Thanh khoản thị trường vượt 1 tỷ USD, cổ đông Vingroup lại nhớ nhận định của chủ tịch: ‘Tôi tin tưởng rằng cùng với thời gian cổ phiếu VIC sẽ trở lại’
Kết phiên 31/7, VN-Index tăng 15,23 điểm tương đương tăng 1,26% lên 1.222 điểm; HNX-Index tăng 2,202 điểm tương đương tăng 0,85% lên 239,55 điểm; UPCoM-Index cũng nhích nhẹ 0,56 điểm lên 607 điểm.
Điểm đặc biệt của phiên hôm nay là thanh khoản toàn thị trường đạt đến 27.317 tỷ đồng (khoảng 1,16 tỷ USD). Trong đó, riêng sàn HOSE ghi nhận giá trị giao dịch trên 24.100 tỷ đồng, khối lượng khớp lệnh đạt 1,12 tỷ cổ phiếu.
Trong các phiên gần đây, thị trường đã liên tục xuất hiện có nhiều phiên có thanh khoản trên 20.000 tỷ đồng, khác biệt hoàn toàn so với giai đoạn đầu năm chỉ loanh quanh 12.000 tỷ đồng. Theo báo cáo thị trường mới đây của Dragon Capital nhận định, thị trường đã phản ánh tâm lý lạc quan của nhà đầu tư, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư cá nhân sau khi Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất lần thứ 4 kể từ tháng 3.
Bên cạnh đó, thị trường còn được hỗ trợ bởi việc Ủy ban chứng khoán Nhà nước nỗ lực đẩy nhanh tiến độ vận hành hệ thống giao dịch KRX. Nhiều khả năng các nhà đầu tư cá nhân đã chuyển đổi từ các khoản tiền gửi lãi suất cao sang tìm kiếm cơ hội ở thị trường chứng khoán.
Bên cạnh sức hút đi lên dần của toàn thị trường, phiên 31/7 ghi nhận sự “trỗi dậy” của nhóm cổ phiếu họ nhà Vingroup, bao gồm VIC, VHM và VRE. Trong đó, VIC và VHM tăng kịch trần với khối lượng giao dịch cao nhất kể từ đầu năm, đạt lần lượt 10,6 triệu và 5,5 triệu đơn vị. VRE cũng có mức tăng 3% với khối lượng 11,6 triệu đơn vị, cao thứ hai trong giai đoạn 7 tháng.
Diễn biến tích cực dường như phản ánh việc Vingroup vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý II tích cực. Cụ thể, tập đoàn công bố tổng doanh thu thuần hợp nhất quy đổi 6 tháng đầu năm, bao gồm doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản ghi nhận vào thu nhập tài chính đạt 102.530 tỷ đồng, tăng 112% so với cùng kỳ năm trước.
Chủ yếu nhờ bàn giao bất động sản thấp tầng tại dự án Vinhomes Ocean Park 2 trong kỳ. Bên cạnh đó, các lĩnh vực kinh doanh bất động sản đầu tư, dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí và sản xuất đều ghi nhận tăng trưởng.
Doanh thu mảng sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng 55,2% so với cùng kỳ 2022 nhờ doanh số xe điện cao gấp 5 lần so với cùng kỳ trong khi doanh thu xe xăng còn không đáng kể do đã ngừng sản xuất. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 đạt 7.936 tỷ đồng, tăng 128% so với cùng kỳ năm 2022.
Cũng trong tháng 7, VinFast đã chính thức khởi công nhà máy sản xuất xe điện tại Mỹ, là cơ sở sản xuất xe điện đầu tiên tại Bắc Carolina, đóng góp vào nguồn cung xe điện cho thị trường Bắc Mỹ. Ở lĩnh vực kinh doanh bất động sản đầu tư và các dịch vụ liên quan ghi nhận đóng góp lớn nhất từ Vincom Retail. Cụ thể, tổng doanh thu thuần hợp nhất tăng trưởng 17% và lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng trưởng hơn 29% so với cùng kỳ năm trước.
Việc bộ ba cổ phiếu Vingroup đồng loạt bật tăng mạnh khiến một số nhà đầu tư nhớ lại nhận định của Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup Phạm Nhật Vượng tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 ngày 17/5.
Tại đại hội, cổ đông đã băn khoăn về tiềm năng của cổ phiếu khi thị giá có xu hướng đi xuống (52.900 đồng tại 17/5). Trước câu hỏi này, ông Phạm Nhật Vượng cho hay: “Chắc chắn rằng giá trị của VIC hiện nay rất thấp so với cả giá trị thật. Trong bối cảnh thị trường như thế, anh hỏi VinFast là như thế nào thì tôi phải nói như ông Đặng Tiểu Bình ngày xưa là giấu mình chờ thời. Bản chất bây giờ nếu là cổ đông trung thành thì chẳng mất gì cả, anh chỉ mất khi anh bán, còn anh chưa bán thì đâu có mất.
Tôi tin tưởng rằng cùng với thời gian cổ phiếu VIC sẽ trở lại. Tại sao không trở lại khi VIC là chủ rất nhiều công ty có giá trị cho cổ đông. Hơn cả câu chuyện VIC là chủ công ty lớn nữa, tất cả lực lượng, nguồn lực hệ sinh thái của VIC đều dồn vào để thúc đẩy công ty mang lại giá trị, tại sao VIC lại không tăng.”