|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thanh toán di động tăng 30 lần, NHNN vừa phê duyệt Thông tư về eKYC

20:36 | 04/12/2020
Chia sẻ
Theo số liệu của NHNN, số lượng thanh toán qua di động tăng hơn 10 lần về số lượng và tăng gần 30 lần về giá trị trong 5 năm qua. Để hỗ trợ thanh toán số phát triển mạnh hơn nữa, NHNN mới đây đã kí phê duyệt Thông tư về eKYC.
Việt Nam có thể có đồng tiền điện tử hay không? - Ảnh 1.

Các vị chuyên gia, đại diện các cơ quan đơn vị thảo luận tại hội thảo. (Ảnh: Lê Huy).

Sáng nay (4/12), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Học viện Ngân hàng tổ chức hội thảo "Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế số".

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết thanh toán không dùng tiền mặt có vai trò đặc biệt quan trọng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các chủ thể tham gia và cả nền kinh tế, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao khả năng tiếp cận tài chính và thúc đẩy tài chính toàn diện.

Theo số liệu của NHNN, trong 9 tháng đầu năm, số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng lần lượt 75,2% và 30,4% so với cùng kì năm trước. 

Đặc biệt, số lượng và giá trị giao dịch qua điện thoại di động tăng mạnh với mức tăng tương ứng khoảng 125% và 130%. So với 5 năm trước, thanh toán qua di động tăng hơn 10 lần về số lượng và tăng gần 30 lần về giá trị. 

Tính đến nay, đã có hơn 30 bệnh viện triển khai thanh toán viện phí điện tử, 50 ngân hàng thương mại hoàn thành kết nối thanh toán thuế điện tử với cơ quan thuế, hải quan trên 63 tỉnh, thành phố. 

Ngoài ra, 95% số thu hải quan thực hiện qua ngân hàng, 99% doanh nghiệp đăng kí nộp thuế điện tử, 27 ngân hàng thương mại và 10 tổ chức trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện.

Thông qua khung pháp lí về eKYC

Thông tin tại hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN cho biết, Thông tư về eKYC (xác thực điện tử) vừa được Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh kí duyêt.

Trong thông tư về eKYC, các ngân hàng sẽ phải triển khai triển khai giải pháp kĩ thuật để đảm bảo khớp đúng người giao dịch là chủ tài khoản. Theo đó, NHNN không xem xét về vấn đề kĩ thuật, ban lãnh đạo các ngân hàng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các vấn đề này.

Ông Dũng cũng đánh giá thông tư về eKYC sẽ giúp thanh toán số phát triển mạnh hơn nữa.

Hơn 4.000 cuộc tấn công mạng mỗi năm

Trao đổi tại buổi hội thảo, Đại tá Trương Sơn Lâm, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phóng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công An cho rằng mặc dù thanh toán không dùng tiền mặt có những kết quả tích cực, đem lại nhiều lợi ích nhưng cũng kéo theo nhiều rủi ro.

Hàng năm, theo thống kê của A05, có đến hơn 4.000 cuộc tấn công mạng mỗi năm, nhắm đến các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp. Đặc biệt, số lượng các cuộc tấn công mạng ngày càng tăng và diễn biến phức tạp trong thời gian dịch bệnh COVID-19.

Thời gian qua, các cuộc tấn công mạng đã gây thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng/năm. Thủ đoạn, hành vi của những đối tượng này liên tục thay đổi, thu đoạn tinh vi, mang tính ẩn danh cao hoặc nặc danh, giả mạo danh nghĩa của những tổ chức, cá nhân có uy tín để lừa đảo...

Trước tình trạng này, ông Lâm đưa ra khuyến nghị cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, các nhân viên, cán bộ trong ngành ngân hàng về những thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát phát hiện các giao dịch đáng ngờ, hoàn thiện cơ chế pháp lí....

Việt Nam có thể triển khai tiền điện tử hay không?

Tại hội thảo, TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo BIDV, nhận định rằng ngành tài chính ngân hàng là lĩnh vực tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là nền tảng blockchain.

Hiện nay, hệ thống thanh toán đã được áp dụng trên nền tảng này. Cụ thể, nghiệp vụ mở L/C đã được thực hiện dựa trên nền tảng blockchain với các ngân hàng Thái Lan.

Ông Lực dự báo trong thời gian tới, sẽ có nhiều dịch vụ khác của ngân hàng sẽ được thực hiện trên nền tảng blockchain với kế hoạch đang được chuẩn bị rất cụ thể. 

Cũng liên quan đến vấn đề này, Vụ trưởng Vụ thanh toán cho biết NHNN khuyến khích sử dụng blockchain vào các nghiệp vụ của ngân hàng. 

Tuy nhiên, ông Dũng chỉ ra rằng hiện nay cũng có rất nhiều định nghĩa về tiền điện tử. Theo đó, phần lớn các nước đều định nghĩa đó là đồng tiền pháp định (e-money).

"Một loại tiền điện tử khác là các đồng Bitcoin, ETC.... Trước đó, NHNN đã có thông cáo báo chí khẳng định rằng đây không phải là những đồng tiền thanh toán hợp pháp tại Việt Nam", đại diện NHNN khẳng định.

Tại hội thảo, trước câu hỏi của một vị khách tham dự hội thảo về khả năng triển khai đồng tiền điện tử tại Việt Nam, ông Dũng cho biết đây là vấn đề rất nóng, đã được thảo luận trong hội nghị các nước ASEAN. 

"Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó, và đang chủ động nghiên cứu vấn đề này", Ông Dũng chia sẻ.


Lê Huy