vậy, với chế tài xử phạt như dự thảo, mặc dù đã tăng so với trước kia nhưng có thể vẫn chưa đủ sức răn đe vì đối tượng vi phạm vẫn sẵn sàng chịu phạt để đổi lại thu được mối lợi lớn hơn.
Thêm vào đó, để các chế tài mới phát huy hiệu quả, điều quan trọng là cần tăng thẩm quyền cho UBCKNN trong xác minh các hành vi vi phạm, khắc phục tình trạng cơ quan này đang bị “bó tay, bó chân” như hiện tại. Theo đó, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi cần đảm bảo cho cơ quan này chủ động hơn, tự quyết hơn trong truy xét đến cùng các vi phạm. Hiện có nhiều hạn chế đối với cơ quan này trong xác minh thông tin tài khoản ngân hàng của nhà đầu tư, yêu cầu các đối tượng nghi vấn hợp tác để làm rõ vi phạm...