|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Thánh địa mua sắm hàng đầu châu Á chìm trong vắng vẻ đìu hiu vì COVID-19

08:00 | 09/08/2020
Chia sẻ
Con đường Orchard của Singapore từng được mệnh danh là Thánh địa mua sắm hàng đầu châu Á với con đường trải dài các cửa hàng từ nổi tiếng cho tới bình dân. Trước sức tàn phá của đại dịch, Orchard từ một khu phố đông đúc, nhộn nhịp trở nên vắng vẻ, hiu quạnh.
Thánh địa mua sắm hàng đầu châu Á chìm trong tẻ nhạt vì COVID-19 - Ảnh 1.

Người đi bộ dọc theo đường Orchard, Singapore. (Ảnh: Wei Leng Tay/Bloomberg).

Theo Bloomberg, với chiều dài 2,4 km, phố Orchard ở trung tâm thành phố Singapore, nơi từng được mệnh danh là thánh địa mua sắm hàng đầu châu Á, đang trở nên trống vắng, đìu hiu, các cửa hàng hầu như không có một bóng khách. Nhân viên nhiều cửa hàng thì quá nhàn rỗi, chỉ ngồi chơi hoặc nghịch điện thoại di động vì không có ai tới ghé thăm.

Những nhà hàng nổi tiếng như Modesto's giờ không còn nữa bởi họ đã đóng cửa vào tháng trước sau 23 năm hoạt động. Cũng thiếu vắng những du khách Trung Quốc xếp hàng dài bên ngoài các cửa hàng đồ xa xỉ như Chanel hay Louis Vuitton.

"Đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất với cả Singapore và đường Orchard", bà Kiran Assodani, chủ một cửa hàng may đã hoạt động 35 năm, trả lời Bloomberg

Cửa hàng của bà đã phải hứng chịu doanh số sụt giảm tới 90% kể từ khi dịch bệnh bùng phát. "Tôi không biết liệu cửa hàng có thể vượt qua cơn bão này không nữa", bà Assodani than thở.

Khi con đường hào nhoáng trở nên hiu quạnh

Tình trạng bất ổn của Orchard Road là một mô hình thu nhỏ về nỗi đau của thành phố trực thuộc bang. Sau những thành công ban đầu trong việc áp chế dịch COVID-19, đợt bùng phát dịch lần hai ở quốc đảo sư tử buộc nước này phải đóng cửa một phần nữa trong vòng hai tháng khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái tồi tệ nhất từ trước đến nay.

Những hạn chế về du lịch toàn cầu đang làm "bốc hơi" khoảng 20 tỉ USD doanh thu về du lịch của Singapore. Mặt khác, thị trường nội địa thì quá nhỏ để bù đắp cho sự thiếu hụt.

Thánh địa mua sắm hàng đầu châu Á chìm trong tẻ nhạt vì COVID-19 - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng cục Thống kê Singapore

Đầu thế kỉ 19, đường Orchard là khu trang trại kinh doanh trái cây, hạt nhục đậu khấu và hạt tiêu. Kể từ khi cửa hàng bách hóa đầu tiên mở cửa tại đây từ năm 1958, đường Orchard chuyển mình thành một thiên đường mua sắm hào nhoáng, thu hút du khách tới từ khắp lục địa châu Á.

Sự phát triển của đường Orchard song hành với quá trình Singapore vươn lên trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới. Nhưng giờ, Orchard phơi bày toàn bộ tình trạng khó khăn và tê liệt của nền kinh tế Singapore.

Nhà hàng Italy Modesto's từng "sống sót" sau một loạt các thảm họa như đại dịch SARS, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhưng giờ nhà hàng đã "gục ngã" vì dịch COVID-19. Thay vì gia hạn hợp đồng thuê, ông Ashok Melwani, 62 tuổi, chủ nhà hàng trên quyết định cắt lỗ và đóng cửa vĩnh viễn.

"Nếu tôi gia hạn hợp đồng, nhà hàng của tôi sẽ không thể trụ vững nổi", ông Melwani than thở. Ông cũng đã đóng cửa nhà hàng Modesto thứ hai ở gần đó.

Thánh địa mua sắm hàng đầu châu Á chìm trong tẻ nhạt vì COVID-19 - Ảnh 3.

Nhà hàng Modesto trên đường Orchard. Ảnh: Wei Leng Tay/Bloomberg

Suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng không hề nhỏ tới các hãng bán lẻ xa xỉ cho đến các khu mua sắm có thể mặc cả giá.

Robert Chua, quản lí của một cửa hàng giảm giá ở Far East Plaza, cho hay ông chỉ có thể trụ lại khoảng hai tháng nữa. Ông từng kiếm được 18.000 USD mỗi tháng từ việc bán vali và túi cho khách du lịch Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Nhưng giờ, doanh số mỗi ngày đạt 300 USD đã là rất khả quan. Có nhiều ngày, cửa hàng ông không có một bóng khách.

"Ngày nào đến cửa hàng, tôi đều cảm thấy buồn bã. Tôi không thể chợp mắt nổi khi nghĩ đến các khoản chi phí", ông Chua cũng tiết lộ sẽ phải trả tiền thuê mặt bằng tới 4.360 USD/tháng sau khi chương trình hỗ trợ chi phí thuê của chính phủ Singapore kết thúc vào cuối tháng 7.

Đại dịch chỉ là "giọt nước tràn li"

Ít nhất 20 cửa hàng ở Far East Plaza, do tập đoàn RB Capital sở hữu một phần, rơi vào tình trạng trống rỗng. Nhiều tấm áp phích "cho thuê" dán tràn lan trên cửa hàng. Cảnh tượng tương tự cũng xảy ra tại trung tâm thương mại cao cấp Ngee Ann City thuộc sở hữu của REIT RE của Starhill.

Một số cửa hàng tại đây đã đóng cửa, bao gồm một nhà hàng Nhật Bản và cửa hàng bán lẻ thời trang British India.

"Tôi kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ từ năm 1994 và chưa từng chứng kiến tình cảnh tồi tệ như thế này", bà Nana Sahmat, người quản lí cửa hàng thời trang Nhật Bản Fray I.D, cho hay. "Trước đây, tôi luôn bận rộn phục vụ khách hàng. Giờ thời gian nhàn rỗi nhiều hơn, tôi thường vào kho để kiểm hàng".

Trên thực tế, sự hào nhoáng của đường Orchard đã bị lu mờ phần nào trước khi dịch COVID-19 tấn công Singapore. Trung tâm Marina Bay Sands với các thương hiệu xa xỉ như Christian Louboutin, Fendi và Gucci và các nhà hàng ăn uống cao cấp như Cut by Wolfgang Puck, đã thu hút phần lớn du khách và khách nội địa giàu có.

Thánh địa mua sắm hàng đầu châu Á chìm trong tẻ nhạt vì COVID-19 - Ảnh 4.

Du khách đeo khẩu trang đi dạo trên đường Orchard. Ảnh: Wei Leng Tay/Bloomberg

Khách mua sắm bình dân thường lui tới các khu mua sắm ở ngoại ô, nơi tập trung các thương hiệu thời trang như Uniqlo, Zara và Topshop. "Trước dịch COVID-19, đường Orchard đã chứng kiến sự suy giảm về lượng khách và doanh số bán hàng", chuyên gia Wong King Yin thuộc Đại học Công nghệ Singapore cho biết.

Nỗ lực vực dậy khu phố mua sắm hàng đầu châu Á

"Đường Orchard chỉ có thể tìm lại ánh hào quang đã mất khi du lịch quốc tế phục hồi hoàn toàn, nền kinh tế gượng dậy và người dân sẵn sàng chi tiêu. Cùng với đó, đường Orchard phải cung cấp những trải nghiệm độc đáo hơn thay vì chỉ mua sắm", chuyên gia này nhấn mạnh.

Trước đây, đã từng có một số nỗ lực khôi phục đường Orchard. CapitaLand mở cửa trung tâm thương mại Ion Orchard vào năm 2009. Tại đây, khách mua sắm có thể mua mọi mặt hàng, từ đồ xa xỉ cho tới các sản phẩm bình dân. Ở đây cũng có một khu ẩm thực rộng lớn dưới tầng hầm, bán cả đồ ăn nhanh lẫn các món ngon hấp dẫn của đường phố Singapore.

Đường Orchard còn có cả dịch vụ mua sắm lúc nửa đêm. Nhà chức trách cũng chi 29 triệu USD để mở rộng vỉa hè con đường này. "Tuy vậy, chừng đó là chưa đủ để lôi kéo người tiêu dùng quay trở lại", chuyên gia Wong nhấn mạnh.

Trong năm ngoái, chính phủ Singapore công bố kế hoạch biến đường Orchard thành một "điểm đến của phong cách". Dự kiến nơi đây sẽ được chia thành 4 khu vực với các trọng tâm riêng như nghệ thuật và văn hóa, khu vực phục vụ thanh thiếu niên và một khu vườn lớn.

"Giống như nhiều thành phố khác, Singapore đang nghiên cứu những phương án có thể thay đổi hành vi của người tiêu dùng và tác động của đại dịch đối với kế hoạch phát triển đô thị", Cục Du lịch Singapore và Cơ quan Tái phát triển Đô thị trả lời email câu hỏi của Bloomberg. "Khi thích hợp, chúng tôi sẽ xem xét điều chỉnh và tinh chỉnh các kế hoạch cụ thể".

Tường Vy