|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Tháo điểm nghẽn cho nguồn cung nhà ở

06:41 | 11/07/2020
Chia sẻ
Bên cạnh tính chu kì của thị trường bát động sản, tác động kép từ COVID-19 và thủ tục pháp lí đang khiến nguồn cung ra thị trường ở mức thấp trong nhiều năm qua. Trong khi nhu cầu nhà ở thực đang ngày càng gia tăng khiến thị trường ngày càng méo mó.

Dấu hiệu của những bất ổn

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp vừa tổ chức "Diễn đàn Bất động sản 2020: Cơ hội mới từ chính sách và thị trường".

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, BĐS đang đến chu kì 10 năm của thị trường và tác động của dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp BĐS gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn cung khan hiếm dẫn đến giá nhà không thể không tăng,...

Theo vị này, thị trường BĐS liên quan rất nhiều đến cơ chế chính sách, từ Luật Đất đai cho đến Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở,... và các luật thuế, phí có liên quan.

Trong đó, kinh doanh BĐS đặc biệt nhạy cảm với việc thay đổi chính sách. Các doanh nghiệp đang rất mong chờ được tháo gỡ vướng mắc. Những văn bản mới ban hành cũng có tháo gỡ nhưng lại vấp phải rất nhiều vấn đề.

Đơn cử, một số văn bản về thuế, tín dụng,... khi chuẩn bị có hiệu lực thì doanh nghiệp phải chạy trước. Bởi nếu không lo thủ tục trước thì thời gian để hoàn thiện sẽ mất rất nhiều, chi phí cũng tăng thêm.

Trong khi đó, các chủ đầu tư khi làm dự án đều phải tính toán lời, lãi thì mới quyết định đầu tư. Nhưng khi các văn bản mới ra lại khiến chi phí tăng, doanh nghiệp không xoay sở được dẫn đến nhiều dự án phải đổ bể. Kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy liên quan đến những cam kết với khách hàng,...

Đại diện phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GP-Invest) cho rằng, cái hỗ trợ quan trọng nhất mà doanh nghiệp mong chờ là Nhà nước gỡ vướng cơ chế chính sách. Cần phải trả lời câu hỏi các dự án vì sao ách tắc?

Theo ông Hiệp, với Luật Quy hoạch, tuy vừa được sửa nhưng lại gây ách tắc nghiêm trọng hơn. Vì nếu muốn điều chỉnh qui hoạch cục bộ phải điều chỉnh qui hoạch vùng, muốn điều chỉnh qui hoạch vùng phải điều chỉnh qui hoạch quốc gia.

"Nếu dự án được thực hiện năm 2020 nhưng lại đòi hỏi điều chỉnh qui hoạch vùng đã có trước đó, đã lỗi thời thì đây là qui trình ngược, doanh nghiệp bó tay", ông Hiệp nhấn mạnh.

Cần được "cởi trói"

Thị trường BĐS đang bất ổn, giải pháp nào để vực dậy? - Ảnh 1.

Thị trường BĐS đang phát triển bất ổn do chịu tác động xấu từ dịch COVID-19. (Ảnh: H.L)

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thị trường BĐS đang phát triển bất ổn do chịu tác động xấu từ dịch COVID-19. Nhiều dự án bị dừng, hoãn do dịch bệnh gây ra. Bên cạnh đó, những khó khăn do chồng chéo trong thủ tục hành chính đang là trở ngại lớn cho việc gia tăng nguồn cung ra thị trường.

Chủ tịch VCCI cho rằng, diễn biến của thị trường BĐS là một trong những chỉ báo quan trọng của sức khỏe nền kinh tế. Sự bùng nổ của thị trường BĐS là một trong những điểm kích hoạt quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế. Ngược lại, sự đổ vỡ của thị trường cũng kéo theo sự sụp đổ của hệ thống tài chính.

"BĐS và xây dựng là một trong những lĩnh vực có thể tạo ra nhiều việc làm nhất trong nền kinh tế. Một đồng vốn đầu tư và BĐS có thể kéo theo một chuỗi các ngành dịch vụ và công nghiệp hỗ trợ. Tính toán sơ bộ, một đồng đầu tư vào BĐS có thể kéo 1,5 – 2 đồng đầu tư cho các lĩnh vực khác", ông Lộc cho hay.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, tình hình thị trường BĐS nói chung hiện nay vẫn chưa khả quan, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân là những vướng mắc, rào cản về thể chế, thực thi công vụ.

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung và lĩnh vực BĐS nói riêng. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách kịp thời để thực hiện "mục tiêu kép" vừa đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và vừa chống dịch.

Với thị trường BĐS, theo ông Sinh, trong bối cảnh thị trường đang trầm lắng nhưng nhu cầu về nhà ở, du lịch nghỉ dưỡng vẫn rất lớn. Do đó, Chính phủ cũng đã triển khai rất nhiều giải pháp để phát triển.

Cụ thể, giải pháp đầu tiên có thể kể đến là thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội (NOXH). Có thể nói, sau khi gói 30.000 tỉ kết thúc, việc phát triển NOXH cũng bị ảnh hưởng.

Hiện nay, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 71 và bổ sung 2.000 tỉ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định, từ đó có thể bổ sung được hơn 60.000 tỉ đồng để thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp vay xây nhà ở xã hội... Ngoài ra, cân đối thêm 1.000 tỉ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội.

Bộ Xây dựng cũng được giao lập các danh mục, các dự án NOXH để thực hiện gói hỗ trợ 3.000 tỉ đồng. Ngay trong quí III này Bộ cũng sẽ triển khai ngay.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang triển khai sửa đổi Nghị định 100 theo hướng cải cách, tinh gọn những thủ tục hành chính đơn giản, qui định rõ những nội dung chưa rõ ràng như vẫn đề xác định quĩ đất, giá bán, lợi nhuận,... Tới đây, Nghị định sẽ được lấy ý kiến rộng rãi để sớm ban hành trong quí III/2020.

Giải pháp thứ hai là Chính phủ đang giao cho Bộ Xây dựng triển khai xây dựng và trình Chính phủ Nghị quyết về phát triển nhà ở thương mại giá thấp.

Theo đó, nhà ở thương mại giá thấp để bán có tiêu chuẩn thiết kế căn hộ khép kín, diện tích sử dụng dưới 70 m2, giá bán không quá 20 triệu đồng/m2; tối đa một căn hộ được bán với giá không vượt quá 1,5 tỉ đồng.

 "Nghị quyết này rất cần thiết và quan trọng, nhằm tạo ra nguồn cung phù hợp hơn cho thị trường BĐS trong giai đoạn hiện nay", ông Sinh nói.

Ngoài ra, một số chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế, trình tự thủ tục hành chính khác,... Bộ Xây dựng đang dự thảo và sẽ sớm lấy ý kiến rộng rãi để Nghị quyết này sớm đi vào thực tiễn.

Giải pháp thứ ba đó là Bộ Xây dựng cũng đang được Chính phủ giao tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 101 về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trong năm nay.

Nếu có được một cơ chế và giải quyết được các điểm nghẽn trong vấn đề này cũng như đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và Nhà nước thì sẽ tạo ra được một nguồn cung tương đối lớn cho thị trường BĐS.

"Việc cải tạo lại các chung cư cũ tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP HCM để vừa chỉnh trang bộ mặt đô thị, vừa cải thiện môi trường sống cho người dân", ông Sinh cho hay.

Hà Lê