Tháo gỡ khó khăn trong hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp điện
Theo quy định, giấy phép hoạt động điện lực chỉ được cấp khi việc xây dựng nhà máy đã hoàn thành (chậm nhất 15 ngày trước khi vận hành thương mại). Trong khi đó, theo quy định để được hoàn thuế đối với các dự án đầu tư, phải có giấy phép này.
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát điện, truyền tải điện, đang phải chịu sự điều chỉnh của 3 Luật: Luật Đầu tư, Luật Điện lực và Luật Thuế giá trị gia tăng. Trong khi đó, một trong những điều kiện tiên quyết để được hoàn thuế giá trị gia tăng là phải có Giấy phép hoạt động điện lực.
Tuy nhiên, cái khó đối với các doanh nghiệp điện là các dự án đầu tư ngành điện thường kéo dài và trong quá trình đầu tư chưa đi vào hoạt động thì chưa được cấp giấy phép hoạt động điện lực. Những quy định của chính sách pháp luật chuyên ngành có những điểm chưa thống nhất với chính sách pháp luật thuế khiến hầu hết các doanh nghiệp đầu tư vào ngành điện đều gặp khó khăn về điều kiện để hoàn thuế giá trị gia tăng đối với dự án đầu tư ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong giai đoạn đầu tư.
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu không kịp thời tháo gỡ những vướng này, nhiều dự án gặp khó khăn về vốn và các doanh nghiệp khó đảm bảo tiến độ đầu tư. Bởi khi đầu tư các dự án điện, số thuế giá trị gia tăng được hoàn theo từng giai đoạn đầu tư được các doanh nghiệp tình toán là nguồn lực tài chính quan trọng để thanh toán các chi phí của dự án.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn về điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng đối với dự án đầu tư kinh doanh ngành điện, các cơ quan chức năng đang nghiên cứu, xác định doanh nghiệp đã đáp ứng các điều kiện để thực hiện dự án đầu tư ngành điện (dự án nằm trong quy hoạch phát triển ngành điện, có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định thành lập, giấy chứng nhận thành lập, phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp...) thì tạm cấp Giấy phép hoạt động điện lực có thời hạn đến khi dự án đi vào vận hành thương mại.
Cụ thể, đối với các dự án đầu tư đáp ứng được các điều kiện trên thì được giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật. Cơ quan nhà nước (có chức năng cấp giấy phép) sẽ thực hiện hậu kiểm. Nếu sau khi dự án đầu tư đi vào vận hành thương mại mà không đáp ứng được các điều kiện để hoạt động thì thu hồi Giấy phép đã tạm cấp và thu hồi số tiền thuế giá trị gia tăng theo quy định.
Nếu thực hiện theo phương án trên sẽ vừa tạo điều kiện thông thoáng, vừa tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư ngành điện trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Đối với dự án đầu tư đang thực hiện, đang trong giai đoạn đầu tư nhưng chưa có giấy phép hoạt động điện lực và chưa được hoàn thuế giá trị gia tăng, trên cơ sở kết quả làm việc với các cơ quan chức năng, Tổng cục Thuế sẽ xem xét trình Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng.
Với các dự án đầu tư tại thời điểm đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng đã có giấy phép hoạt động điện lực nhưng đã đi vào hoạt động chưa được giải quyết hoàn thuế thì cơ sở kinh doanh thực hiện kê khai hoặc kê khai điều chỉnh, bổ sung (nếu có) theo quy định của pháp luật về quản lý thuế để xác định chính xác số thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ trong giai đoạn đầu tư, chưa đi vào hoạt động. Cơ quan thuế sẽ rà soát, kiểm tra và giải quyết việc hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định.
Trước đó, Tổng cục Thuế có Công văn số 944/TCT-CS gửi các Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó, đối với cơ sở kinh doanh đã đăng ký nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư mới, đang trong giai đoạn đầu tư có số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho đầu tư mà chưa được khấu trừ và có số thuế còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào của giai đoạn đầu tư (trừ trường hợp thuộc đối tượng không được hoàn thuế theo quy định)