|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Thành trì' khó xô đổ của xổ số truyền thống nhìn từ sự lép vế của Vietlott

14:54 | 05/06/2019
Chia sẻ
Mặc dù "tung hoành" ở hàng chục tỉnh thành nhưng doanh thu, lợi nhuận cũng như hiệu suất sinh lời của Vietlott vẫn thua xa nhiều doanh nghiệp xổ số địa phương tại miền Nam.
Thành trì khó xô đổ của xổ số truyền thống nhìn từ sự lép vế của Vietlott - Ảnh 1.

'Thành trì' khó xô đổ của xổ số truyền thống nhìn từ sự lép vế của Vietlott

Theo báo cáo tài chính năm 2018 vừa được Công ty Xổ số kiến thiết (XSKT) TP. HCM công bố, năm vừa qua, doanh thu thuần của công ty đạt 6.635 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế của XSKT TP. HCM đạt 917 tỷ đồng, tăng 10%.

Con số này vượt trội khi so với kết quả kinh doanh của Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) - đơn vị đang "tung hoành" ở hàng chục tỉnh thành với giải thưởng có lúc lên đến cả trăm tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2018, doanh thu của Vietlott đạt 2.988 tỷ đồng, giảm 3% so với năm 2017. Phải nhờ đến số tiền lên đến 136 tỷ đồng nhận được do giải đặc biệt không có người lĩnh thưởng thì Vietlott mới ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 25% lên 271 tỷ đồng - vẫn thua xa mức lợi nhuận của XSKT TP. HCM.

Nếu không kể đến khoản lợi nhuận bất thường trên, lợi nhuận sau thuế năm 2018 của Vietlott sẽ thấp hơn nhiều, chỉ khoảng 160 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 216 tỷ đồng của năm 2017.

Không chỉ thua xa XSKT TP. HCM, kết quả kinh doanh của Vietlott còn lép vế hơn nhiều so với các doanh nghiệp xổ số truyền thống địa phương.

Thống kê cho thấy, doanh thu thuần năm 2018 của XSKT các tỉnh An Giang, Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đều trên 3.400 tỷ đồng và đều ghi nhận tăng trưởng.

Cụ thể, doanh thu thuần của XSKT An Giang đạt 3.416 tỷ đồng, tăng 15%; XSKT Đồng Nai đạt 3.572 tỷ đồng, tăng 13%; XSKT Tây Ninh đạt 3.620 tỷ đồng, tăng 12%; XSKT Tiền Giang đạt 3.590 tỷ đồng, tăng 10%; XKST Đồng Tháp đạt 3.463 tỷ đồng, tăng 14%; XSKT Vĩnh Long đạt 3.564 tỷ đồng, tăng 13%.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với lợi nhuận. Lợi nhuận sau thuế năm 2018 của XSKT các tỉnh An Giang, Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long lần lượt đạt 598 tỷ đồng, 547 tỷ đồng, 495 tỷ đồng, 452 tỷ đồng, 443 tỷ đồng và 410 tỷ đồng. Tất cả đều tăng so với năm 2017.

Thành trì khó xô đổ của xổ số truyền thống nhìn từ sự lép vế của Vietlott - Ảnh 2.

Vietlott tỏ ra lép vế về kết quả kinh doanh so với các doanh nghiệp xổ số địa phương

Không chỉ lép về về kết quả kinh doanh, hiệu suất sinh lời của Vietlott cũng có sự thua kém so với các doanh nghiệp xổ số truyền thống địa phương.

Rõ rệt nhất là khi nhìn vào tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu thuần. Năm 2018, tỷ suất này của Vietlott chỉ 9%, trong khi ở các doanh nghiệp xổ số địa phương đề cập phía trên là từ 12% đến 18%.

Thành trì khó xô đổ của xổ số truyền thống nhìn từ sự lép vế của Vietlott - Ảnh 3.

Vietlott cũng tỏ ra lép vế về hiệu suất sinh lời so với các doanh nghiệp xổ số địa phương

Xét về tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản (ROA), Vietlott cũng thể hiện sự thua kém với ROA năm 2018 chỉ 29%. Con số này cũng thấp hơn tất cả các doanh nghiệp xổ số địa phương đã đề cập (ngoại trừ XSKT Tiền Giang, hiện chưa công bố chính thức số liệu tài sản và nguồn vốn), với thấp nhất là 32% (thuộc về XSKT Đồng Nai và Đồng Tháp) và cao nhất là 43% (thuộc về XSKT An Giang).

Về tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE), Vietlott đỡ lép vế hơn khi ROE năm 2018 cao hơn XSKT Đồng Nai (46%) và Tây Ninh (50%), ngang XKST Đồng Tháp (52%), kém XSKT TP. HCM (71%), An Giang (120%) và Vĩnh Long (58%).

Nhìn vào sự lép vế của Vietlott so với các doanh nghiệp xổ số địa phương, có thể thấy "thành trì" của xổ số truyền thống là rất khó xô đổ, nhất là thói quen mua vé số của người dân miền Nam; và Vietlott dường như đang bị áp đảo ngược lại.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về Vietlott (thời gian hoàn tất hoạt động kiểm toán là hết ngày 30/10/2018) công bố mới đây đánh giá, hiệu suất hoạt động của hệ thống Vietlott chưa hiệu quả, có nhiều điểm bán hàng đóng cửa, nhiều ngày không kinh doanh. Trong nửa đầu năm 2018, trung bình khoảng 18% số lượng điểm bán hàng không phát sinh doanh số, tương đương gần 600 điểm bán hàng.

Đáng chú ý, trong tháng 5/2018, sau khi giải Jackpot 1 của sản phẩm power 6/55 có khách hàng trúng với số tiền kỷ lục 303,9 tỷ đồng, tỷ trọng điểm bán hàng đóng cửa của Vietlott tăng rất cao, lên tới 31%.

Giải thích về điều này, ông Nguyễn Thanh Đạm, Tổng Giám đốc Vietlott cho hay: "Thời gian đầu, các đại lý, cửa hàng có doanh thu tốt nhưng về sau, khi thị trường bão hòa, một số cửa hàng không còn giữ được hiệu quả kinh doanh".

Thanh Long

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.