Thanh toán qua di động tại Việt Nam được kì vọng sẽ tăng 400%
Theo báo cáo Fintech và Ngân hàng số 2025 do Backbase và IDC phối hợp thực từ hiện ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), tại Việt Nam thanh toán qua di động được kỳ vọng sẽ tăng tới 400% vào năm 2025.
Cũng theo báo cáo này, có tới 63% khách hàng sẵn sàng chuyển sang sử dụng dịch vụ của các ngân hàng kỹ thuật số (neobanks) và tổ chức tín dụng trong 5 năm tới.
Mặc dù có khách hàng có xu hướng sử dụng thanh toán di động tăng lên song để thu hút khách hàng thì các ngân hàng cần cải thiện hệ thống vận hành theo xu hướng số.
Bởi lẽ theo các khách hàng thì đa phần dịch vụ ngân hàng hiện tại rất tẻ nhạt do ngân hàng truyền thống đang mải tập trung vào hệ thống vận hành cũ và không chú trọng ưu tiên tích hợp kỹ thuật số. Từ đó dẫn tới chỉ có 30% cơ sở khách hàng tại khu vực APAC đang sử dụng các kênh ngân hàng số.
Báo cáo cho thấy các ngân hàng đã không thể tận dụng các đối tác tiềm năng trong hệ sinh thái do vẫn giữ quan điểm truyền thống về chuỗi giá trị.
Mặt khác, hơn 35 ngân hàng số hoặc tổ chức tín dụng tại APAC được xây dựng dựa trên các phát kiến mới nhất - qua mặt các ngân hàng truyền thống về tính linh hoạt, khả năng tự phục vụ, nhu cầu của khách hàng và cá nhân hóa. Do đó, với sự xuất hiện của những tay chơi mới và sự phát triển kỹ thuật số trong ngành, 38% doanh thu của các ngân hàng truyền thống sẽ đối mặt với rủi ro vào năm 2025.
Để bắt kịp với xu hướng thời cuộc nhiều ý kiến cho rằng các ngân hàng tại APAC phải giải phóng tiềm năng cá nhân hóa về quy mô, hướng đến khách hàng và đa dạng nền tảng hơn. Tại Việt Nam, 8 ngân hàng lớn nhất đã xác định ngân hàng lõi (core banking) và hiện đại hóa hệ thống thanh toán là 2 ưu tiên hàng đầu với kỳ vọng tăng trưởng 50% lượng tài khoản mới bằng cách sử dụng tự động hóa thông minh trong khởi tạo tài khoản.
Theo các giới chuyên gia tài chính, ngành ngân hàng Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch hành động rất cụ thể để thực hiện Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025.
Trong đó, đáng chú ý là mục tiêu đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và tập trung phát triển các loại hình dịch vụ phù hợp phục vụ các nhóm dân cư chưa hoặc ít được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng truyền thống ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.