Thanh khoản USD những ngày tỷ giá tăng
Tỷ giá VND/USD trong tuần qua như cơn sóng thúc lên hạ xuống, chẳng hạn ngày 24/11 Vietcombank niêm yết giá mua vào - bán ra ở mức 22.690/22.790 đồng/USD; sau đó ngày 25/11 giá mua - bán lại hạ xuống 22.670/22.770 đồng/USD.
Lãnh đạo một số NHTM cho biết họ có nhập thêm USD để đáp ứng nhu cầu cho các khoản tiền gửi ngoại tệ, trên thị trường liên NH cũng có lúc sôi động hơn những ngày thường. Tuy nhiên một lãnh đạo của Vietcombank cho biết họ vẫn đảm bảo mọi nhu cầu ngoại tệ và các NH vẫn cân đối được nhu cầu thị trường.
Tỷ giá biến động có tác động của đồng USD mạnh lên trên thị trường quốc tế
Theo các NHTM, dù rằng tốc độ tiền gửi ngoại tệ có giảm trong thời gian qua, nhưng tổng nguồn vốn ngoại tệ trong NHTM bao gồm tiền vay ngoại tệ của các TCTD khác còn rất lớn. Ngoài ra, một lượng lớn kiều hối thời gian qua trở về được các NHTM mua lại nên hỗ trợ rất tốt cho cơ cấu nguồn vốn ngoại tệ kinh doanh. Đặc biệt năm nay Việt Nam liên tục xuất siêu từ thời điểm tháng 8 đã hỗ trợ thanh khoản ngoại tệ rất tốt cho các NHTM.
Theo NHNN chi nhánh TP.HCM, hệ số sử dụng vốn huy động trên cho vay vốn bằng ngoại tệ của các TCTD trên địa bàn hiện đang xoay quanh mức 65%. Điều này cũng cho thấy cân đối nguồn ngoại tệ của các NHTM khá tốt.
Có một yếu tố rất quan trọng trong những ngày tỷ giá tăng vừa qua là đồng USD đang tăng rất nhanh trên thị trường quốc tế. Trong khi các đồng tiền chủ chốt trên thị trường quốc tế như Yên Nhật (JPY) từ đầu năm đến nay đã mất giá tương đương với mức 20% so với đồng USD. Trong 100 các đồng tiền giao dịch thường xuyên trên thị trường có đến 60% các đồng tiền của các quốc gia đang bị mất giá so với USD. Đồng USD tăng giá vững chắc trên thị trường quốc tế, vì vậy VND khó tránh khỏi tác động, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu với thế giới.
Tỷ giá VND/USD biến động trước xu thế đồng USD mạnh trên toàn cầu là khó cưỡng. Theo đó cần có cái nhìn dài hạn hơn về tỷ giá giữa VND và USD để hạn chế thua thiệt, không nên chạy theo những yếu tố thị trường nhất thời. Việc tỷ giá sóng sánh trong 2 tuần qua có một khác biệt rất lớn so với những năm trước đây là thị trường ngoại hối không có hiện tượng găm giữ.
Giá mua bán niêm yết trong hệ thống NH điều chỉnh chứ không phải giá USD tiền mặt trên thị trường tự do co kéo giá lên. Yếu tố vàng hút ngoại tệ hiện nay có thể nói đã giảm rất nhiều so với cách nay 3 năm, mặc dù yếu tố giá chênh lệch hiện nay vẫn có thể hấp dẫn giới đầu cơ nhưng thị trường vàng miếng gần đây người dân đã gần như không còn quá quan tâm như những năm trước đây. Biểu hiện rõ nhất trong những ngày tỷ giá tăng gần đây thị trường vàng và thị trường ngoại tệ tự do không có sôi động.
Nếu nhu cầu ngoại tệ chỉ đáp ứng cho các nhu cầu thiết yếu của người dân, DN như thanh toán xuất nhập khẩu, du học, du lịch… thì bản thân các NHTM cũng có thể xoay chuyển rất tốt. Chẳng hạn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tính đến 15/11/2016 đã đạt mức 300 tỷ USD, con số của Tổng cục Hải quan đưa ra.
Như vậy sau 5 năm kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đã tăng thêm 100 tỷ USD khi mà thời điểm cuối năm 2011 con số này ở mức 200 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đến giữa tháng này là 151,48 tỷ USD, cùng với đó kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 148,82 tỷ USD. Theo số liệu của NHNN chi nhánh TP.HCM, tổng doanh số mua bán ngoại tệ tính đến cuối tháng 10 của hệ thống các TCTD trên địa bàn ở mức 82,9 tỷ USD ngang bằng với mức 80,6% của năm 2015.
Trong định hướng của NHNN Việt Nam từ đầu năm khẳng định tỷ giá điều hành linh hoạt. Chính phủ mới gần đây cam kết cải cách và giữ cho nợ công không tăng trong giai đoạn 2016-2020 cũng đang tạo lập niềm tin ổn định vĩ mô giữ cho đồng bản tệ hấp dẫn cho xuất khẩu. Đặc biệt gần đây con số dự trữ ngoại hối quốc gia được Chính phủ công bố đã lên đến 41 tỷ USD, kiều hối năm nay dự ước về Việt Nam khoảng 12,5 tỷ USD, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng có con số tương đương… là những cơ sở ổn định cho VND. Và mới nhất, NHNN Việt Nam mới quyết định tiếp tục cho vay ngoại tệ có điều kiện đối với những DN có nguồn thu ngoại tệ hết năm 2017 sẽ là cơ hội tiếp tục tạo nguồn cung ngoại tệ cho thị trường.